Mở không gian phát triển tối đa cho ngành công nghiệp hóa chất

Cần xây dựng chính sách hướng đến việc tạo điều kiện để mở không gian phát triển tối đa cho ngành công nghiệp hóa chất tương xứng với tiềm năng và vai trò vốn có, mà trong đó chủ thể thụ hưởng chính là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hóa chất.

Sáng 1/4/2025, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam.

Sáng 1/4/2025, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam
Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam

Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài chủ trì, với sự tham dự của các đơn vị thuộc Bộ Công Thương; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và đại diện một số doanh nghiệp, hiệp hội đầu tư sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực hóa chất.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài cho biết, Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội ngày 30/7/2024; được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 42 ngày 7/2/2025. 

Nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội thống nhất về sự cần thiết ban hành Luật Hóa chất (sửa đổi) với các lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Hóa chất hiện hành, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, cũng như đáp ứng nhu cầu hội nhập sâu rộng của đất nước.

Thứ trưởng Trương Thanh Hoài nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách trong phát triển công nghiệp hóa chất tương xứng với tiềm năng và vai trò là ngành công nghiệp nền tảng của nền kinh tế
Thứ trưởng Trương Thanh Hoài nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách trong phát triển công nghiệp hóa chất tương xứng với tiềm năng và vai trò là ngành công nghiệp nền tảng của nền kinh tế

Tuy nhiên, nhấn mạnh vai trò quan trọng của công nghiệp hóa chất trong sự phát triển công nghiệp và kinh tế đất nước, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài cho rằng ngành công nghiệp này chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và vai trò công nghiệp nền tảng vốn có. Do vậy, cần xây dựng chính sách hướng đến việc tạo điều kiện để mở không gian phát triển tối đa cho ngành công nghiệp hóa chất, mà trong đó chủ thể thụ hưởng chính là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hóa chất.

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam với mong muốn lắng nghe ý kiến của các Doanh nghiệp, các Nhà đầu tư về các nội dung tại Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) nói riêng và chính sách về công nghiệp hóa chất nói chung; đồng thời mong muốn các Nhà đầu tư, doanh nghiệp “hiến kế” giúp cho Bộ Công Thương tham mưu Chính phủ đề xuất các chính sách mạnh mẽ, khả thi hơn nữa nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hóa chất đúng với tiềm năng, lợi thế.

Thứ trưởng Trương Thanh Hoài nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách trong phát triển công nghiệp hóa chất tương xứng với tiềm năng và vai trò là ngành công nghiệp nền tảng của nền kinh tế

Theo Cục Hóa chất, tại Việt Nam, trong số 10 ngành công nghiệp lớn nhất cả nước theo phân ngành cấp 2, công nghiệp hóa chất được xếp vào nhóm ngành thứ ba, chiếm tỷ trọng 2-5% GDP của toàn ngành công nghiệp. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của ngành khoảng 10-11%/năm; lực lượng lao động khoảng 2,7 triệu (chiếm gần 10% lao động toàn ngành công nghiệp) và năng suất lao động cao 1,36 lần năng suất lao động trung bình của toàn ngành công nghiệp (do có mức độ tự đồng hóa khá cao). 

Một số lĩnh vực hóa chất đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu trong nước (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, săm lốp, sơn thông dụng, sản phẩm tẩy rửa). Chủng loại, cơ cấu sản phẩm ngày càng đa dạng, cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp khác (điện tử, luyện kim, dệt may - gia dày, chế bến thực phẩm, ô tô…).

Mặc dù đã đạt được một số thành tựu đáng kể, quy mô và tốc độ phát triển của ngành hóa chất chưa tương xứng với vai trò và tiềm năng phát triển, nhiều loại nguyên liệu và sản phẩm hóa chất còn phụ thuộc vào nhập khẩu; đầu tư cho ngành còn hạn chế, cơ cấu đầu tư còn bất hợp lý, chưa có nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chưa hình thành chuỗi giá trị các sản phẩm hóa chất trong khu vực và toàn cầu. 

Với vai trò quan trọng của ngành công nghiệp hóa chất, tại Đại hội Đảng XIII, hóa chất được xác định là một trong những ngành công nghiệp nền tảng, phát triển công nghiệp hóa chất là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội cả nước. 

Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam

Nhằm tạo cơ chế, chính sách phù hợp để triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, đồng thời phát triển công nghiệp hóa chất theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh, an toàn và thân thiện với môi trường, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), Bộ Công Thương đã tham mưu Chính phủ dành riêng 1 chương về phát triển công nghiệp hóa chất, đồng thời đưa ra một số giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, bổ sung các quy định về xây dựng và thực thi chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất.

Dự thảo bổ sung các quy định về xây dựng và thực thi chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất theo hướng quy định rõ yêu cầu đối với nội dung của chiến lược; giai đoạn lập chiến lược; trách nhiệm xây dựng, thẩm quyền phê duyệt và trách nhiệm tổ chức thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp hóa chất.

Thứ hai, xây dựng yêu cầu, tiêu chí, quy định đặc thù đối với dự án hóa chất 

Khái niệm về “Dự án hóa chất” đã được làm rõ hơn so với Luật Hóa chất 2007, cụ thể: Dự án hóa chất là dự án đầu tư xây dựng được hình thành và thực hiện với mục tiêu chính để tiến hành hoạt động sản xuất, tồn trữ hóa chất và các sản phẩm của ngành công nghiệp hóa chất. 

Bên cạnh các yêu cầu về đầu tư, xây dựng, dự án hóa chất cần đáp ứng các yêu cầu, quy định về công nghệ hóa chất, an toàn hóa chất. Dự thảo Luật quy định các nội dung cần được xem xét, đánh giá trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư, giai đoạn quyết định đầu tư dự án hóa chất nhằm đáp ứng các yêu cầu về công nghệ, an toàn hóa chất và bảo vệ môi trường, hướng đến lồng ghép các tiêu chí hóa học xanh và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Chính phủ sẽ quy định chi tiết về các nguyên tắc hóa học xanh, quy định chi tiết việc thực hiện các quy định đặc thù đối với dự án hóa chất, đảm bảo lồng ghép tối đa vào các quy trình, thủ tục về đầu tư, xây dựng hiện hành tại Luật Đầu tư, Luật Xây dựng.

Thứ ba, ưu đãi đối với lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm.

Nhằm tạo cơ chế, chính sách phù hợp để triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại, dự thảo Luật quy định về các lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm và các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực này phù hợp với chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất, có quy mô vốn đầu tư, tiến độ giải ngân theo quy định của Chính phủ được hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt theo quy định tại Luật Đầu tư và quy định của luật khác có liên quan.

Các lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm bao gồm: các lĩnh vực sản xuất sản phẩm để cung cấp nguyên liệu cơ bản, thiết yếu cho nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất khác (hóa chất cơ bản, hóa dầu, cao su); lĩnh vực sản xuất góp phần đảm bảo an ninh lương thực, an ninh y tế (hóa dược, phân bón chất lượng cao); lĩnh vực thúc đẩy phát triển bền vững, hướng tới kinh tế tuần hoàn (sản xuất hóa chất hydro, amoniac và các dẫn xuất từ nguồn năng lượng tái tạo; dự án đầu tư khu công nghiệp chuyên ngành hóa chất, tổ hợp hóa chất).

Quy định như trên nhằm đảm bảo đồng bộ với Luật Đầu tư, phù hợp với thực tiễn hoạt động đầu tư trong lĩnh vực hóa chất, đồng thời bảo đảm tính linh hoạt trong điều hành của Chính phủ.  

Thứ tư, xây dựng các quy định nhằm quản lý, thúc đẩy mạng lưới tư vấn trong hoạt động hóa chất, hỗ trợ phát triển cả về số lượng và chất lượng

Dự thảo bổ sung quy định về hoạt động tư vấn chuyên ngành hóa chất theo hướng:

- Bổ sung điều kiện về chuyên môn hóa chất đối với tư vấn thực hiện các hoạt động xây dựng. Việc cấp chứng chỉ cho các đối tượng này thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Xây dựng.

- Bổ sung quy định về điều kiện chuyên môn, cấp chứng chỉ đối với một số hoạt động tư vấn liên quan trực tiếp đến công nghệ và an toàn, an ninh hóa chất.

Việc bổ sung quy định về hoạt động tư vấn chuyên ngành hóa chất nhằm nâng cao hiệu quả công tác an toàn hóa chất, đảm bảo quyền lợi cho các chủ đầu tư dự án, lựa chọn được các giải pháp công nghệ, xây dựng, an toàn phù hợp, hiệu quả, tiết kiệm chi phí. 

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu, doanh nghiệp, chuyên gia tập trung đóng góp ý kiến vào các nội dung như: quản lý hóa chất cấm, an toàn hóa chất, đầu tư trong lĩnh vực hóa chất, công tác thông tin truyền thông về vai trò của ngành công nghiệp hóa chất,…

Thy Thảo