Theo đánh giá, xếp hạng của các tổ chức quốc tế, môi trường kinh doanh năm 2018 của Việt nam được cải thiện 13 bậc so với năm 2016. Trong đó, chỉ số tiếp cận điện năng tăng 69 bậc; nộp thuế và bảo hiểm tăng 36 bậc; mức độ tiếp cận dịch vụ công điện tử của người dân tăng 29 bậc; chỉ số hiệu quả hoạt động của ngành logistics tăng 25 bậc; khởi sự kinh doanh tăng 17 bậc; chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 14 bậc… Hơn 50% doanh nghiệp hoạt động trên lãnh thổ đánh giá môi trường kinh doanh thông thoáng thuận lợi hơn đáng kể.
Đây là những nguồn lực góp phần làm nên kết quả nổi bật của năm 2018 là tăng trưởng GDP đạt 7,08%, vượt số đã báo cáo Quốc hội (6,8%), cao nhất kể từ năm 2008, GDP bình quân đầu người đạt 2.587 USD (đã báo cáo Quốc hội là 2.540 USD). Khu vực nông nghiệp tăng 3,76%, cao nhất kể từ năm 2012. Khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 8,85%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh 12,98%, là động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế. Khu vực dịch vụ tăng 7,03%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,7%. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt kỷ lục 15,5 triệu lượt, tăng 19,9% so với 2018.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,54%, là năm thứ 3 liên tiếp CPI ở mức dưới 4%. Chất lượng tín dụng được cải thiện, thanh khoản và an toàn hệ thống được bảo đảm. Tỷ giá, thị trường vàng, ngoại tệ ổn định; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt trên 60 tỷ USD.
Mặc dù vậy, xếp hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của nước ta mới chỉ đạt ở mức trung binh khá trên bình diện quốc tế. Cụ thể, đứng thứ 69/190 về môi trường kinh doanh; thứ 77/140 về năng lực cạnh tranh. Hơn thế nữa, trong khu vực Asean vẫn chưa lọt vào nhóm 4 nước dẫn đầu (đứng thứ 5 về môi trường kinh doanh, đứng thứ 7 về năng lực cạnh tranh).
Bên cạnh một số chỉ số có mức cải thiện nhanh, vẫn còn một số chỉ số cải thiện chậm. Đặc biệt, một số chỉ số tụt hạng mạnh so với khu vực và thế giới như chỉ số về giải quyết phá sản doanh nghiệp năm 2018 giảm 8 bậc, từ 125 xuống 133 so với năm 2016. Cùng với đó, các chỉ số liên quan đến công nghệ, sáng tạo nhằm thích nghi với nền sản xuất mới trong cuộc cách mạng 4.0 chậm được theo dõi, cập nhật, tập trung cải thiện. Hiện Việt nam xếp thứ 77/140 trên thế giới, đứng thứ 7 Asean về năng lực cạnh tranh trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dẫn tới bị giảm 1 bậc trong bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới (WB), giảm 3 bậc trong xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).
Vì thế, một số chỉ số về môi trường kinh doanh nước ta được cải thiện, được doanh nghiệp và người dân ghi nhận; được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, nhưng chưa đủ. Chi phí cơ hội, chi phí không chính thức của doanh nghiệp trong khởi sự kinh doanh đã giảm nhưng vẫn còn nhiều. Để nâng cao thứ hạng trong các xếp hạng quốc tế, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh; tăng nhanh số doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội… Chính phủ đã soạn thảo dự thảo Nghị quyết 19, trong đó đặt mục tiêu phấn đấu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nước ta thuộc nhóm Asean 4 trên 6 nội dung:
- Nâng xếp hạng Môi trường kinh doanh (của WB) lên 15-20 bậc; riêng năm 2019 tăng 5-7 bậc.
- Nâng xếp hạng Năng lực cạnh tranh (của WEF) lên 5-10 bậc; trong năm 2019 tăng 3-5 bậc.
- Nâng xếp hạng Đổi mới sáng tạo (của WIPO) lên 5-7 bậc; năm 2019 tăng 2-3 bậc.
- Nâng xếp hạng Hiệu quả logistics (của WB) lên 5-10 bậc
- Nâng xếp hạng Năng lực cạnh tranh du lịch (của WEF) lên 10-15 bậc; năm 2019 tăng 7-10 bậc.
- Nâng xếp hạng Chính phủ điện tử (của UN) lên 15-20 bậc; năm 2019 tăng 10-15 bậc.