Rau ăn lá
- Với các loại rau nhiều lá như: rau cải, rau muống, cải bắp, súp lơ…, không nên rửa rau trước khi để vào tủ lạnh, hoặc trước khi chế biến. Như vậy sẽ làm rau héo và úa nhanh hơn, hơi nước sẽ làm chúng bị nát. Gói rau lại bằng giấy báo để rau đỡ bị ẩm quá và khi ăn, bỏ ra chế biến, nhặt bỏ phần lá úa như rau vừa mua về.
- Với các loại như đậu Hà Lan, ớt Đà Lạt nên rửa sạch, cắt miếng vừa phải. Đun sôi nước, cho vào một ít muối rồi nhúng qua và bỏ vào thau nước đá thật lạnh để làm giảm nhiệt độ đột ngột. Để chừng 2-3 phút rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh hoặc ướp đá. Làm cách này màu sắc của rau sẽ xanh hơn, có thể giữ được 2-3 ngày.
Rau thơm
Với một số loại rau thơm như: ngò rí, ngò tây, húng quế, húng lủi…, cách cất trữ khá đơn giản lại hiệu quả: Cắt bỏ phần gốc rễ của các loại rau thơm, giữ cho lá khô ráo. Sau đó, cho nước vào lọ thủy tinh rồi cắm các loại rau thơm vào. Nếu bảo quản trong tủ lạnh thì nên dùng bao ni lông bao lại.
Ngò rí để được lâu trong môi trường có nhiệt độ mát mẻ nên rất thích hợp khi lưu trữ trong tủ lạnh. Ngò tây có thể được bảo quản ở nhiệt độ thường hoặc trong tủ lạnh. Các loại rau thơm khác (đặc biệt là húng quế) bảo quản ở nhiệt độ thường thì lý tưởng hơn vì chúng dễ bị hư hại trong nhiệt độ lạnh. Nên thay nước mới sau nhiều ngày bảo quản rau nếu thấy nước đổi màu.
Khoai tây
Khoai tây chỉ cần đựng trong túi giấy khô, để nơi thoáng mát, không để sát nền đất vì khoai có thể nảy mầm và gây ngộ độc. Không cất trữ khoai trong túi nilon hay các hộp kín, giữ khoai tây hoàn toàn tránh xa ánh sáng mặt trời tự nhiên để khoai không bị chuyển sang màu xanh và mọc mầm. Nếu dự trữ khoai ở nhiệt độ thường thì không để quá được 2 tuần. Kiểm tra thường xuyên để loại bỏ kịp thời những củ khoai tây thối và đang xuất hiện mầm xanh.
Cà chua
Cà chua, đặc biệt là cà chua chín cần được lưu giữ trong thùng kín và để trong tủ lạnh. Nhiệt độ lạnh sẽ làm chậm sự tiến triển của màu sắc, hương vị và hạn chế sự tiêu hủy chất dinh dưỡng của cà chua, cần tránh để cà chua chín gần các loại rau khác, vì cũng giống với dưa hấu, cà chua rất nhạy cảm với khí ethylene từ các loại rau hay củ quả khác thoát ra.
Cà rốt
Cà rốt sau khi mua về nếu không dùng ngay thì không nên rửa, vì nước có thể làm chúng nhanh ủng, nên cắt sạch cuống lá rồi để cà rốt trong rổ nơi thoáng mát.
Dưa chuột
Đối với dưa chuột, lấy một cái bát to rồi cho nước vào. Cắm phần cuống quả dưa xuống nước ngập độ 1/3 quả dưa. Mỗi ngày nhớ thay nước một lần .
Một số lưu ý
- Bảo quản hành lá trong chai nhựa sẽ làm cho hành khô ráo hơn.
- Bọc rau củ với túi nilon trước khi cho vào tủ lạnh và bó chặt phía dưới giúp rau tươi lâu hơn.
- Bảo quản nấm trong túi giấy thay vì túi nilon bởi túi giấy có khả năng hút ẩm tốt hơn.
- Bọc cần tây và súp lơ xanh trong giấy bạc trước khi cho vào tủ lạnh và chúng ta có thể bảo quản các thực phẩm này tới 4 tuần.
- Bọc giấy bóng phần núm của nải chuối sẽ kéo dài “tuổi thọ” của chuối từ 3 – 5 ngày so với bình thường.
- Nên bảo quản khoai tây chung với táo sẽ chậm mọc mầm hơn.
- Gừng nên bảo quản trong tủ lạnh sẽ tươi lâu hơn, dễ bóc vỏ và thái nhỏ hơn.
- Măng tây cắm vào lọ có nước rồi phủ lên trên một lớp nilon và cho vào tủ lạnh, chúng sẽ tươi lâu hơn nhiều.
- Những loại rau củ quả không nên cho vào tủ lạnh là: quả bơ, mơ, chuối, tỏi, kiwi, dưa leo, hành tây, lê, đào, mận, dứa và cà chua. Hãy bảo quản chúng ở nhiệt độ phòng trừ khi thời tiết quá nóng.
- Hành bảo quản chung với khoai tây là một sai lầm lớn bởi chúng sẽ hỏng nhanh hơn gấp nhiều lần.
- Cà chua không nên bảo quản trong túi nilon, vì nó khiến chúng chín nhanh hơn.