Diễn đàn còn có sự tham dự của Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cùng nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính, giao thông vận tải, hơn 300 doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp logistics trên toàn quốc.
Diễn đàn Logistics Việt Nam 2017 diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn đẩy mạnh công cuộc đổi mới nhằm bắt nhịp với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Theo đó, trên tinh thần phát huy trí tuệ và đối thoại thẳng hắn, Diễn đàn đã đề cập và bàn thảo những vấn đề có tính chiến lược đối với sự phát triển của ngành logistic Việt Nam hiện nay và trong giai đoạn tới.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, sự phát triển logistics ở nước ta trong thời gian qua đã có những đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế, mở rộng và phát triển thị trường quốc tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, logistics ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, kéo dài từ nhiều năm nay vẫn chưa giải quyết được như công tác quy hoạch giữa các ngành liên quan vẫn còn chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau; cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại, công nghệ thông tin còn yếu kém, chưa kết nối được với các nước trong khu vực; nguồn nhân lực cho hoạt động logistics còn chưa đáp ứng được yêu cầu; đặc biệt là năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics ở Việt Nam còn chưa cao so với doanh nghiệp các nước trong khu vực và thế giới…
Bộ trưởng đề nghị, tại Diễn đàn, các tham luận cần tập trung làm rõ những kết quả đã đạt được trong thời gian qua cũng như các hạn chế còn tồn tại, từ đó có những giải pháp phù hợp và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Diễn đàn thu hút sự quan tâm của đông đảo các đại biểu tham dự
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành dịch vụ logistics, trong đó khoảng 1.300 doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tham gia tích cực vào thị trường trong nước và nước ngoài.
Các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp chủ yếu các dịch vụ logistics nội địa, như dịch vụ vận tải nội địa, vận tải đa phương thức, dịch vụ cảng biển, cảng hàng không, dịch vụ kho bãi, khai báo Hải quan, giám định, hun trùng hàng hóa, kiểm nghiệm hàng hóa, bốc dỡ hàng hóa… và đảm nhận một phần dịch vụ logistics quốc tế qua làm đại lý cho các doanh nghiệp nước ngoài là các chủ hàng, chủ tàu, các nhà cung cấp dịch vụ logistics quốc tế thuê lại.
Theo ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, chi phí logistics còn ở mức cao, tương đương 20,8 % GDP (các nước phát triển từ 9-14%), đóng góp khoảng 3% vào GDP (2014 NRI). Tỷ lệ thuê ngoài khoảng 35-40%, nguyên nhân chủ yếu là chưa có sự phối hợp, hợp tác giữa các nhà cung cấp dịch vụ logistics với các nhà sản xuất và các nhà xuất nhập khẩu. Tổng chi phí logistics của Việt Nam năm 2016 là 41,26 tỷ đô la Mỹ, tương đương 20,8% GDP (nguồn Amstrong & Associates). Trong đó doanh thu của 100 công ty logistics hàng đầu Việt Nam năm 2016 là 8.74 tỷ đô la Mỹ, tốc độ tăng trưởng 15.6% (nguồn Biinform Databes).
Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, hoạt động logistics và kết nối hiệu quả là yếu tố quan trọng bảo đảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Logistics hiệu quả càng đặc biệt quan trọng đối với một nền kinh tế đang phụ thuộc nhiều vào khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và xuất khẩu như Việt Nam. Điều này sẽ giúp Việt Nam tăng năng suất để đạt được các mục tiêu phát triển đầy tham vọng của mình.
Phiên thảo luận của Diễn đàn
Trong khuôn khổ của Diễn đàn, Bộ Công Thương đã công bố chính thức Báo cáo Logistics Việt Nam 2017 và ra mắt trang thông tin điện tử www.logistics.gov.vn. Đây là kênh thông tin trao đổi nhanh, trực tiếp nhằm giúp các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nắm bắt và phản hồi thông tin kịp thời, hiệu quả.
Cũng tại Diễn đàn đã diễn ra 05 Lễ ký kết hợp tác chiến lược và toàn diện giữa các doanh nghiệp, hiệu hội các trường đại học nhằm thúc đẩy, tạo đột phá phát triển dịch vụ Logistics trong thời gian tới.Cụ thể: 1) Ngân hàng OCB và Bee Logistics; 2) Vinalines và Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất; 3) Tập đoàn Novaon & Tổng Công ty bảo hiểm Bảo Việt; 4) Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics và Đại học Quốc gia Hà Nội; 5) Hợp tác của 16 trường Đại học có chuyên ngành đào tạo Logistics.
Ngành dịch vụ Logistics Việt Nam đang phát triển mạnh với tốc độ từ 15-16%/năm. Theo chỉ số hoạt động LPI của Ngân hàng thế giới 2014, xếp hạng 53 và 2016 xếp hạng 64/160 nước, đứng thứ 4 trong các nước ASEAN, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.