1. Đặt vấn đề
Tại phiên họp mở rộng của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội (15/2/2011), ông Vũ Viết Ngoạn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban, cho rằng: “Từ tỷ giá sẽ gây sức ép đến những cân đối khác và tiếp tục đè nặng, gây sức ép lên lạm phát và sức ép lạm phát năm nay còn lớn hơn năm 2010”. Nhiều người đang lo lắng về việc điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản như điện, xăng dầu... có thể tác động không lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), nhưng sẽ tác động rất đáng kể đến tâm lý thị trường. Đúng như nhận định, nhiều ngày qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin về cách chi tiêu “bóp bụng” của người dân. Mức sống của người dân sẽ ra sao, khi mà giá nhiều loại thực phẩm tăng tới 70 - 80%, thậm chí tới 100% so với cùng kỳ năm 2010?.
Điều mà những nhà chiến lược kinh tế cho rằng, đáng lo ngại hơn cả, là quý II/2011, một mặt bằng giá mới có khả năng được hình thành do giá điện, giá xăng... điều chỉnh. Giá của những mặt hàng này tăng sẽ đi thẳng vào chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đang lo lắng cho sự tồn tại của doanh nghiệp mình. Một số chuyên gia thì cho rằng, năm 2011 sẽ là năm thanh lọc các doanh nghiệp. Nhưng điều đó cũng chưa hẳn đúng, vì đối với những doanh nghiệp độc quyền và vẫn “bú sữa mẹ”, thì khó khăn đến mấy, chắc cũng không thể chết.
Vậy chúng ta phải làm gì để vượt qua những thách thức lớn của năm 2011?
2. Một số giải pháp để ổn định nền kinh tế và xã hội
Có lẽ biện pháp kiềm chế lạm phát tốt nhất là người dân, Nhà nước cùng tiết kiệm chi tiêu và phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các chính sách, cùng sự minh bạch để người dân có thể tham gia giám sát. Đặc biệt là việc cắt giảm chi tiêu công phải nghiêm minh với bất kỳ ai và bất kỳ tổ chức nào. Người Việt có biết tiết kiệm thật không?. Xu hướng tiêu dùng thông thường ở các quốc gia khác là khi khó khăn, người dân thường ngay lập tức tiết kiệm, giảm chi; còn ở Việt Nam thì trái ngược hẳn. Nhiều lần Bộ Tài chính báo cáo về chi tiêu vượt định mức của các cơ quan trong việc mua sắm công, xây dựng trụ sở nhưng… tình hình vẫn không mấy biến chuyển.
2.1. Một số vấn đề về thực hiện các chính sách
Điều đáng ngại ở Việt Nam lâu nay là, giữa các cơ quan thường thiếu sự phối hợp nên nhiều khi, một chính sách mới ra, thường bị “cô đơn”, không được các chính sách khác ủng hộ để có thể thực hiện tốt. Cụ thể, năm ngoái, lạm phát cuối năm cũng lên rất cao, nhưng rốt cục dường như mọi gánh nặng đổ về chính sách tiền tệ. Ngân hàng nhà nước liên tục phải đưa ra chủ trương này, chính sách kia để hạn chế, tiết giảm, điều tiết. Trong khi đó, phía tài khóa, cắt giảm, tiết kiệm đầu tư công dường như lại thờ ơ hoàn toàn, gần như đứng ngoài cuộc. Như vậy, chính sách tiền tệ vẫn thắt chặt, trong khi chính sách tài khoá lại nới lỏng, khiến áp lực lạm phát và lãi suất dâng cao. Đó là lý do chính khiến các chuyên gia cho rằng, Ngân hàng nhà nước và Bộ Tài chính lệch pha nhau trong việc điều hành chính sách tài chính - tiền tệ.
Lần này để chống lạm phát, những ngành, cơ quan, đơn vị có trách nhiệm lớn nên có một tổ đặc nhiệm theo dõi thực hiện tất cả sự phối hợp cũng như thực hiện biện pháp này một cách đầy đủ, triệt để.
2.2. Bàn về lời giải cho bài toán lạm phát 2011
Để kiềm chế lạm phát, cần cắt giảm mạnh chi tiêu để hạ nhiệt nền kinh tế, kéo giảm lãi suất ngân hàng. Trên cơ sở đó, thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt làm giảm lạm phát, từ đó bình ổn tỷ giá.
Lãi suất cao làm giảm hoạt động kinh tế (cả sản xuất và dịch vụ) dẫn đến giảm tăng trưởng. Do đó, rất cần cắt giảm mạnh tổng tín dụng đầu tư của cả khối nhà nước và tư nhân. Phải giảm tổng mức đầu tư xã hội xuống còn khoảng 25 – 30% GDP và cắt giảm tối đa các dự án đầu tư công có hệ số sử dụng vốn ICOR cao (đầu tư/tăng trưởng). Chính phủ và các địa phương phải nghiêm túc thực hiện chính sách tài khoá thắt chặt, bao gồm giảm 10% chi tiêu công, giảm bội chi ngân sách xuống dưới 5%. Chỉ cấp vốn cho các dự án đang triển khai dở dang hay thật cấp bách, ngừng đầu tư các dự án mới hay mở rộng dự án.
Để ổn định tỷ giá VND/USD, cần cắt giảm nhu cầu USD cho các hoạt động đầu tư và tiêu dùng của toàn xã hội. Cụ thể, giảm mạnh nhập siêu, hỗ trợ hoạt động kiều hối và nhanh chóng giải ngân các dự án ODA, FDI.
2.3. Thực hiện các giải pháp của Chính phủ như thế nào để có hiệu quả?
Vừa qua, Chính phủ đã đưa ra 7 giải pháp chủ yếu, nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Về lý thuyết thì không có gì phải bàn, nhưng để có tác dụng, mỗi giải pháp phải thật cụ thể bằng cách đưa ra các chỉ tiêu cụ thể, không đề ra những giải pháp chung chung. Cụ thể, thắt chặt cái gì, thắt chặt bao nhiêu. Chính phủ giao cho các Bộ ngành trong tháng 3 phải đưa ra các giải pháp cụ thể. Các Bộ đề xuất cắt giảm gì trong lĩnh vực mình quản lý, Chính phủ chấp nhận cắt gì thì nên công khai.
Tuy nhiên, Chính phủ cần làm cho được những vấn đề sau:
- Phải dừng trang bị mới xe ôtô, điều hòa nhiệt độ, thiết bị văn phòng; giảm tối đa chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, không bố trí kinh phí cho những việc hội thảo, cuộc họp, đi nước ngoài, trong nước chưa thật sự cấp bách... chấm dứt việc tạm ứng vốn ngân sách cho các địa phương.
- Mục tiêu đề ra giảm tăng trưởng tín dụng xuống 20%, nhưng phải có biện pháp cụ thể để giảm tín dụng của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Được biết, tín dụng ngân hàng, hơn 60% dành cho DNNN. Đây là khu vực hiệu quả sử dụng vốn không cao, nên khi họ sử dụng tín dụng nhiều thì nguy cơ lạm phát sẽ tăng lên. Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả hơn đang rất cần tín dụng để phát triển. Do đó, thắt chặt tín dụng phải thực hiện đúng chỗ, không đổ đồng cho mọi doanh nghiệp. Cần làm ngay việc doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được tạo điều kiện tiếp cận vốn dễ hơn, với lãi suất mềm hơn. Như vậy mới bảo đảm vừa kiềm chế lạm phát, vừa bảo đảm tăng trưởng.
- Người ta nhận định, năm 2010, khi chúng ta quá tập trung vào chính sách tiền tệ thì kết quả là lạm phát cao hơn rất nhiều so với dự kiến. Nên năm 2011, cần phải lo về chính sách tài khóa nhiều hơn, không nên đổ gánh nặng về chính sách tiền tệ. Chính sách tài khóa phải cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách; sử dụng nguồn tăng thu của ngân sách năm 2010 để giảm bội chi trong năm 2011. Đặc biệt, phải thắt chặt chính sách đầu tư để không tạo tăng tổng cầu trong nền kinh tế.
- Cần tổ chức lại bộ máy tài chính và ngân hàng để có thể đáp ứng được nhiệm vụ đề ra. Trên thực tế, người ta thường hiểu rằng, chính sách tài khoá do Bộ Tài chính chịu trách nhiệm thực hiện, còn chính sách tiền tệ do Ngân hàng nhà nước điều hành. Vấn đề quan trọng là cơ chế phối hợp giữa hai chính sách mà cụ thể là hai cơ quan điều hành với nhau như thế nào, để góp phần ổn định giá cả và tăng trưởng kinh tế. Tiếc thay, hai cơ quan này chưa phối hợp tốt trong việc trao đổi thông tin điều hành. Việc phối hợp về lãi suất cũng chưa hợp lý. Lãi suất tín phiếu kho bạc lẽ ra phải thấp nhất trên thị trường, nhưng trên thực tế, nó lại mang tính chỉ đạo của Bộ Tài chính, cao hơn hoặc bằng lãi suất huy động của các ngân hàng, chưa thành lãi suất chuẩn cho thị trường tiền tệ.
Nhiều người phàn nàn về tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" của Kho bạc nhà nước đối với một khối lượng tiền khổng lồ của quốc gia và đã làm biến đổi môi trường lưu thông tiền tệ theo hướng phi thị trường hoá. Bởi lẽ, Ngân hàng nhà nước đến nay vẫn chưa thành lập được trung tâm thanh toán quốc gia.
Đã qua rồi cái thời tăng năng suất lao động và chất lượng bằng hô hào và khẩu hiệu. Nên phải bắt tay ngay vào tái cấu trúc nền kinh tế, tái cơ cấu đầu tư bằng việc ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất, chú ý bảo vệ môi trường; giảm đầu tư công và khuyến khích đầu tư từ các thành phần kinh tế khác.
Kết luận
Mọi biện pháp đưa ra đều tốt, nhưng để mang lại hiệu quả thì chỉ khi nó được áp dụng đúng thời cơ, đồng bộ và triệt để. Nếu không hợp lúc, thì bài học kích cầu mấy năm trước vẫn còn đó: lúc cần “kích” thì không “kích”, khi “kích” lại chậm so với yêu cầu.
Chúng ta mong muốn các nhà điều hành vĩ mô hãy sáng suốt lựa chọn các giải pháp có hiệu quả trước cả rừng giải pháp mà các “học giả” đưa ra. Bài học xuất khẩu gạo còn đó.