Sáng 12/10/2017, tại Hà Nội, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phối hợp với Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu EU-Mutrap tổ chức hội thảo “Đào tạo và nâng cao chất lượng nhân lực về logistics”.
Hội thảo được tổ chức nhằm triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong thời gian qua, ngành logistics Việt Nam đã phát triển nhanh và có nhiều bước tiến vượt bậc.
Ông Trần Thanh Hải Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phát biểu tại hội thảoCụ thể, theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), hiện nay cả nước hiện có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ logistics. Trong đó, 70% có trụ sở tại Tp.HCM. 1.300 doanh nghiệp hoạt động tích cực. 89% doanh nghiệp 100% vốn trong nước còn lại là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, tại Hội thảo “Đào tạo và nâng cao chất lượng nhân lực về logistics” các chuyên gia cũng chỉ rõ, ngành logistics Việt Nam đang cần một lượng lớn nguồn nhân lực vững chuyên môn, nghiệp vụ.
Ông Nguyễn Tương - Phó Tổng thư ký VLA cho hay, nhân lực ngành logistics còn hạn chế về kiến thức, trình độ ICT chưa cao, chưa theo kịp tiến độ phát triển của logistics thế giới. Trình độ tiếng Anh nghiệp vụ logistics còn hạn chế, chỉ khoảng 4% nhân lực thông thạo tiếng Anh nghiệp vụ. 30% các doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên.
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nhân lực đến năm 2025 là khoảng 300.000 nhân viên chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn, ICT và tiếng Anh đáp ứng yêu cầu trong điều kiện Cách mạng công nghiệp 4.0, trong số khoảng 1,2 triệu người hoạt động trong lĩnh vực logistics.
Ông Tương lấy ví dụ, khảo sát của 108 doanh nghiệp của hiệp hội trong tháng 9/2017, có đến gần 50% công ty có nhu cầu tuyển thêm từ 15-20% nhân viên trong thời gian tới.
Chỉ ra những nguyên nhân khiến nhân lực ngành logistics Việt Nam còn thiếu chất lượng, PGS.TS Trịnh Thị Thu Hương, Trường Đại học Ngoại Thương, cho rằng, đào tạo logistics ở bậc đại học và sau đại học gặp nhiều bất cập. Chẳng hạn như, chưa có mã ngành logistics, số lượng sinh viên chưa nhiều; phần thực hành về ngành nghề cũng chưa đầy đủ.
Toàn cảnh Hội thảoÔng Phan Văn Quân - Phó Tổng giám đốc Công ty liên doanh Dragon chia sẻ thêm, còn khoảng cách rất lớn giữa đào tạo và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực như lái xe nâng, xe tải nặng; tiếng Anh chuyên ngành… Đơn cử, tiếng Anh chuyên ngành của sinh viên mới ra trường rất hạn chế và doanh nghiệp phải về đào tạo lại rất nhiều.
Nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Để giải quyết những khó khăn trên, các diễn giả tham gia Hội thảo cùng chung một ý kiến , để giải quyết được bài toán nguồn nhân lực, việc liên kết đào tạo nhân lực giữa nhà trường - doanh nghiệp - nhà nước và hiệp hội cần đi vào thực chất và mục tiêu chiến lược của ngành dịch vụ logistics.
Phó Giáo sư -Tiến sĩ Trịnh Thị Thu Hương cũng kiến nghị Chính phủ cần rà soát và tiếp tục thực hiện, phát triển các chính sách tạo thuận lợi cho các hoạt động của logistics.
Mặt khác, các đơn vị chức năng cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, xác định nhu cầu của doanh nghiệp trong thời gian tới để có kế hoạch đào tạo hợp lý tránh tình trạng đào tạo tràn lan, chi phí tốn kém nhưng tỷ lệ thất nghiệp lại gia tăng.
Tiếp tục xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo ngắn hạn và các hoạt động hỗ trợ liên quan. Đặc biệt, từ việc nghiên cứu các mô hình đào tạo logistics, cần rút ra được những bài học kinh nghiệm cần thiết trong việc xây dựng hoặc đề xuất xây dựng mô hình mới, đảm bảo tính hiệu quả trong việc đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.
Ông Nguyễn Tương nhấn mạnh: “Để nhân lực ngành logistics có đủ cả kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tế, cần tăng cường hợp tác giữa VLA và các trường nghề để ký các bản ghi nhớ, hợp tác về đào tạo và nghiên cứu phát triển - thực tập - nhận sinh viên vào làm việc; hợp tác xây dựng các phòng thực hành mô phỏng để sinh viên thực hành, xử lý các tình huống cụ thể. Đồng thời, phải kết hợp giữa đào tạo ngắn hạn, dài hạn, tại chỗ, online và nghiệp vụ tiếng Anh theo yêu cầu”.