Thực hiện chủ trương phát triển cây mắc ca của trên địa bàn tỉnh, huyện Mường Ảng đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tiến hành rà soát, khoanh vùng và thực hiện quy hoạch, phân vùng trồng cây mắc ca trên những diện tích đã quy hoạch. Theo kết quả đã đo đạc và quy hoạch, tổng diện tích các khu vực dự kiến trồng mắc ca giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện đạt gần 12.660 ha. Hiện nay, tổng diện tích đã trồng mắc ca tại Mường Ảng đạt gần 370 ha, trong đó, diện tích nhà đầu tư thực hiện trồng 310 ha, gần 60 ha do người dân liên kết với nhà đầu tư. Trong đó 2 HTX mắc ca là HTX mắc ca bản Tát Hẹ, xã Ẳng Nưa và HTX mắc ca Hội Cựu chiến binh huyện thực hiện trên địa bàn xã Búng Lao đã xuống giống với tổng diện tích trên 50ha. Riêng năm 2022, huyện có kế hoạch trồng 1000 ha.
Tuy nhiên, tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn huyện còn chậm, nguyên nhân là do phía nhà đầu tư chưa tích cực, chủ động trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục phê duyệt dự án để làm căn cứ, cơ sở pháp lý cho việc triển khai các bước tiếp theo, trong đó có công tác đo đạc quy chủ gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai kế hoạch trên địa bàn huyện Mường Ảng.
Huyện Mường Ảng dự kiến phối hợp với Công ty CP mắc ca Điện Biên phát triển 5700 ha mắc ca trong giai đoạn tới. Để dự án sớm triển khai, huyện đang chỉ đạo các phòng ban chuyên môn đo đạc và qui hoạch vùng trồng Mắc ca đồng thời chờ Công ty lập dự án để triển khai thực hiện. Huyện cũng kiến nghị các sở ngành xem xét tham mưu tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ các hộ dân đã liên kết với nhà đầu tư thực hiện trồng mới cây mắc ca trong năm 2022 đồng thời đốc thúc các nhà đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục dự án đầu tư theo quy định.
Cây Mắc ca được mệnh danh là “hoàng hậu quả khô” có giá trị kinh tế cao và hiệu quả lây dài. Trồng Mắc ca cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn một số loại cây ăn quả phổ biến hiện nay đang trồng trên địa bàn tỉnh do: năng suất và hiệu quả. Cây mắc ca cho quả bói sau khoảng 3-4 năm, từ năm thứ 6 trở đi có thể cho thu hoạch quả với sản lượng khoảng 1,2 tấn/ja. Đến năm thứ 10 trở đi, sản lượng cây Mắc ca ước tính ổn định khoảng 3 tấn/ha. Nếu giá bán quả khoảng 50.000 – 60.000đ/kg, doanh thu 1 ha mắc ca từ năm thứ 6 (chưa tính sơ chế, chế biến) trở đi khoảng 70 triệu đồng/ha/năm. Năm thứ 10 trở đi đạt khoảng 150tr đồng/ha/năm. Nếu hạt được sơ chế, chế biến thành các sản phẩm để bán thì giá trị thu được trên 1 ha lớn hơn khoảng từ 1,2 đến 1,5 lần.
Đặc tính là không phải trồng lại nhiều lần như các loại cây ăn quả khác, cây mắc ca có tuổi thọ trên 100 năm, chu kỳ kinh doanh cây mắc ca trên 60 năm, hiệu quả kinh tế được lâu dài. Mắc ca cho loại cả khô chỉ cần sơ chế tại chỗ là có thể bảo quản trong khoảng từ 6 tháng đến 1 năm. Cây mắc ca có tán rậm, thường xanh, hệ rễ phát triển, tuổi thọ dài, do đó, trồng cây mắc ca góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn, rửa trôi, đảm môi trường sinh thái.
Hiện tại, Nhà đầu tư và người dân trên địa bàn Mường Ảng nói riêng và Điện Biên nói chung có thể quyết định lựa chọn thực hiện dự án trồng cây mắc ca theo 1 trong 2 hình thức (hoặc có thể kết hợp cả 2 hình thức):
1. Nhà nước cho Nhà đầu tư thuê đất để thực hiện các dự án trồng cây mắc ca theo quy định của pháp luật về đất đai.
Khi Nhà nước cho Nhà đầu tư thuê đất để thực hiện dự án người dân trong vùng dự án được hưởng các lợi ích: Được Nhà đầu tư hỗ trợ để do đạc, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo thực trạng diện tích đất trồng cây hàng năm hiện nay người dân đang quản lý sử dụng, nhưng tối đa không quá 5 ha/hộ gia đình, cá nhân. Đối với diện tích này, người dân sẽ toàn quyền quyết định về mục đích sử dụng (sử dụng là nương hoặc hợp tác, liên kết với Nhà đầu tư để trồng cây mắc ca).
Đối với phần diện tích đất do người dân quản lý còn lại trong vùng dự án (sau khi đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân theo hạn mức trên) sẽ được nhà đầu tư hỗ trợ tối thiểu 15 triệu đồng/ha công khai hoang, cải tạo đất để Nhà nước thực hiện thu hồi đất cho Nhà đầu tư thuê theo quy định.
Được nhà đầu tư ưu tiên tuyển dụng lao động làm việc cho dự án thường xuyên với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng và được đóng BHXH; ngoài ra, với các lao động thời vụ để thực hiện các công việc trồng, chăm sóc, thu hái quả sẽ được nhà đầu tư trả công từ 150.000-200.000đ/ngày công lao động.
2. Người dân hợp tác với Nhà đầu tư thực hiện các dự án trồng cây mắc ca theo phương thức hợp đồng liên kết
Khi hợp tác với Nhà đầu tư thực hiện dự án trồng cây mắc ca theo hình thức hợp đồng liên kết người dân sẽ được hưởng lợi ích: Được nhà đầu tư hỗ trợ, cung cấp cây giống, vậ tư thiết yếu, bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm quả mắc ca theo hợp đồng liên kết. Trong trường hợp này, người dân sẽ được tỉnh hỗ trợ chi phí mua cây giống và các vật tư thiết yếu.
Được hưởng toàn bộ giá trị sản phẩm quả Mắc ca khi thu hoạch theo hợp đồng liên kết với nhà đầu tư. Được nhà đầu tư ưu tiên tuyển dụng lao động cho dự án với mức lương bình quân 5 tr đồng/người/tháng, được đóng BHXH hoặc lao động thời vụ với mức khoán từ 150.000đ – 200.000đ/ngày công lao động. Người dân phải cam kết bán toàn bộ sản phẩm hạt mắc ca thu hoạch cho doanh nghiệp thực hiện liên kết giá đã thỏa thuận trong hợp đồng liên kết.
Ngoài hai hình thức trên, người dân và nhà đầu tư có thể thống nhất thực hiện dự án theo hình thức Nhà đầu tư nhận góp vốn của người dân bằng giá trị quyền sử dụng đất (người dân góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất với nhà đầu tư để thự hiện dự án). Nếu thực hiện bằng hình thức này, người dân sẽ được hưởng phân chia một phần giá trị sản phẩm hạt Mắc ca thu hoạch theo thỏa thuận giữa người dân và Nhà đầu tư thông qua hợp đồng dân sự.
Mắc ca là loài cây lâm nghiệp đa mục đích, có thể trồng trên đất lâm nghiệp chưa có rừng hoặc đất nương rẫy trồng cây hàng năm khác. Trên thế giới và tại Việt Nam, các vùng có điều kiện thích hợp để phát triển trồng cây mắc ca không nhiều và Điện Biên là một trong số ít tỉnh của Việt Nam có điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp để trồng cây Mắc ca.