Mỹ chính thức cấm tải ứng dụng WeChat và TikTok từ 20/9

Việc cấm tải 2 ứng dụng WeChat và TikTok trên lãnh thổ Mỹ đồng nghĩa "cấm cửa" TikTok và WeChat trên AppStore, Google Play hay bất cứ nhà cung cấp ứng dụng nào trên các nền tảng "có thể tiếp cận từ Mỹ".

Bộ Thương mại Mỹ ngày 18/9 đã công bố quyết định cấm người dân nước này tải các ứng dụng WeChat và TikTok của Trung Quốc trên điện thoại di động nhằm "đảm bảo an ninh quốc gia".

Theo đó, từ ngày 20/9, người dùng điện thoại thông minh Mỹ sẽ không thể tải TikTok hay WeChat. Người dùng WeChat cũng không thể sử dụng ứng dụng này để thực hiện các giao dịch tài chính.

Thông báo của Bộ Thương mại Mỹ cũng đưa ra khung thời gian riêng cho WeChat và TikTok, lần lượt có hiệu lực từ ngày 20/9 và ngày 12/11 bao gồm các điều khoản ngăn công ty Mỹ cung cấp dịch vụ và lưu trữ internet cho hai ứng dụng này.

Các quan chức thương mại Mỹ cho rằng Tổng thống Donald Trump vẫn có thể hủy bỏ quyết định cấm người dân tải ứng dụng TikTok trước khi có hiệu lực vào ngày 20/9 tới nếu công ty ByteDance - chủ sở hữu của TikTok đạt được thỏa thuận về việc chuyển nhượng quyền vận hành ứng dụng này tại Mỹ.

Mỹ chính thức cấm tải ứng dụng WeChat và TikTok

Quyết định này không cấm các công ty của Mỹ giao dịch với WeChat bên ngoài lãnh thổ nước này. Điều này có nghĩa các công ty đa quốc gia của Mỹ, trong đó có Walmart và Starbucks vẫn có thể sử dụng các tính năng thanh toán của WeChat tại Trung Quốc.

Theo Daily Mail, những người đã có sẵn các ứng dụng trên điện thoại vẫn có thể giữ và sử dụng bình thường. Tuy nhiên, họ sẽ không thể tải xuống các bản cập nhật mới nhất.

Bên cạnh đó, quyết định cũng không cấm giao dịch với các công ty con của Tencent Holdings - chủ sở hữu của ByteDance, trong đó có các công ty kinh doanh trò chơi điện tử, cũng như không cấm các hãng công nghệ như Apple và Google loại TikTok hoặc WeChat ra khỏi kho ứng dụng ở bên ngoài nước Mỹ.

my cam tai tiktok

Quyết định trên được đưa ra sau khi Tổng thống Trump đưa ra sắc lệnh hành pháp vào ngày 6/8, theo đó cho phép Bộ Thương mại có 45 ngày phải quyết định ứng dụng nào là mối đe dọa với an ninh quốc gia cần loại bỏ. Sắc lệnh này sẽ hết hạn vào ngày 20/9.

Hiện TikTok đang hoạt động ở khoảng 150 quốc gia. Ứng dụng này đặc biệt phổ biến với người dùng smartphone trẻ tuổi. Nền tảng này cho phép người dùng tạo các video ngắn từ 15 giây đến 1 phút.

Kể từ khi ra mắt năm 2016, ứng dụng đã được tải xuống hơn 2 tỷ lần, trở thành nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất thế giới.

 

Hoàng My (t/h)