Muốn phát triển bền vững, phải áp dụng sản xuất sạch hơn

Lần nào cũng vậy cứ đi đến vùng sản xuất mía đường ở Lam Sơn - Thanh Hóa, hay ở Biên Hòa - Đồng Nai, Tây Ninh, Quảng Ngãi, tôi lại hình dung đến một dây chuyền sản xuất khép kín, từ cây mía trên ruộng

Chính vì vậy, trong chiến lược xây dựng Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn thành Tập đoàn kinh tế Công - Nông nghiệp - Dịch vụ - Thương mại đã chủ trương lấy Mía đường – Cồn – Điện làm trụ cột và được ông Lê Văn Tam - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty bổ sung thêm: trụ cốt ấy muốn bền vững, phải áp dụng sản xuất sạch, bảo vệ tốt môi trường.

Với chủ trương sản xuất gắn liền với bảo vệ môi trường, Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn rất chú trọng nâng cấp thay đổi thiết bị công nghệ cho các nhà máy để sản xuất sạch, giải quyết nguồn ô nhiễm ngay từ khâu sản xuất. Năm 2008, Công ty đã đầu tư 100 tỷ đồng cho việc mua mới và cải tiến các thiết bị cho ba công đoạn: ép nước mía - làm sạch nước mía bằng hóa chế loại bỏ tối đa các tạp chất - và công đoạn nấu, kết tinh, ly tâm đóng gói thành phẩm. Việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất đường đã tiết kiệm nhiều nguyên liệu, hóa chất, nước và năng lượng. Ở vùng Lam Sơn, việc sản xuất sạch, tiết kiệm nước lại càng có ý nghĩa, vì đó là vùng đồi núi thấp khô cằn. Để xử lý nước thải do Nhà máy Đường và xử lý dịch hèm do Nhà máy Cồn đổ ra, Công ty đã đầu tư xây dựng bằng các thiết bị đủ tiêu chuẩn của Ấn Độ và nhiều nước khác. Các hoạt động này luôn được Ban giám sát môi trường của Công ty kiểm tra sát sao, nên đã đạt được những kết quả rất thiết thực. Trong hai năm 2008 và 2009, có lúc do nước chứa ở hồ sinh học không đủ tiêu chuẩn, nên Nhà máy Đường chỉ hoạt đông bằng 1/4 công suất, hoặc phải dừng hoạt động của Nhà máy Cồn số 2 một thời gian. Đến nay, sau nhiều lần cải tạo nâng cấp các hồ chứa sinh học trong hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy Đường, Nhà máy Cồn ở Lam Sơn đã có sức chứa hàng trăm ngàn mét khối, tăng gấp 3-5 lần trước đây. Nước thải trong sản xuất sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn được tưới cho mía, thải ra sông Chu, qua mương Khe Mục, hoặc chứa để nuôi cá ở 5 hồ sinh học, nhằm tạo cảnh quan môi trường và mang lại lợi ích cho người lao động.

Do đặc thù của ngành sản xuất mía đường, chất thải rắn chủ yếu là bã mía (từ công đoạn ép): cặn bùn lắng (từ công đoạn lò hơi, lọc chân không): xỉ than, xỉ lưu huỳnh (từ đốt lưu huỳnh); cặn vôi (từ bộ phận vôi hóa)... Thực hiện sản xuất sạch hơn, các loại chất thải này được Công ty quay vòng tái sử dụng hoặc làm nguyên liệu cho các quá trình sản xuất khác. Như bã mía được dùng để đốt lò hơi, làm điện, làm giấy. Hiện tại, Công ty đang liên kết với Công ty Giấy Lam Sơn để sản xuất giấy, và nay đã có nhà máy phát điện 70KW/giờ bán cho dân. Công ty cũng đang nâng cấp Nhà máy ép mía số 2 từ 400 lên 800 tấn mia/ngày, để dùng bã mía đốt lò hơi và chạy nhà máy phát điện 13MW. Công ty đầu tư 5 tỷ đồng và hợp tác với Úc để giải quyết triệt để vấn đề tro bụi lò hơi theo phương pháp thu gom hòa tan vào nước, sau đó sàng tách thu hồi, do đó, mỗi năm, có khoảng 50.000 tấn tro lò và bùn mía đã được tận thu làm nguyên liệu cho Nhà máy sản xuất phân bón. Đó là chưa kể cặn vôi, xỉ than dùng để làm đường, đóng gạch. Cùng với Nhà máy Đường, Nhà máy Cồn, hàng chục xí nghiệp, nhà máy của Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn hiện nay cũng có nhiều biện pháp cụ thể để hiện đại hóa công nghệ theo hướng giảm phát sinh chất thải, bảo vệ môi trường. Các nhà khoa học nghiên cứu về sản xuất sạch hơn của ngành Mía đường cho rằng: Trong quá trình áp dụng sản xuất sạch hơn, giải pháp thay đổi thiết bị công nghệ thì tính khả thi về kỹ thuật và môi trường cao, nhưng lại đòi hỏi sự đầu tư về tài chính khá lớn. Ví như thay đổi thiết bị lọc dùng vải bằng thiết bị lọc dùng lưới kim loại có một số ưu điểm là không có nước thải, không tốn nước sạch để giặt vải lọc, tiết kiệm nước, không mất đường, không tốn năng lượng cho quá trình giặt vải lọc, nếu công ty đó có đủ khả năng đầu tư. Chính điều đó đang đòi hỏi Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn nói riêng và ngành Mía đường nói chung cần có một lộ trình cụ thể để mở rộng sản xuất sạch hơn ngay từ bây giờ.