Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VEF) năm 2019 với chủ đề “Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững” diễn ra vừa qua, ông Ganesan Ampalavanar - Tổng giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam đã chia sẻ quan điểm mục tiêu tăng trưởng dài hạn đòi hỏi một nỗ lực chung và tổng thể của các thành phần kinh tế khác nhau, trên quan điểm “Tạo Giá Trị Chung”.
Theo nhận xét của các cơ quan quản lý kinh tế, đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào tăng trưởng chung của kinh tế Việt Nam ngày càng được ghi nhận một cách rõ nét và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên điều này đòi hỏi sự hiểu biết và hợp tác ngày càng sâu sắc giữa khối công và khối tư, giữa doanh nghiệp nội địa và FDI. Và những cơ hội như Diễn đàn Kinh tế Việt Nam trong bối cảnh nhìn lại 30 năm đầu tư FDI vào Việt Nam: thu hút FDI có chọn lọc nhằm hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, định hướng và cam kết của doanh nghiệp về hỗ trợ phát triển bao trùm sẽ giúp đào sâu hiểu biết và mang lại lợi ích cho tất cả các bên.
Điểm mấu chốt, theo ông GanesanAmpalavanar là phải tìm được tiếng nói chung là giữa các cơ quan hoạch định và thực thi chính sách và các thành phần kinh tế. Các bên phải cùng nhìn về một lợi ích chung, bền vững nhất cho nền kinh tế.
“Chúng ta đặt vấn đề về củng cố liên kết giữa khu vực tư nhân trong nước với khu vực đầu tư nước ngoài, nhưng theo tôi mối liên kết này đã có sẵn. Không một doanh nghiệp nào có thể thực hiện hết mọi công đoạn trong kinh doanh. Bạn sẽ cần hợp tác với nhà phân phối, nhà cung cấp, nông dân, cơ quan quản lý nhà nước… để cùng nhau đạt mục đích chung với tinh thần win-win, đôi bên cùng có lợi. Chúng tôi không chỉ quan tâm đến làm gì mà quan trọng là làm như thế nào, chúng tôi cam kết đầu tư lâu dài và vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam với tư duy “Công ty toàn cầu có tính địa phương”.
Trong tất cả hoạt động Nestlé đều hợp tác chặt chẽ với các đối tác tại Việt Nam để “Tạo Giá Trị Chung”, là đóng góp vào xã hội trong khi vẫn đảm bảo sự thành công lâu dài trong kinh doanh và các mục tiêu đó nếu muốn bền vững phải gắn với một tầm nhìn vào tương lai. Đó là cách chúng tôi duy trì và phát triển các mối quan hệ từ nhà phân phối, nhà cung cấp, nông dân và các cơ quan có liên quan để cùng nhau chia sẻ thành công đạt được với quan điểm: chúng ta chỉ tăng trưởng thực sự khi đối tác của chúng ta cùng tăng trưởng”, ông nói.
Ông Ganesan cũng đưa ra những ví dụ thực tiễn mà Nestlé Việt Nam đã và đang thực hiện giúp hơn 20.000 hộ nông dân trồng cà phê nâng cao năng suất và thu nhập từ cây cà phê thông qua việc áp dụng những kỹ thuật canh tác bền vững và công nghệ mới từ dự án NESCAFÉ Plan. Nestlé phối hợp với các đối tác bao gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Viện Khoa Học Kỹ Thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên phân phối trên 28 triệu cây giống kháng bệnh năng suất cao tới người nông dân; tăng trên 30% thu nhập cho người nông dân trong khi vẫn đảm bảo không ảnh hưởng đến hệ sinh thái và môi trường. Mô hình hợp tác công - tư (PPP) mà Nestlé Việt Nam tham gia cùng nhiều đối tác trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng được đánh giá rất cao trong việc thúc đẩy sự phát triển và liên kết chuỗi trong ngành hàng cà phê.
Các mục tiêu hoạt động của Nestlé Việt Nam dựa trên nền tảng “Tạo Giá Trị Chung” được hướng đến phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc (SGDs) trong tầm nhìn đến năm 2030. Nhiều chương trình “Tạo Giá Trị Chung” đóng góp vào sự phát triển bền vững tại Việt Nam bao gồm Chương trình Đối tác dài hạn với các nhà phân phối địa phương, chương trình NESCAFÉ Plan – gắn kết nông dân phát triển cà phê bền vững, chương trình Chị Nest – nâng cao kiến thức dinh dưỡng và cải thiện thu nhập cho phụ nữ nông thôn, chương trình Năng động Việt Nam – cho một thế hệ năng động, nâng cao tầm vóc và thể lực người Việt.