Theo báo cáo về mức độ cam kết cho 5G mới nhất của hãng nghiên cứu viễn thông Analysys Mason, Mỹ đi từ vị trí thứ ba hồi năm 2018 lên đứng hàng đầu với Trung Quốc trong năm nay. Hàn Quốc, quốc gia vừa tung mạng 5G di động giữa tuần này, cùng Nhật Bản và Anh là ba nước còn lại trong top 5 các nước chuẩn bị tốt nhất cho thế hệ mạng di động kế tiếp.
Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành hiệp hội thương mại Mỹ CTIA Meredith Attwell Baker cho biết các đợt triển khai 5G quy mô lớn đầu tiên đã diễn ra tại nhiều cộng đồng trên cả nước Mỹ. Mỹ “có nhiều bước tiến ấn tượng trong cuộc đua 5G nhờ cam kết vào các chính sách thông minh của chính quyền, Quốc hội và Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ”, Attwell Baker cho hay.
Theo nghiên cứu của Analysis Group, việc cung cấp phổ di động cho ngành công nghiệp viễn thông Mỹ trong 5 năm tới dự kiến sẽ thêm 391 tỉ USD cho nền kinh tế và tạo 1,8 triệu việc làm mới. Kết luận của Analysys Mason và Analysys Group được nêu trong bài báo do CTIA đăng tải tuần này. Bài báo nói về lợi ích của các nhà khai thác mạng viễn thông, nhà sản xuất thiết bị, nhà phát triển ứng dụng di động và nhà sáng tạo nội dung trước thềm mạng di động mới.
Cuộc đua phát triển, triển khai 5G diễn ra trong bối cảnh quan hệ thương mại, công nghệ Mỹ - Trung có nhiều căng thẳng. Tình hình phức tạp hơn khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump gây áp lực để thiết bị 5G do Huawei sản xuất bị cấm trong nhiều mạng di động trên toàn cầu. Ngoài ra, phía Mỹ còn cáo buộc doanh nghiệp Trung Quốc gian lận tài chính, vi phạm lệnh trừng phạt thương mại áp đặt lên Iran và nhiều sai phạm khác.
Áp lực của Mỹ lên đồng minh chẳng may là không mấy thành công. Tháng trước, Ủy ban châu Âu (EC) từ chối cấm hoàn toàn Huawei. Thay vào đó, EC để các nước thành viên tự chịu trách nhiệm trong việc đánh giá rủi ro mạng viễn thông.
Ở Trung Quốc, Huawei và ZTE là hai trong số các “nhà vô địch” 5G. Công nghệ 5G hứa hẹn cung cấp tốc độ dữ liệu nhanh hơn, giảm độ trễ, tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí, đem lại dung lượng hệ thống cao hơn và số thiết bị được kết nối lớn hơn so với các thế hệ mạng di động trước đây. Tại Mỹ thì không có các hãng đứng đầu hệ thống 5G. Thay vào đó, nhà mạng Mỹ như AT&T, Verizon Communications và Sprint làm việc với Samsung Electronics của Hàn Quốc, Nokia của Phần Lan và Ericsson của Thụy Điển để có thiết bị 5G.
Analysys Mason cho rằng dù Mỹ cải thiện đáng kể vị trí trong cuộc đua 5G, nước này vẫn còn nhiều thách thức để vượt qua nỗ lực từ Trung Quốc trong dài hạn. Hãng nghiên cứu viễn thông đánh giá Đại lục vẫn giữ được lợi thế đáng kể về cơ sở hạ tầng. Nghiên cứu gần đây cho thấy Trung Quốc có hơn 14 điểm di động không dây trên mỗi 10.000 người, trong khi Mỹ chỉ có 4,7 điểm trên mỗi 10.000 người.
Mỹ dẫn đầu khi nhắc đến việc triển khai mạng 5G thương mại trong năm 2019. Tuy nhiên, các nhà khai thác mạng Trung Quốc lại là những bên tiến hành hàng trăm thử nghiệm 5G ở quy mô lớn trên cả nước. Các nhà mạng nước này cũng công bố kế hoạch triển khai sản phẩm 5G “tiền thương mại” trong năm nay.