Nâng cao năng lực hướng tới đáp ứng tiêu chuẩn của chuỗi giá trị toàn cầu

Để cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, các doanh nghiệp cần tập trung chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng… dần hướng tới đáp ứng tiêu chuẩn của các nước có nền công nghiệp tiên tiến, phát triển trên thế giới.

Sức cạnh tranh các ngành công nghiệp được cải thiện

Chiều 19/10/2022, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Samsung cùng phối hợp tổ chức Diễn đàn đa phương (MSF) 2022 với chủ đề: Cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu cho Việt Nam: Hợp tác đa phương trong nâng cao năng lực và Trách nhiệm tra soát”.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là mục tiêu xuyên suốt của Đảng và Nhà nước từ Đại hội III đến nay. Qua 35 năm kiên trì thực hiện mục tiêu này, công nghiệp Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định. 

Quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2021 đạt khoảng 370 tỷ USD, là nền kinh tế lớn thứ 4 Đông Nam Á; thu nhập bình quân đầu người hơn 3.700 USD; quy mô thương mại đạt 670 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Việt Nam đã ký kết 15 Hiệp định thương mại tự do với trên 60 nước, vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới và ngày càng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Diễn đàn đa phương (MSF) 2022 với chủ đề "Cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu cho Việt Nam: Hợp tác đa phương trong nâng cao năng lực và Trách nhiệm tra soát”
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Công nghiệp chế biến chế tạo ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế, với mức đóng góp trong GDP tăng từ 13% năm 2010 lên 16,7% năm 2020. Cơ cấu ngành công nghiệp đã chuyển biến tích cực, giảm dần tỉ trọng các ngành thâm dụng tài nguyên, các ngành công nghệ thấp, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghệ trung bình và công nghệ cao.

Năng lực cạnh tranh công nghiệp đã được cải thiện đáng kể, Báo cáo cạnh tranh công nghiệp của UNIDO đã đưa Việt Nam từ nhóm “các nền kinh tế đang phát triển” lên nhóm “các nền kinh tế công nghiệp mới nổi”.

Nhiều thách thức để đáp ứng tiêu chuẩn của chuỗi giá trị

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng thẳng thắn chỉ ra, bên cạnh các thành tựu đã đạt được, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tới vẫn còn nhiều thách thức. 

Đại dịch Covid-19 và các cuộc chiến tranh thương mại, xung đột vũ trang thời gian vừa qua đã tạo ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất trên toàn cầu; đặc biệt là nguy cơ đứt gãy chuỗi giá trị, gián đoạn nguồn cung. Do đó, xu hướng tái cấu trúc, định hình và cân bằng lại chuỗi cung ứng ngày càng được đẩy nhanh nhằm tránh tập trung vào một số thị trường truyền thống. 

Xu thế này có thể mang lại dòng vốn dịch chuyển đầu tư quốc tế lớn vào công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới, song cũng đặt ra nhiều thách thức đối với doanh nghiệp khi năng lực sản xuất, quản trị, chất lượng sản phẩm,… chưa thể đáp ứng đúng yêu cầu và các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn đặt ra.  

Diễn đàn đa phương (MSF) 2022 với chủ đề "Cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu cho Việt Nam: Hợp tác đa phương trong nâng cao năng lực và Trách nhiệm tra soát”
Diễn đàn đa phương (MSF) 2022 với chủ đề "Cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu cho Việt Nam: Hợp tác đa phương trong nâng cao năng lực và Trách nhiệm tra soát”

 

Mặt khác, trước những thách thức về biến đổi khí hậu và yêu cầu của người tiêu dùng trên toàn thế giới, đặc biệt là ở thị trường các nước phát triển, xu thế phát triển bền vững, sử dụng nguồn lực hiệu quả, và trách nhiệm tra soát… đang trở thành xu thế tất yếu của ngành công nghiệp toàn cầu trong giai đoạn tới. Ngoài nhu cầu sản xuất nhanh hơn, chi phí thấp hơn, chất lượng tốt hơn, thì ngày nay sản xuất còn phải đảm bảo có trách nhiệm hơn với môi trường và con người.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, điều này đặt ra nhiều thách thức đối với các sản phẩm công nghiệp sản xuất tại Việt Nam, vốn chủ yếu mang tính chất gia công, giá trị gia tăng, hàm lượng khoa học công nghệ thấp, chưa tiếp cận được về chuyển đổi số hướng đến sản xuất thông minh.

Do đó, các doanh nghiệp cần tập trung chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất công nghiệp theo hướng phát triển bền vững kinh tế tuần hoàn; giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải, sản xuất xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu… dần hướng tới đáp ứng tiêu chuẩn của các nước có nền công nghiệp tiên tiến, phát triển trên thế giới.

Tăng cường hợp tác đa phương, chủ động nâng cao năng lực

Trong khi đó, ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam nhận định, Việt Nam đang có một số lợi thế bao gồm nỗ lực trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và tính nhất quán trong chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ, cùng với một nền kinh tế năng động, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng. 

“Tôi nghĩ rằng điều cần thiết trong việc nhân đôi và phát triển hơn nữa những lợi thế này chính là mở rộng sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam và cần phải có những nỗ lực trung - dài hạn trong tương lai”, ông Choi Joo Ho chia sẻ, đồng thời khẳng định Samsung Việt Nam sẽ liên tục nỗ lực gia tăng hợp tác với các bên trong thời gian tới.

Ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam
Ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam

Từ năm 2015 cho đến nay, Samsung đã và đang phối hợp cùng Bộ Công Thương để cải thiện năng lực cạnh tranh trong sản xuất cũng như chất lượng thông qua việc cử các chuyên gia có kinh nghiệp hàng chục năm đến Việt Nam hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp nước.

Ngoài ra, Samsung cũng đang thúc đẩy mở rộng sự tham gia của các nhà cung ứng trong nước vào chuỗi cung ứng của mình, đồng thời nỗ lực đảm bảo cho các nhân viên được làm việc trong môi trường tôn trọng, an toàn, đảm bảo về bình đẳng giới, tuân thủ các luật pháp về lao động và nhân quyền.

Với những nỗ lực đó, kết quả tính đến năm 2022, tổng số nhà cung cấp của doanh nghiệp Việt bao gồm cả cấp 1 và cấp 2 của Samsung là 250 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp cấp 1 là 52 doanh nghiệp. Đây là sự gia tăng lớn so với chỉ 4 doanh nghiệp cấp 1 vào năm 2014.

Diễn đàn đa phương (MSF) 2022 với chủ đề "Cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu cho Việt Nam: Hợp tác đa phương trong nâng cao năng lực và Trách nhiệm tra soát”

Tại Diễn đàn, ông Bùi Trung Nghĩa - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, để tăng cường vị thế của các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy quá trình phục hồi sau đại dịch theo hướng phát triển cân bằng và bền vững hơn, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách kinh tế thông qua một chiến lược dài hạn, được phối hợp chặt chẽ của nhiều bên liên quan. 

Việc đánh giá tổng thể và toàn diện năng lực động giúp doanh nghiệp thích ứng với những thay đổi trên cơ sở tích hợp và định vị lại nguồn lực của tổ chức; cũng như năng lực đổi mới sáng tạo, kết nối mạng lưới của doanh nghiệp là nhiệm vụ trước mắt và quan trọng để giải quyết bài toán khó khăn đang đặt ra cho Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.

Cụ thể, Việt Nam cần chủ động hơn trong quá trình tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, xây dựng chiến lược, mục tiêu và kế hoạch thực hiện. Có kế hoạch phân bổ nguồn lực hợp lý cho nâng cao năng lực, tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là năng lực đổi mới sáng tạo và thích ứng. Ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, cần tận dụng nhiều hơn các hỗ trợ từ các đối tác khác nhau: Doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế. 

“Các doanh nghiệp dẫn dắt trong chuỗi cần phát huy vai trò trong hỗ trợ doanh nghiệp khác về công nghệ, đào tạo lao động để giúp tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu”, đại diện VCCI chỉ ra.

Ông Bùi Trung Nghĩa - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Ông Bùi Trung Nghĩa - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Trên cơ sở đó, phát huy vai trò cầu nối để thúc đẩy hợp tác đa phương để nâng cao năng lực, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, doanh nghiệp cần tận dụng nhiều hơn các hỗ trợ từ các đối tác khác nhau từ các hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế…

Đặc biệt, các doanh nghiệp dẫn dắt trong chuỗi cần phát huy vai trò trong hỗ trợ doanh nghiệp khác về công nghệ, đào tạo lao động để giúp tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cùng với đó, các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ khác cần phát huy hơn nữa vai trò kết nối giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành, giữa các doanh nghiệp trong các ngành, giữa doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Tăng cường năng lực hoặc kết hợp với các tổ chức khác để thực hiện các nghiên cứu thị trường để cung cấp thông tin về ngành, công nghệ cho các doanh nghiệp.

Đặc biệt, phối hợp với các cơ quan nhà nước, tổ chức các chương trình đào tạo tập huấn giúp nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, nhất là các cấu thành của năng lực động; phát huy vai trò cầu nối để thúc đẩy hợp tác đa phương để nâng cao năng lực, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Phiên thảo luận tại Diễn đàn Đa phương (MSF) 2022 về Hợp tác đa phương cải thiện sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu
Phiên thảo luận tại Diễn đàn Đa phương (MSF) 2022 về Hợp tác đa phương cải thiện sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu

Tại phiên thảo luận tại diễn đàn, ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, việc lựa chọn 6 ngành ưu tiên phát triển tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ bao gồm: dệt may, da giày, điện tử, ô tô, cơ khí và công nghệ cao đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ về việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp của Việt Nam. Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhất để Việt Nam khẳng định vị thế của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Hoàn thông tin thêm, việc lựa chọn 6 ngành ưu tiên phát triển trên là tín hiệu, cơ sở để thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp FDI đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng trong lĩnh vực nêu trên. Đặc biệt, tăng cường thúc đẩy các doanh nghiệp FDI đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ, có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu.

Diễn đàn Đa phương (MSF) là một sáng kiến của Samsung Việt Nam, bắt đầu được tổ chức thường niên tại Việt Nam từ năm 2018, nhằm kết nối tri thức, nhiệt huyết, nguồn lực và năng lượng của tất cả các bên liên quan, gồm cơ quan hoạch định chính sách, các tổ chức phi Chính phủ, tổ chức xã hội, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp.

Thông qua sự kiện thường niên này, các tư tưởng, giải pháp, sáng kiến được chia sẻ và thảo luận, từ đó cảm hứng hành động và năng lượng tích cực được lan tỏa, góp phần giải quyết các vấn đề quan trọng của xã hội Việt Nam một cách hiệu quả.

Thy Thảo - Phạm Sơn