Trong Tờ trình, UBND tỉnh Nam Định nêu, mục tiêu chung của Đề án: “Xây dựng và phát triển Khu kinh tế Ninh Cơ trở thành khu kinh tế đa ngành, đa chức năng, là trọng điểm phát triển có tính đột phá, dẫn dắt cho kinh tế tỉnh Nam Định; một cực phát triển quan trọng của tiểu vùng và trung tâm giao thương quốc tế gắn với các đô thị, công nghiệp, du lịch, thương mại, cảng biển lớn của tỉnh và tiểu vùng Nam Đồng bằng sông Hồng. Các cơ chế, chính sách minh bạch, thông thoáng, thân thiện với doanh nghiệp, người dân; nơi nghiên cứu triển khai một số mô hình, dự án sản xuất mới trên địa bàn tỉnh Nam Định và cả nước”.
Về sự cần thiết thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ, UBND tỉnh Nam Định nêu ra nhiều cơ sở, trong đó Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định phát triển kinh tế biển bền vững là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để Việt Nam thực hiện mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Quy hoạch phát triển các Khu kinh tế ven biển Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hiện đã bao gồm 19 Khu kinh tế ven biển với tổng diện tích khoảng 871,5 nghìn ha, đến nay, cả nước đã có 18 khu kinh tế ven biển được thành lập và đi vào hoạt động.
Khu kinh tế Ninh Cơ, tỉnh Nam Định được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch tổng thể phát triển các KKT ven biển Việt Nam đến năm 2020 (tại Quyết định 1353/QĐ-TTg, ngày 23/9/2008).
Theo nội dung Tờ trình Khu kinh tế Ninh Cơ nằm ở phía Nam tỉnh Nam Định, phía Bắc giáp các xã Hải Phú, Hải Cường, Hải Triều của huyện Hải Hậu; phía Nam giáp Biển Đông; phía Đông giáp biển Đông; phía Tây giáp giáp tỉnh Ninh Bình (xã Nam Điền của huyện Nghĩa Hưng) và giáp các xã Nghĩa Hải, Nghĩa Lâm, Nghĩa Thành, Nghĩa Tân, Nghĩa Phong của huyện Nghĩa Hưng và xã Hải Giang của huyện Hải Hậu.
Khu kinh tế Ninh Cơ bao gồm 2 thị trấn, 7 xã và vùng bãi bồi thuộc huyện Nghĩa Hưng và huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, với quy mô 13.950 ha, được bố trí gồm 4 xã Nghĩa Bình, Phúc Thắng, Nghĩa Lợi, Nam Điền, thị trấn Rạng Đông và khu vực bãi bồi thuộc huyện Nghĩa Hưng; 3 xã Hải Ninh, Hải Châu, Hải Hòa và thị trấn Thịnh Long thuộc huyện Hải Hậu. Tổng diện tích Khu kinh tế Ninh Cơ là 13.950 ha, bao gồm tổng diện tích địa giới hành chính của 9 đơn vị cấp xã, thị trấn (8.767,25 ha) và vùng đất bãi bồi (5.182,75 ha).
Về đường bộ, Khu kinh tế có tuyến đường ven biển đi qua; kết nối thuận lợi với các tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh và cao tốc Bắc - Nam. Về đường sông, Khu kinh tế Ninh Cơ là đầu mối giao thông vận tải thủy của vùng với 02 cửa sông lớn là sông Ninh Cơ và sông Đáy. Về đường biển, Khu kinh tế này còn có tiềm năng lớn để xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu (có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 300.000 DWT) phục vụ cho Khu kinh tế Ninh Cơ và đáp ứng nhu cầu xuất - nhập khẩu hàng hóa trong khu vực và các tỉnh lân cận.
Về hàng không, Khu kinh tế kết nối thuận lợi với Sân bay Nội Bài (Hà Nội), Sân bay Cát Bi (Hải Phòng). Trong phạm vi KKT đã xây dựng một số cảng nội địa bao gồm: Bến cảng Hải Thịnh (02 cầu dài 200 m năng lực thông qua khoảng 1,0 triệu tấn/năm), được xây dựng từ năm 1995 có thể cho tàu từ 400 - 2.000 tấn; Bến cảng cá Ninh Cơ (01 cầu dài 190m, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ hậu cần nghệ cá); Bến cảng quân sự Thịnh Long (02 cầu dài 60 m năng lực thông qua khoảng 0,3 triệu tấn/năm) và 01 điểm chuyển tải xăng dầu ngoài cửa Lạch Giang cho tàu đến 48.000 tấn.
Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) là đơn vị tư vấn xây dựng Đề án thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ cho biết, việc thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ đảm bảo đáp ứng 5 điều kiện theo Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, ngày 28-5-2022 của Chính phủ về quản lý các khu công nghiệp, Khu kinh tế. Dự kiến, tổng nhu cầu đầu tư phát triển các công trình kết cấu hạ tầng cơ bản và các dự án kinh tế - xã hội cho Khu kinh tế cả thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 khoảng 220-244 nghìn tỷ đồng.
Đề án xây dựng và phát triển Khu kinh tế Ninh Cơ với các ngành chủ chốt là công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo cơ khí, công nghiệp năng lượng sạch, dịch vụ kho vận và logistics, dịch vụ thương mại… Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt từ 14-15%/năm trong thời kỳ 2026-2030.
Phấn đấu đến năm 2030: Tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn khu kinh tế chiếm tỷ trọng 25-30% của toàn tỉnh; tổng thu ngân sách Nhà nước đạt khoảng 3.000 tỷ đồng; tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp đạt 74-75%, tạo việc làm cho gần 55 nghìn lao động; đảm bảo môi trường sinh thái, nhất là hệ sinh thái ven biển; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh trên địa bàn Khu kinh tế và khu vực lân cận; góp phần nâng tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh lên mức 45,6%.