Thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 17/2/2025, Cục đã nhận được thông tin về việc Ủy ban Quản lý Thương mại quốc tế Nam Phi (ITAC) đã chính thức khởi xướng điều tra tự vệ với thép cuộn chống ăn mòn nhập khẩu.
Theo đó, mặt hàng bị điều tra là thép cuộn chống ăn mòn (Corrosion resistant steel coil) được phân loại theo mã hàng hóa nhập khẩu của Cộng hòa Nam Phi 7210.61.20, 7210.61.30, 7225.92.25 và 7225.92.35.

Nguyên đơn là Công ty TNHH ArcelorMittal Nam Phi (AMSA). Ngày khởi xướng là ngày 03 tháng 02 năm 2025. Thời kỳ điều tra từ ngày 01/5/2021 đến ngày 30/4/2024.
Cục Phòng vệ thương mại cho biết, nguyên đơn cho rằng sự gia tăng của thép chống ăn mòn nhập khẩu là do một số diễn biến không thể lường trước trong quá trình Vòng đàm phán Uruguay 1986 - 1994, cụ thể, việc tách mã HS của sản phẩm bị điều tra thành hai mã: thép không hợp kim (HS7208) và thép hợp kim (HS7225) khiến việc tăng thuế đối với mã này làm gia tăng lượng nhập khẩu đối với mã kia do hai mã thay thế nhau về chức năng.
Đồng thời, nguồn cung vượt mức một cách đáng kể thép chống ăn mòn trên phạm vi toàn cầu gây ra sự gia tăng đột biến lượng hàng nhập khẩu vào khối SACU (Khối Liên minh hải quan Nam Phi gồm 05 quốc gia thành viên: Nam Phi, Bostwana, Lesotho, Namibia và Swaziland), do 04 nguyên nhân:
(i) Các nghiên cứu cho thấy Trung Quốc đã không trở thành một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh như đã đảm bảo với các Thành viên WTO trong các cuộc đàm phán;
(ii) Hoạt động kinh tế của Trung Quốc đã liên tục suy giảm kể từ năm 1994 và các nhà sản xuất thép lớn áp dụng các chiến lược xuất khẩu mạnh mẽ, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu các sản phẩm thép;
(iii) Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại đáng kể và thị trường thép nội địa của Trung Quốc đang thu hẹp, dẫn tới các nhà sản xuất Trung Quốc phải tăng cường xuất khẩu hơn nữa, với mức giá giảm, để thoát khỏi tình trạng tồn kho dư thừa;
(iv) Các quốc gia trên thế giới thực hiện các hành động khẩn cấp để tăng thuế quan và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mai để bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước; và dự kiến sự gia tăng nhập khẩu vào SACU cũng do sự suy thoái kinh tế gần đây ở Trung Quốc và sự co hẹp của các thị trường xuất khẩu của Trung Quốc.
Nguyên đơn cũng chỉ ra các dấu hiện ban đầu cho thấy ngành sản xuất trong nước đang chịu thiệt hại nghiêm trọng như sụt giảm sản lượng, doanh thu, lợi nhuận, thị phần… trong giai đoạn từ 01/5/2022 đến 30/4/2024.
Cục Phòng vệ thông tin thêm, về quy trình thủ tục điều tra tiếp theo, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan có nghĩa vụ đăng ký làm bên liên quan. Thời hạn đăng ký là 20 ngày kể từ ngày khởi xướng điều tra (khoảng ngày 23/3/2024).
Thời hạn để các bên gửi bình luận bằng văn bản đối với việc khởi xướng và đề nghị tham vấn là 20 ngày kể từ ngày khởi xướng điều tra, theo hình thức nộp trực tiếp và bưu chính về địa chỉ:
Nộp trực tiếp: Senior Manager: Trade Remedies I, International Trade Administration Commission, Block E - DTI Campus, 77 Meintjies Street, Sunnyside Pretoria, Block Uuzaji, Ground Floor.
Địa chỉ bưu chính: Senior Manager: Trade Remedies I, Private Bag X753, Pretoria, 0001, South Africa.
Điện thoại: +27 12 394 3600, Fax: +27 12 394 0518.
Ngoài ra, các bên liên quan cũng có thể liên hệ trực tiếp với cán bộ phụ trách: Ông Busman Makakola theo địa chỉ email: bmakakola@itac.org.za và Bà Mosa Sebe theo địa chỉ email: msebe@itac.org.za.
Cục Phòng vệ thương mại đề nghị Hiệp hội Thép Việt Nam thông báo tới các doanh nghiệp thành viên và khuyến nghị doanh nghiệp tham gia nếu cần thiết.
Đồng thời, đề nghị phía doanh nghiệp nghiên cứu kỹ Đơn kiện, Thông báo khởi xướng và các hướng dẫn liên quan; Nghiên cứu, gửi nội dung bình luận đối với việc khởi xướng (nếu có). Hợp tác đầy đủ, toàn diện, cung cấp thông tin theo yêu cầu của ITAC.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, trong trường hợp Nam Phi có quyết định áp thuế tự vệ.
Ngoài ra, thường xuyên cung cấp thông tin, trao đổi tình hình với Cục Phòng vệ thương mại để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.
Chi tiết tài liệu liên quan, xem tại đây.