Nâng cao hiệu quả sử dụng quặng Apatit

Sáng 4/11, tại Hà Nội, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) tổ chức Hội nghị Các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng quặng Apatit.

Ông Phùng Quang Hiệp – Bí thư Đảng uỷ - Chủ tịch HĐTV Vinachem dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Chất lượng quặng apatit dần suy giảm

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phùng Ngọc Bộ, Trưởng Ban Kỹ thuật – Vinachem thông tin, trên cơ sở Hợp đồng đã ký giữa các bên, Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam đã duy trì sản xuất, cung cấp quặng tuyển và quặng apatit loại II cho các đơn vị.

Tính đến nay, khối lượng quặng tuyển và quặng II do các đơn vị nhập, sử dụng trong 10 tháng đầu năm 2024 cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng theo kế hoạch năm 2024. Cụ thể, về quặng tuyển, cung cấp cho Công ty Supe phốt phát và hoá chất Lâm Thao 257.004 tấn; DAP 1 373.554 tấn; DAP 2 398.701 tấn.

Đối với quặng 2, cung cấp cho Công ty CP Phân lân Văn Điển 117.251 tấn; Công ty CP Phân lân Ninh Bình 108.128 tấn.

Tuy nhiên, chất lượng quặng tuyển cung cấp cho các đơn vị ngày càng suy giảm, thể hiện qua hàm lượng P2O5 ngày càng giảm, tạp chất oxit kim loại có hại (Al2O3, Fe2O3, MgO) ngày càng tăng cao. Còn đối với quặng II, chất lượng quặng II không ổn định, nhiều thời điểm hàm lượng P2O5 thay đổi, tăng giảm cục bộ, mặc dù hàm lượng P2O5 tính trung bình cả năm vẫn đạt so với hợp đồng; hàm lượng tạp chất oxit kim loại trong quặng II biến động tăng.

ông nguyễn văn tạo
Ông Nguyễn Văn Tạo - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Chia sẻ về khó khăn trong công tác sản xuất, cung ứng quặng apatit, ông Nguyễn Văn Tạo - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam cho biết, đối với nguồn nguyên liệu quặng III, hiện nay, một số kho lưu do Công ty quản lý đã huy động hết (dự kiến hết năm 2024 quặng III kho lưu chỉ còn khoảng 3 triệu tấn), các kho còn lại có hàm lượng P2O5 thấp, khó tuyển. Việc không có nguồn quặng III tại các khai trường để trung hòa đảm bảo tính khả tuyển, dẫn đến khó khăn trong công nghệ tuyển, làm giảm tỷ lệ thu hoạch và thực thu sản phẩm, dẫn đến sản lượng quặng tinh giảm, mức tiêu hao quặng III tăng.

Công ty cũng đã chủ động tìm kiếm, mua quặng III của đơn vị ngoài để phục vụ sản xuất, tuy nhiên còn hạn chế về khối lượng do trên thị trường chỉ có 01 đơn vị cung cấp, song phải đối ứng lại một phần quặng tuyển, làm giảm khối lượng quặng tuyển cung cấp cho các đơn vị trong Tập đoàn.

Ngoài ra, kế hoạch trong năm 2025, Công ty sản xuất quặng tuyển khoảng 1,25 triệu tấn, sẽ huy động hết quặng III kho lưu, đến năm 2026 trở đi chỉ còn quặng III tại Khai trường 19 (dự kiến thêm nguồn quặng III tại KT23 và KT30 khi được cấp giấy phép khai thác), công suất khai thác hàng năm đạt 2 triệu tấn, thiếu hụt nghiêm trọng nguyên liệu cho các nhà máy tuyển, hàng năm chỉ sản xuất được khoảng 510 nghìn tấn quặng tuyển.

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng

 Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón. Ông Nguyễn Trọng Phú – Chuyên gia Hội Tuyển khoáng Việt Nam, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Apatit Việt Nam chia sẻ, về nhóm giải pháp về nguyên liệu, cần triển khai càng sớm càng tốt chương trình khảo sát, đánh giá tình hình chất lượng, số lượng quặng loại III tại các điểm đã và đang khai thác, các kho lưu.

ông nguyễn trọng phú
Ông Nguyễn Trọng Phú – Chuyên gia Hội Tuyển khoáng Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Đặc biệt tìm kiếm thêm các điểm quặng III trong toàn bộ khu mỏ làm cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép khai thác sử dụng (dù quặng III nghèo đưa vào tuyển cũng thuận lợi hơn so với tuyển quặng II cả về hiệu quả tuyển quặng và phẩm cấp quặng tinh).

Đối với nhóm giải pháp về công nghệ, các nhà máy nên xem xét việc tách tảng sót theo tỉ lệ phù hợp (tùy tình hình nguyên liệu quặng III cấp về). Khi tách tảng sót sẽ có thể tăng được chất lượng quặng tinh và nâng cao hiệu quả tuyển (tuy nhiên khi đó thu hoạch theo dây chuyền sẽ giảm, nhưng thu hoạch công đoạn tuyển sẽ tăng).

Về nhóm giải pháp về thiết bị, tổ chức khảo sát đánh giá tình hình hệ thống thiết bị tuyển, để có các giải pháp hiệu chỉnh, sửa chữa, thay thế (thậm chí thay mới) để các thiết bị hoạt động đảm bảo vai trò công nghệ trong dây chuyền sản xuất. Cần ưu tiên đầu tư đổi mới hệ thống thiết bị tuyển (đặc biệt là thiết bị nghiền, tuyển), từ trước đến nay ta vẫn thiên về đầu tư thiết bị khai thác, vận tải. Tổ chức tốt công tác sửa chữa thường xuyên, đột xuất, đảm bảo đủ vật tư, chi tiết, thiết bị dự phòng…

ông chử văn nguyên
TS. Chử Văn Nguyên - Hội Hoá học Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

TS. Chử Văn Nguyên - Hội Hoá học Việt Nam cũng nêu giải pháp, Tập đoàn và các đơn vị thành viên nghiên cứu triển khai chế biến sâu quặng tuyển nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên trong quặng tuyển apatit phục vụ nhiệm vụ sản xuất kinh doanh chung của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu triển khai việc sử dụng quặng apatit II hiệu quả, hợp lý cho các dòng sản phẩm chứa lân.

Ngoài ra, đẩy mạnh việc nghiên cứu cho tất cả các loại nguyên liệu quặng apatit (loại II, loại IV). Nghiên cứu các phương pháp chế biến sâu bằng phương pháp hoá học, xử lý nhiệt... Phòng khi chỉ còn loại quặng quá nghèo, hàm lượng P2O5 thấp, tạp chất lại quá cao các phương pháp tuyển không còn đáp ứng được nữa.

Để nâng cao chất lượng tuyển quặng, ông Hoàng Anh Tuấn – Viện trưởng, Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam bày tỏ mong muốn Tập đoàn Hóa chất Việt Nam hỗ trợ kinh phí khoa học công nghệ và chỉ đạo, kết nối để Viện tiếp tục nghiên cứu, triển khai quặng apatit loại II và loại II nghèo tại khu vực trung tâm, làm nguyên liệu vào tuyển thay thế quặng apatit loại III trên quy mô công nghiệp trong thời gian tới.

Cũng tại Hội nghị đại diện các đơn vị: Công ty CP Phân bón Miền Nam,Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển, Công ty CP DAP số1 Vinachem, Công ty CP DAP số 2 Vinachem, Công ty CP Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao đã có những ý kiến thiết thực tại Hội nghị.

ông phùng quang hiệp
Ông Phùng Quang Hiệp - Bí thư Đảng uỷ - Chủ tịch HĐTV Vinachem đánh giá cao đóng góp, giải pháp của các chuyên gia, nhà khoa học và các đơn vị thành viên đã tham gia trong Hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Phùng Quang Hiệp đánh giá cao đóng góp, giải pháp của các chuyên gia, nhà khoa học và các đơn vị thành viên đã tham gia trong Hội nghị.

Để đưa kết quả Hội nghị vào thực tế, ông Phùng Quang Hiệp đề nghị Công ty Apatit Việt Nam tiếp tục ổn định sản xuất tại các nhà máy tuyển.

Cụ thể, đối với nhà máy Tằng Loỏng, tăng cường công tác vận chuyển quặng đuôi thải từ hồ số 01 sang bãi 03, để đảm bảo dung tích đổ thải, duy trì hoạt động 03 hệ tuyển của nhà máy, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào cho các đơn vị sản xuất DAP và supe lân; hoàn thiện hồ sơ pháp lý để xin cấp giấy phép môi trường của nhà máy trong năm 2024; khẩn trương lập phương án khảo sát, chọn vị trí để đề xuất xin cấp phép đầu tư bãi thải số 04, kịp thời đưa vào hoạt động sản xuất khi bãi thải số 03 hết thời gian cấp phép thuê đất.

Đối với nhà máy Cam Đường, bám sát các Sở, ban ngành chính quyền địa phương nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ pháp lý, để sớm triển khai đầu tư xây dựng bãi thải số 03. Bám sát, phối hợp với các Sở, ban ngành chính quyền địa phương xin đổ quặng đuôi thải vào các kho lưu đã vận chuyển hết; hoàn thiện hồ sơ pháp lý về thuê đất và xin cấp giấy phép môi trường của nhà máy trong năm 2024.

Đối với nhà máy tuyển Bắc Nhạc Sơn, triển khai lập kế hoạch, lộ trình chi tiết để hoàn thiện hồ sơ Dự án nâng công suất Nhà máy tuyển Bắc Nhạc Sơn lên 450.000 tấn quặng tuyển/năm.

Về nâng cao chất lượng quặng tuyển, nghiên cứu cải tiến công nghệ tuyển như tập trung vào cải tiến thuốc tuyển, sử dụng phụ gia trợ lắng, trợ lọc, cải tiến chế độ nghiền quặng. Nghiên cứu khả năng bố trí thêm công đoạn tuyển tiếp quặng tuyển có hàm lượng P2O5 < 30%, để đạt quặng tuyển tinh có hàm lượng P2O5 từ 31% trở lên. Tìm kiếm thêm các đối tác tư vấn công nghệ nhằm nâng cao chất lượng/hiệu quả tuyển quặng.

Đối với kế hoạch dài hạn,các đơn vị tăng cường công tác nghiên cứu sử dụng hiệu quả quặng đuôi các nhà máy tuyển, nghiên cứu đưa ra giải pháp, phương án tuyển lại quặng đuôi thải đảm bảo tận thu tài nguyên khoáng sản. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện công nghệ làm giàu quặng apatit loại II; Triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng nhà máy tuyển quặng apatit loại II theo kế hoạch đề ra.

 

Nguyệt Anh