16 đội tuyển nông dân các tỉnh Nam bộ tham dự, mở màn cho ngày hội tranh tài của nông dân cả nước trên 4 khu vực. Kết quả 4 đội An Giang, Cần Thơ (nhất), TP Hồ Chí Minh, Bạc Liêu (nhì) 2 bảng G và H đã nắm tay nhau chuẩn bị bước vào vòng thi bán kết và chung kết sẽ được tổ chức vào đầu tháng 10 tại tỉnh An Giang.
Nhiều điểm mới tại lần thi thứ V
Với chủ đề: “Nông dân Việt Nam trí tuệ- Số hóa- Hợp tác- Đột phá”, hội thi nhằm nêu bật vai trò của người nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên công nghệ số, công nghệ 4.0. Tạo sân chơi trí tuệ cho nông dân Việt Nam có cơ hội giao lưu, học hỏi, trang bị thêm cho mình những kiến thức bổ ích trong ứng phó với những bất lợi của thời cuộc và biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh; tạo không khí thi đua học tập, tổ chức sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn trong nông dân; Khuyến khích nông dân mạnh dạn hơn, thông minh hơn trong ứng dụng những tiến bộ mới, công nghệ mới, liên kết, hợp tác với nhau và với doanh nghiệp; lắng nghe nhà khoa học và thực hiện theo những chủ trương, chính sách của nhà nước để sản phẩm làm ra đạt hiệu quả kinh tế cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường; nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống nông dân và thay đổi bộ mặt nông thôn; tạo điều kiện cho tất cả các cấp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có định hướng chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Với định kỳ 5 năm một lần, Hội thi đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước khen ngợi, các cấp hội và nông dân cả nước đồng tình, ủng hộ, tích cực tham gia.
Đậm đà hương vị đất phương Nam
Sau một ngày tranh tài hào hứng, sôi nổi, không kém phần quyết liệt, hội thi đã kết thúc tốt đẹp. Kết luận hội thi, ông Phạm Tiến Nam, phó chủ tịch TW Hội Nông dân Việt Nam, nói: “Chúng ta đã được xem các đội thi giới thiệu về đặc trưng vùng đất, con người, kinh tế, văn hóa; về hoạt động công tác hội và phong trào nông dân địa phương cũng như thể hiện sự hiểu biết của mình đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của Hội; về các kiến thức sản xuất nông nghiệp, các sáng kiến, sáng chế ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất..
Qua hội thi, chúng ta thấy hội viên nông dân các tỉnh thành Nam bộ không những cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất mà còn sáng tạo trên các lĩnh vực nghệ thuật…Dư âm của hội thi sẽ còn vang mãi trong lòng người dân đồng bằng sông Cửu Long, tạo niềm hứng khởi cho cán bộ, hội viên và nông dân trong khu vực quyết tâm phấn đấu xây dựng tổ chức hội vững mạnh, giai cấp nông dân thực sự là chủ của quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại, một nền nông nghiệp sinh thái, với những sản phẩm nông nghiệp an toàn, tin cậy, không chỉ ở Việt Nam, mà trên toàn thế giới.”
Qua các phần thi: Lời chào nông dân, nghe nông dân nói, kiến thức nhà nông và so tài nhà nông, những thông điệp có ý nghĩa về cuộc sống, về vai trò của ngành nông nghiệp đối với sự phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, nông thôn; cũng như khát vọng khởi nghiệp và vươn xa, những khát khao về cuộc sống văn minh, phồn thịnh đã được truyền tải một cách tinh tế, độ đáo, đầy nghệ thuật, với nhiều hình thức sân khấu hóa mới lạ, đa dạng, rất dung dị nhưng đã đem lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, tình cảm sâu đậm cho người xem… tất cả toát lên hương vị văn hóa đậm đà chất phương Nam- Ông Nam nhấn mạnh.
Đội Bạc Liêu mang lên sân khấu cả một dàn nhạc đờn ca vọng cổ và bài Dạ cổ hoài lang ngọt lịm.
Ngoài các giải nhất, nhì, ba, Ban tổ chức còn trao các giải: Lời chào nông dân cho 2 đội An Giang và Sóc Trăng; giải thưởng xuất sắc cho phần thi Nghe nông dân nói, cho 2 đội Tiền Giang và Sóc Trăng, giải xuất sắc phần thi So tài nhà nông, cho 2 đội Bình Dương và Vĩnh Long.
Tiếp theo trong suốt tháng 8, hội thi sẽ diễn ra tại Gia Lai (KV3), Hải Phòng (KV2) và Lai Châu (KV1). Ngày 30 tháng 9 và 01 tháng 10 sẽ diễn ra vòng thi bán kết và chung kết, tại tỉnh An Giang.
Bình Điền đồng hành cùng hội thi
Ông Ngô Văn Đông, Tổng Giám đốc Cty CP Phân bón Bình Điền, cho biết: “Với phương châm Phân bón Đầu Trâu- Bạn đồng hành của nhà nông, Công ty Bình Điền luôn trăn trở, suy nghĩ làm sao để nông dân biết và ứng dụng kịp thời những tiến bộ KH-KT vào sản xuất, dần dần từ bỏ thói quen, tập quán sản xuất bảo thủ, lạc hậu …từ năm 1997, Bình Điền đã tổ chức Hội thi Khuyến nông với hình thức hỏi đáp và sân khấu hóa những kiến thức KH-KT nông nghiệp cho nông dân 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, năm 1998 hội thi đổi tên thành Hội trại nhà nông. Năm 1999 Bình Điền quyết định tổ chức hội thi với tên gọi Nhà nông đua tài cho nông dân 30 tỉnh thành phía Nam. Năm 2002 Bình Điền chuyển giao ý tưởng và công tác tổ chức hội thi cho Hội Nông dân Vệt Nam, tổ chức hội thi toàn quốc lần thứ 1. Từ đó, Bình Điền là nhà tài trợ chính và là thành viên Ban tổ chức hội thi.”
Ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Marketing Công ty Bình Điền, khẳng định Bình Điền tiếp tục đồng hành cùng bà con nông dân trên bước đường tiếp cận và áp dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp. Tại hội thi, Công ty Bình Điền đã tổ chức minigame với những phần quà thiết thực, tạo thêm một sân chơi sôi nổi, hào hứng, cùng hoạt động hướng dẫn bà con cài đặt app Canh tác thông minh để Bình Điền có thể chăm sóc bà con một cách nhanh chóng và chuyên nghiệp, cũng như giúp nông dân tiếp cận công nghệ số ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp một cách có hiệu quả, phù hợp với kỷ nguyên công nghệ số 4.0