Mục tiêu lớn, thách thức nhiều
Nghị quyết Đại hội XIII đã xác định mục tiêu đến năm 2025 tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt 25%. Đây là mục tiêu vô cùng lớn, vì giai đoạn 10 năm trước đó, tỷ trọng này chỉ tăng 3,7%, từ 13% năm 2010 lên 16,7% năm 2020. Hơn thế nữa, qua mỗi 5 năm, con số tuyệt đối tăng thêm của mỗi 1% càng nhân lên gấp bội.
Song đây là mục tiêu chiến lược phải hoàn thành, gắn với quá trình xây dựng nền công nghiệp tự chủ, trong bối cảnh gia tăng xung đột địa chính trị, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, đã tác động mạnh mẽ đến sự hình thành các chuỗi cung ứng mới.
Hiện bài toán xây dựng nền công nghiệp tự chủ của Việt Nam khá hóc búa, khi nhiều nền tảng căn bản về lao động và tài nguyên đang còn hạn chế.
Về lao động, trước hết là kỹ năng lao động của nước ta khá khiêm tốn. Số liệu tại cuộc hội thảo do Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) tổ chức tháng 4 năm 2021 cho thấy, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp mới đạt 24,5%, đạt 46/100 điểm, xếp thứ 103 trên thế giới, kém rất xa so với nhóm ASEAN-4.
Còn theo đánh giá của World Bank, tỷ lệ lao động Việt Nam có trình độ kỹ năng chuyên môn chưa đến 30% và chỉ 10% người lao động Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số.
Với năng suất lao động, theo số liệu của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH), hiện nay, năng suất lao động Việt Nam bằng 8,4% Singapore, 23,1% Malaysia, 41,5% Thái Lan, 55,5% Indonesia và 62,8% Philippinse.
Kỹ năng và năng suất lao động hạn chế là một trong những rào cản lớn để hình thành những chuỗi cung ứng tự chủ trong nước. Nhiều công đoạn sản xuất mang giá trị gia tăng cao nằm ở nước ngoài, như các nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, hóa chất, cao su, phương tiện vận tải và phụ tùng… khiến doanh nghiệp trong nước và FDI bị phụ thuộc.
Về tài nguyên, không nước nào lo đủ mọi nguyên liệu sản xuất, nhưng vấn đề nằm ở độ lớn của doanh nghiệp. Việt Nam hiện đứng đầu ASEAN về sản lượng sản xuất và tiêu thụ thép; trong đó, Hòa Phát là nhà sản xuất thép lớn nhất khu vực khi có sản lượng tới 8 triệu tấn thép thô/năm, và đứng thứ 15 công ty thép vốn hóa lớn nhất thế giới - theo dữ liệu của Refinitiv Eiko, Anh quốc.
Với độ lớn đó, nhà xuất khẩu nguyên liệu nào trên thế giới cũng muốn trở thành “đối tác tin cậy” trong chuỗi cung ứng của Hòa Phát. Rõ ràng, tầm cỡ của doanh nghiệp góp phần đáng kể vào sự tự chủ về nguyên liệu sản xuất. Tiếc rằng ta chưa có nhiều doanh nghiệp như vậy.
Công nghiệp tự chủ: Bài toán về công nghệ, thị trường
Trong bối cảnh những nền tảng căn bản cho xây dựng một nền công nghiệp tự chủ còn hạn chế, các nhà quản lý, doanh nghiệp phải làm gì? Tại cuộc Tọa đàm “Xây dựng nền công nghiệp tự chủ và vai trò của các doanh nghiệp trong nước” do Tạp chí Công Thương cùng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương tổ chức đã đưa ra những góc nhìn mới, cách tiếp cận mới.
Các vị khách mời gồm đại diện cơ quan quản lý nhà nước, nhà sản xuất và nhà cung ứng dịch vụ logistics, đã đi thẳng vào vấn đề: Với nội lực yếu như vậy, để xây dựng nền công nghiệp tự chủ, công nghiệp Việt Nam cần làm gì và có thể làm gì!
Vấn đề đầu tiên được các vị khách mời nhấn mạnh là xử lý vấn đề năng suất thấp, nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua khoa học công nghệ, đặc biệt là chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Hữu Tú, Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, cho biết, Tập đoàn có 10 phân ngành từ phân bón, hóa chất cơ bản, khí công nghiệp, sản xuất cao su, hóa dầu, hóa dược, sản xuất hàng tiêu dùng, điện hóa...
Nhìn chung tất cả các phân ngành về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, với những sản phẩm chất lượng cao, đòi hỏi phải nghiên cứu để đáp ứng, như sản phẩm cao su kĩ thuật, ắc quy công nghệ cao dùng cho xe điện… Do đó, Tập đoàn đã triển khai những giải pháp đổi mới khoa học công nghệ, tập trung vào 3 nhóm chính.
Đầu tiên, tìm mọi cách giảm cái chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh từ khâu nguyên liệu đầu vào, định mức, đến quản trị tài chính. Thứ hai, hợp lý hóa quy trình sản xuất, liên tục đưa ra những cái sản phẩm mới, đồng hành cùng khách hàng. Như xây dựng chương trình canh tác thông minh để vừa cung cấp sản phẩm, vừa nâng cao hiệu quả với bà con nông dân. Ngoài ra, Tập đoàn luôn tìm cơ hội chuyển giao công nghệ từ các đối tác quốc tế.
Cuối cùng là mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Hiện nhiều sản phẩm đã có chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong nước, từ phân bón đến hàng sản xuất hàng tiêu dùng, hóa chất cơ bản, sản phẩm cao su... Trong khi sản phẩm của Tập đoàn đã xuất khẩu tới trên 40 nước.
Với ngành thép, theo ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký Hiệp hội Thép, Việt Nam đã làm chủ một nền công nghiệp thép với 2 công nghệ hiện đại, gồm công nghệ lò cao sử dụng nguyên liệu quặng sắt và công nghệ lò điện sử dụng thép phế. Từ phụ thuộc chủ yếu vào thép nhập khẩu, đến nay Việt Nam vươn lên, trở thành quốc gia xuất khẩu hàng chục tỷ USD; năm 2021 Việt Nam xuất khẩu hơn 14 triệu tấn thép, trị giá 12,7 tỷ USD đến hơn 30 Quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, bài toán ở đây không hẳn là công nghệ, năng lực sản xuất, mà còn là câu chuyện thị trường. Cụ thể, nhu cầu thép hợp kim, thép chế tạo phục vụ cho hộ tiêu dùng cuối cùng ở các ngành, lĩnh vực kinh tế có số lượng nhỏ (hàng nghìn tấn/năm), vì thế không tương thích với quy mô lớn của nhà máy thép, nhà máy luyện kim (sản lượng hàng trăm nghìn tấn cho đến hàng triệu tấn/năm).
Ông Thái đề xuất, để xây dựng nền công nghiệp tự chủ cần có một ngành công nghiệp trung gian là phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, như một điểm nối giữa công nghiệp thép với các ngành sử dụng thép cuối cùng.
Trên thực tế, một thành viên của Hiệp hội Thép là Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC đã hợp tác với Samsung C&T đầu tư một trung tâm gia công và 1 nhà máy cơ khí chính xác tại KCN Phú Mỹ II với công suất 10 triệu sản phẩm/năm. Đây là nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp thép Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng doanh nghiệp FDI để phục vụ nhu cầu của ngành điện, điện tử trong nước.
Chuyển đổi số
Tân Cảng Sài Gòn, doanh nghiệp đứng trong 20 cụm cảng container lớn nhất thế giới, có sản lượng thông qua chiếm 55% thị phần xuất nhập khẩu toàn quốc. Thượng tá Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn khẳng định, một trong những thế mạnh để Tân Cảng Sài Gòn duy trì được vị trí 20 toàn cầu là phát triển mô hình cảng thông minh, kết nối số theo thời gian thực, như điện tử hóa các chứng từ, thanh quyết toán, các thủ tục kết nối với các bên liên quan trong chuỗi cung ứng và tiến tới xây dựng từng phần cảng tự động và kết nối, chia sẻ thông tin với các cảng thành viên trong Hiệp hội cảng biển Đông Nam Á, thành viên trong Mạng lưới các cảng biển châu Á - Thái Bình Dương.
Cuối năm 2020, Tập đoàn Hòa Phát ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn Công nghệ CMC xây dựng lộ trình chuyển đổi số toàn diện, gồm ba giai đoạn: xây dựng nền tảng công nghệ và quản trị; khai thác số hoá hiệu quả cho vận hành; quản trị toàn diện bằng dữ liệu.
Việc chuyển đổi số trong vận hành cho phép tạo ra các kênh tương tác mới giữa đại lý và Hoà Phát để tự động hóa quá trình đặt hàng, theo dõi giao nhận hàng hóa tăng trải nghiệm khách hàng.
Với tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Đảng bộ Tập đoàn đã ban hành Chương trình thực hiện chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến hết năm nay, 100% đơn vị thuộc tập đoàn ứng dụng công nghệ số trong quản trị, thực hiện số hóa 80% cơ sở dữ liệu, các quy trình nghiệp vụ, quy trình sản xuất kinh doanh. Đến năm 2025, 70% các nghiệp vụ liên quan đến khách hàng thực hiện trên môi trường số, 100% đơn vị thuộc Tập đoàn ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh.
Đến nay, nhiều đơn vị thuộc Tập đoàn đi đầu trong chuyển đổi số, như Công ty CP Cao su Đà Nẵng. Ngay trong năm nay, Công ty sẽ vừa tập trung duy trì các sản phẩm thế mạnh như dòng lốp xe tải, vừa thực hiện từng bước chuyển đổi số ở các khâu quản lý sản phẩm, sau đó hoàn thiện xây dựng văn phòng số, dự kiến đến năm 2025, sẽ số hóa đồng bộ các quy trình quản trị và sản xuất toàn Công ty. Mới đây, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền - Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, đã bắt tay cùng MISA thực hiện dự án tự động hóa toàn bộ quy trình từ khâu tìm kiếm, tiếp cận đến chăm sóc sau bán; và phục vụ, hỗ trợ kịp thời tất cả khách hàng từ nhà phân phối, đại lý, người nông dân đến các khách vãng lai do marketing mang lại.
Hỗ trợ doanh nghiệp lớn
Có thể thấy, những bài toán về thị trường, công nghệ, thực hiện chuyển đổi số, sản xuất thông minh phần lớn do các doanh nghiệp lớn đi tiên phong. Họ là những đối tác tiềm năng có thể kết nối vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, cũng như trở thành những hình mẫu, có khả năng dẫn dắt, cổ vũ các doanh nghiệp nhỏ và vừa mạnh dạn bước vào dòng chảy của công nghiệp 4.0.
Chính vì vậy, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, khách mời tại cuộc Tọa đàm cho rằng, khi lựa chọn các ngành, các phân ngành để phát triển công nghiệp trong thời gian tới, chúng ta phải dựa trên nền tảng những ngành công nghiệp đang có thế mạnh và đang phát triển, nhưng đồng thời phải dựa trên 3 tiêu chí, gồm:
(i) Phát triển mạnh ở thị trường trong nước;
(ii) Tiếp cận được những công nghệ sản xuất hiện đại, đón đầu những xu thế công nghệ mới trong các ngành công nghiệp sinh học, điện tử, vật liệu…; và
(iii) Trong các ngành công nghiệp nền tảng ưu tiên phát triển, phải có những doanh nghiệp có tiềm năng để xây dựng thành những tập đoàn kinh tế đủ mạnh dẫn dắt các ngành công nghiệp và công nghiệp phụ trợ phát triển theo.
Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp nói rõ thêm, trong quá trình phát triển, Nhật Bản, Hàn Quốc… luôn có những doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn dẫn dắt sự phát triển của các doanh nghiệp khác. Ở nước ta, trong dự thảo Luật Phát triển Công nghiệp, Bộ Công Thương đã đề xuất những chính sách hỗ trợ hình thành các tập đoàn lớn sản xuất lớn tại Việt Nam, song không dàn trải và chỉ tập trung vào những ngành và lĩnh vực công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên.
Đây có lẽ là một trong những chuyển biến quan trọng trong xây dựng chính sách xây dựng một nền công nghiệp tự chủ. Trước đây, ta đã từng thất bại trong khuyến khích doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước, kết nối với nhà cung cấp trong nước. Đến 2016 chúng ta đã nhận diện điểm gút mắc kết nối chính là con người và tổ chức sản xuất.
Do đó, Bộ Công Thương đã cùng Samsung lựa chọn một số doanh nghiệp trong nước có khả năng để đào tạo, tư vấn cải tiến, đổi mới sản xuất, quản lý chất lượng và lưu thông hàng hóa, cải thiện và duy trì môi trường làm việc (5S3D), phát triển nhà máy thông minh… thông qua các hoạt động: Xây dựng môi trường thu thập, chia sẻ thời gian thực hiện trường sản xuất; Chuẩn hoá quy trình quản lý phụ tùng, bộ phận, linh kiện thay thế và ứng dụng hệ thống; Mã hoá phụ tùng, bộ phận, linh kiện thay thế, tối ưu hoá quy trình quản lý; ứng dụng xây dựng cấu trúc vật liệu thiết bị; Áp dụng quét mã vạch để quản lý kết quả sản xuất và hiện trạng xuất nhập kho; Áp dụng phần mềm để quản lý sản xuất và thiết bị, tỉ lệ lỗi…
Kết quả, qua mỗi năm, số doanh nghiệp tham gia và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của Samsung và các tập đoàn đa quốc gia khác tại Việt Nam ngày một tăng.
Cùng với phát triển thị trường, tiếp cận công nghệ mới, việc hỗ trợ các doanh nghiệp tăng năng suất lao động - đảm bảo chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng - đủ điều kiện kết nối vào chuỗi cung ứng, cũng là một trong những phương thức để Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu xây dựng một nền công nghiệp tự chủ.