Nền tảng tăng trưởng 2019 có gì khác biệt so với năm 2018?

Tăng trưởng năm 2019 sẽ tiếp tục được thể hiện một cách toàn diện ở các lĩnh vực dựa trên 2 nền tảng vững chắc từ năm 2018 là xuất khẩu, và nhu cầu nội địa cao; cộng thêm 2 nền tảng khác.

Tăng trưởng năm 2018 dựa trên 2 nền tảng

Trong ấn phẩm kinh tế thường niên hàng đầu của mình, báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2019, ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8% trong năm 2019 và 6,7% trong năm 2020.

Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, ông Eric Sidgwick, nhận định, nền kinh tế Việt Nam đã đạt mức cao trong năm 2018 dựa trên 2 nền tảng là xuất khẩu và nhu cầu nội địa gia tăng mạnh mẽ.

Đối với xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ tăng 14,3% trong năm 2018, và kim ngạch xuất khẩu ròng tăng 9,2%. Nhu cầu bên ngoài cao là yếu tố thúc đẩy nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại của Việt Nam. Xuất khẩu hàng hoá tăng 13,8%, trong đó xuất khẩu điện thoại và phụ kiện - chiếm đến một phần năm tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá – tăng 11,0%.

Nhờ các đơn hàng xuất khẩu và nhu cầu nội địa đều cải thiện, tăng trưởng sản xuất công nghiệp đã tăng tốc từ 7,8% trong năm 2017 lên 8,8% trong năm ngoái, và ngành xây dựng tăng từ 8,7% năm 2017 lên 9,2% trong năm 2018. Công nghiệp và xây dựng đóng góp gần một nửa tăng trưởng GDP năm ngoái, sản lượng khai khoáng được cải thiện và ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục đà tăng trưởng nhờ sự gia tăng trong các ngành xuất khẩu: sản phẩm viễn thông, điện tử và dệt may.

Nền tảng thứ hai cho tăng trưởng năm 2018 là nhu cầu nội địa tiếp tục duy trì mạnh mẽ. Tiêu dùng cá nhân - cấu phần lớn nhất của GDP – đóng góp phần lớn mức tăng trưởng GDP năm vừa qua. Thu nhập gia tăng và lạm phát ổn định là nền tảng để tiêu dùng cá nhân gia tăng mạnh mẽ. Mức tăng trưởng tổng đầu tư đã giảm từ 9,8% trong năm 2017 xuống 8,2%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 9,1% trong năm 2018, và đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước tăng 12,5%.

Và 2019 có thêm 2 nền tảng

Theo phân tích của ADB, ới dự báo tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu chậm lại, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam cũng được dự báo sẽ giảm nhẹ, nhưng vẫn được duy trì ở mức khá cao là 6,8% trong năm 2019 và 6,7% trong năm 2020. Tăng trưởng năm 2019 sẽ tiếp tục được thể hiện một cách toàn diệnở các lĩnh vực dựa trên những nền tảng vững chắc từ năm 2018 là xuất khẩu, và nhu cầu nội địa cao; cộng thêm 2 nền tảng gồm công nghiệp chế biến chế tạo và luồng vốn FDI.

q
Công nghiệp chế biến chế tạo, một động lực cho tăng trưởng năm 2019

 

Đối với luồng vốn FDI, việc tiếp tục cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh sẽ là nhân tố khuyến khích đầu tư tư nhân, cũng như những nỗ lực tăng cường quan hệ với các đối tác trên toàn cầu thông qua nhiều hiệp định thương mại. Việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ năm 2018 và dự kiến hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu sắp diễn ra cũng là các nhân tố kích thích đầu tư trong thời gian tới, khi các doanh nghiệp nước ngoài tìm kiếm các cơ hội mở rộng kinh doanh mà Việt Nam mang lại.

Các hiệp định thương mại này thể hiện rằng Chính phủ Việt Nam tiếp tục cam kết mở cửa nền kinh tế. Chính phủ đề ra mục tiêu thành lập thêm 140.000 doanh nghiệp trong năm 2019, là tín hiệu tốt đối với cả hoạt động xuất khẩu, dòng vốn FDI và đầu tư tư nhân nói chung.

Đối với công nghiệp chế biến chế tạo và xây dựng sẽ chậm lại song vẫn được duy trì ở mức khá mạnh, với luồng vốn FDI đáng kể sẽ đổ vào các ngành công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu. Chỉ số quản trị mua hàng cho thấy xu hướng gia tăng đơn hàng trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tác.

Mặc dù 2019 có thêm 2 nền tảng là động lực cho tăng trưởng song vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro bên ngoài đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam là tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế lớn có thể giảm mạnh hơn, bao gồm Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc –  các đối tác thương mại chính của Việt Nam.

Vì vậy, để xử lý căn bản các yếu tố từ bên ngoài thì cần có chính sách đưa doanh nghiệp tư nhân hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Năm ngoái có hơn nửa triệu DNNVV nội địa đóng góp khoảng gần một nửa GDP, nhưng rất ít doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Một khảo sát mới đây của ManpowerGroup cho biết chỉ có 11% doanh nghiệp Việt Nam có thể cung cấp được các kỹ năng cần thiết để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong khi đó, kỷ nguyên phát triển dựa trên “chi phí thấp, kỹ năng thấp” của Việt Nam đã qua, và Việt Nam phải trở thành một nền kinh tế dựa trên kỹ năng cao. Nếu cải thiện được khả năng tiếp cận vốn và kỹ năng, DNNVV sẽ tiếp cận nhanh hơn trên con đường hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Lúc đó, nền kinh tế nước ta bớt phụ thuộc vào các yếu tố rủi ro từ bên ngoài.

Văn Chinh