Nhằm ngăn chặn hành vi gian lận và trốn thuế từ việc giao dịch, mua bán hàng hóa dịch vụ thông qua việc xuất hóa đơn điện tử, tại dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến đã qui định rất rõ ràng về những hành vi, đối tượng sử dụng hóa đơn điện tử có khả năng rủi ro cao về thuế để đưa vào diện quản lý chặt chẽ của cơ quan thuế.
Đối tượng nào có khả năng rủi ro cao về thuế khi sử dụng hóa đơn điện tử?
Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế thuộc nhóm rủi ro cao về thuế được chia thành 2 loại.
Thứ nhất, là DN có vốn chủ sở hữu dưới 15 tỷ đồng và có một trong các dấu hiệu như không có quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp các cơ sở vật chất (phù hợp với ngành nghề đăng ký kinh doanh trên đăng ký thuế); Kinh doanh trong lĩnh vực khai thác đất, đá, cát, sỏi; Có giao dịch qua ngân hàng đáng ngờ theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền; Có doanh thu từ việc bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho các DN khác, mà chủ các DN đó có mối quan hệ cha mẹ, vợ chồng, anh chị em ruột, hoặc quan hệ liên kết sở hữu chéo chiếm tỷ trọng trên 50% trên tổng doanh thu kinh doanh trên tờ khai quyết toán thuế TNDN của năm quyết toán.
Ngoài ra, doanh nghiệp không thực hiện kê khai thuế theo quy định, nghỉ kinh doanh quá thời hạn đã thông báo tạm nghỉ với cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh. Doanh nghiệp đang sử dụng HĐĐT có sự thay đổi địa chỉ kinh doanh từ 2 lần trở lên trong vòng 12 tháng, mà không khai báo hoặc không kê khai, nộp thuế…là những đối tượng thuộc diện có rủi ro cao.
Ngoài ra, nếu doanh nghiệp có một trong các dấu hiệu như, trong 1 năm tính đến thời điểm đánh giá, doanh nghiệp bị cơ quan thuế ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp dẫn đến trốn thuế, khai thiếu nghĩa vụ thuế và bị xử phạt từ 20 triệu đồng trở lên.
Doanh nghiệp bị cơ quan thuế ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn 2 lần/năm với tổng số tiền phạt từ 15,8 triệu đồng trở lên; bị cơ quan thuế ban hành quyết định xử phạt từ 3 lần/năm trở lên…cũng bị coi là đối tượng rủi ro.
Thứ hai, là cơ sở kinh doanh mới thành lập (hoạt động dưới 12 tháng) có một trong các dấu hiệu sau: Không góp vốn điều lệ theo quy định; đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề; Chủ DN đăng ký kinh doanh tại địa phương khác nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; Có doanh thu tăng đột biến, giá trị hàng hóa bán ra, thuế GTGT đầu ra bằng hoặc chênh lệch rất nhỏ so với đầu vào.
Các doanh nghiệp có doanh thu lớn, nhưng kho hàng không tương xứng, không có tài sản cố định, hoặc lực lượng lao động không tương xứng (dưới 10); Doanh nghiệp thành lập và hoạt động trên địa bàn tỉnh này, nhưng có hóa đơn đầu vào thuê nhân công của doanh nghiệp tỉnh khác; Doanh nghiệp thay đổi người đại diện trước pháp luật từ 2 lần trở lên trong vòng 12 tháng, hoặc thay đổi người đại diện trước pháp luật đồng thời chuyển địa điểm kinh doanh... cũng thuộc trường hợp có rủi ro cao.
Ngoài ra,có một số trường hợp đặc thù cũng nằm trong diện phải áp dụng hóa đơn điện tử có mã. Trong đó, đặc biệt chú ý tới các trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh, thì người bán tổng hợp dữ liệu tất cả các hóa đơn bán xăng dầu trong ngày theo từng mặt hàng để thể hiện trên bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử theo mẫu và chuyển dữ liệu về cơ quan thuế ngay trong ngày.
Trường hợp bán xăng dầu cho tổ chức, cá nhân kinh doanh, thì người bán chuyển đầy đủ nội dung hóa đơn theo quy định tại Điểm a.2 Khoản 3 Điều 22 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP…
Những lưu ý khi doanh nghiệp thuộc diện rủi ro đăng ký sử dụng HĐĐT
Tổng cục Thuế có trách nhiệm xây dựng tiêu chí rủi ro, xây dựng quy trình nghiệp vụ và hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin áp dụng thống nhất trong toàn quốc, nhằm đánh giá xác định các trường hợp có dấu hiệu rủi ro trong việc phát hành và sử dụng hóa đơn. Cơ quan thuế quản lý trực tiếp (cục thuế, chi cục thuế) có trách nhiệm thông báo cho DN, tổ chức kinh tế thuộc trường hợp rủi ro cao về thuế chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.
DN, tổ chức kinh tế có sử dụng hóa đơn điện tử thuộc trường hợp rủi ro cao về thuế thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế trong 12 tháng hoạt động liên tục, kể từ thời điểm cơ quan thuế quản lý trực tiếp thông báo.
Sau 12 tháng, nếu cơ quan thuế rà soát, xác định nếu DN, tổ chức kinh tế không thuộc trường hợp rủi ro và đáp ứng điều kiện sử dụng hoá đơn điện tử không mã, thì sẽ thông báo để đăng ký sử dụng hoá đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
Các tổ chức kết nối nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hoá đơn điện tử với cơ quan thuế, đơn vị phải có tối thiểu 5 năm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và đã triển khai hệ thống, ứng dụng công nghệ thông tin cho tối thiểu 10 tổ chức. Đồng thời, đã triển khai hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử giữa các chi nhánh của DN hoặc giữa các tổ chức với nhau.
Bên cạnh đó, đơn vị phải có cam kết bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam với giá trị trên 5 tỷ đồng để giải quyết các rủi ro và bồi thường thiệt hại có thể xảy ra trong quá trình cung cấp dịch vụ, đồng thời phải có đội ngũ nhân viên kỹ thuật đảm bảo việc cung cấp dịch vụ…
Ngoài ra, hệ thống thiết bị, kỹ thuật phải bảo đảm cung cấp dịch vụ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng hóa đơn điện tử và bảo đảm kết nối an toàn với Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, trừ thời gian bảo trì (không quá 2% tổng số giờ cung cấp dịch vụ trong một năm).