Điều mà cả thế giới đang quay cuồng là những “cơn mưa” trừng phạt dội xuống hầu hất các châu lục. Chủ nhân chính khơi mào cho “chiến dịch trừng phạt” ở quy mô chưa từng có trong lịch sử đương đại là Mỹ.
Một là, với lý do mất cán cân thương mại vì “kinh doanh không công bằng” nên chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra quyết định áp dụng thuế nhập khẩu nhôm và sắt từ 10 đến 25% cho phần còn lại của thế giới.
Động thái này của Mỹ nhằm vào cả các đồng minh chiến lược của mình, nên gây ra sự phản ứng chưa từng có về chính sách thương mại của Mỹ.
Với nguyên tắc “có đi, có lại” những quốc gia nào bị Mỹ áp thuế nhôm và sắt cũng đều buộc phải áp thuế tương ứng hàng hóa của Mỹ nhập vào nước mình.
Cùng với mục tiêu nói trên, Mỹ đã khởi sự cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, không chỉ áp thuế nhôm và thép mà nhằm đến gần như toàn bộ hàng hóa của Trung Quốc nhập vào Mỹ ước tính sẽ lên đến 500 tỉ USD.
Cuộc so găng giữa hai nền kinh tế số một và số hai thế giới này được ví như một “cơn địa chấn” trong hoạt động thương mại và sẽ có tác động không nhỏ tới sự tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Hơn thế những hậu quả của nó thì chưa thể lường hết được.
Không chỉ dừng lại ở đây, Mỹ cũng đang chuẩn bị mở “chiến dịch” trừng phạt nhằm vào Nga với lý do nước này đứng đằng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal tại Anh hồi tháng 3/2018.
Như vậy, ngoài một số trừng phạt liên quan đến vấn đề Syria, tính đến nay Mỹ đã có ba “chiến dịch” trên quy mô lớn áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga từ vấn đề Crimea năm 2014, bầu cử ở Mỹ năm 2016 và vụ cựu điệp viên Sergei Skripal năm 2018.
Trước động thái này của Mỹ, ngày 10/8, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã chính thức lên tiếng: “Tăng cường hơn nữa các biện pháp trừng phạt chống lại Nga từ phía Mỹ có thể được coi là một tuyên bố khởi đầu cuộc chiến tranh kinh tế”.
“Chiến dịch trừng phạt” khác là sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran hồi tháng 5, mới đây Nhà Trắng đã ban hành lệnh trừng phạt nhằm vào Iran bằng hai giai đoạn. Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện đang hy vọng rằng việc khôi phục các biện pháp trừng phạt Iran cũng sẽ buộc nước này phải ngồi vào bàn đàm phán mặc cả với Mỹ và xây dựng một thỏa thuận hạt nhân mới.
Cùng với đề tài hạt nhân, là sau cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 12/6 tại Singapore bàn về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, Mỹ lại tiếp tục gia tăng các biện pháp trừng phạt nước này cho đến khi mục tiêu của Washington đạt được.
Một “chiến dịch trừng phạt” khác là Mỹ nhằm vào đồng minh của mình trong khối NATO là Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi nước này không chịu nhượng bộ về việc thả giáo sĩ có liên quan đến cuộc đảo chính ở nước này. Hai bên đang khẩu chiến chưa có dấu hiệu xuống thang.
Rất dễ thấy, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thường xuyên sử dụng các biện pháp trừng phạt trong thời gian qua.
Thống kê cho thấy, chỉ trong vòng một tháng, cụ thể là tháng 2/2018, Mỹ đã áp dụng các các biện pháp trừng phạt không chỉ đối với Triều Tiên mà còn với các cá nhân và tổ chức ở Colombia, Libya, Pakistan, Somalia, Philippines, Lebanon..
Ngoài ra Mỹ còn tiến hành các “chiến dịch trừng phạt” khác nữa nhằm vào Cuba, Venezuela, Campuchia… với những lý do khác nhau.
Ngoài Mỹ thì Liên minh châu Âu (EU) cũng có “chiến dịch trừng phạt” nhằm vào Nga, Syria… với những cáo buộc khác nhau.
Đáng chú ý là mới đây, Canada là nước phương Tây đầu tiên bị một quốc gia mới nổi là Saudi Arabia trừng phạt.
Đương nhiên, khi Mỹ hay EU có “chiến dịch trừng phạt” nhằm vào các nước như Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ… thì cũng bị các nước này có những hành động đáp trả trở lại.
Trang web Sanctions Risk Countries ghi nhận hiện nay có tới 45 nước bị Mỹ hay EU tiến hành “chiến dịch trừng phạt”. Diễn biến trên cho thấy, việc trừng phạt đang là mốt trong mùa hè 2018 này. Hiệu quả của những “chiến dịch trừng phạt” đó có mang lại một chính sách ngoại giao tốt hơn hay không vẫn còn là một câu hỏi lớn trên chính trường thế giới hiện nay.