Nét đẹp phong tục cúng hóa vàng ngày Tết

Hóa vàng, có thể hiểu là một dạng dâng cúng các giá trị vật chất cho thần linh. Bởi không thể dùng tiền thật để đốt, nên con người phải nhờ đến tiền vàng mã với những hình tròn, hình vuông giống hình tiền.

Hóa vàng là một trong những nghi lễ không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán. Lễ cúng hóa vàng thường được gọi là lễ tiễn ông bà tổ tiên hay lễ tạ đầu năm mới.

Tục đốt vàng mã được du nhập từ Trung Quốc. Về đến Việt Nam, kết hợp thêm với tư duy “trần sao âm vậy” nên “thế giới vàng mã” ngày càng đa dạng, phong phú: từ xe máy, ôtô, áo vest, thậm chí cả máy bay và điện thoại di động.

Vào ngày Tết, người ta quan niệm rằng, ngày 23 tháng Chạp là ngày tiễn ông Công ông Táo về trời. Đến chiều 30 Tết, người Việt sẽ có tục cúng tất niên và dọn dẹp, sắp xếp lại bàn thờ. Lúc này, những chân nhang hay vàng mã của năm cũ sẽ được đem đốt hết. Đây được coi là dạng hóa vàng để kết thúc tất cả những gì còn sót lại của năm cũ.

Đến đêm giao thừa, việc bày biện, sắp xếp mâm cơm cúng như một hình thức mời ông bà, tổ tiên về ngự lại bàn thờ để ăn Tết cùng con cháu. Sau 3 ngày Tết, tùy vào hoàn cảnh và điều kiện mà các gia đình Việt sẽ làm một mâm cơm cúng, thường gọi là lễ hóa vàng.

Nhiều người cho rằng, hóa vàng là một hình thức tiễn gia tiên về trời sau những ngày về ăn Tết cùng con cháu. Tuy nhiên, bản chất của việc này lại không phải như vậy. Việc hóa vàng, thực chất mang ý nghĩa đón thần tài, thần lộc về cho gia đình.

Lễ hoá vàng có thể được các gia đình tổ chức từ ngày mùng 3 đến ngày mùng 5, mùng 7 hoặc mùng 10 âm lịch.

Lễ vật hóa vàng thường được chuẩn bị giống với đồ lễ cúng gia tiên của gia chủ, thường gồm: Hương, hoa, ngũ quả, vàng mã, đèn, nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng (hoặc bánh tét), xôi.

Cùng với đó là mâm cỗ mặn hoặc cỗ chay với các món mang đặc trưng ngày Tết.

Nếu là cỗ mặn thì không thể thiếu con gà trống, bát canh, đĩa xào, giò, hay nem rán. Sau đó, con cháu trong nhà sẽ lễ tạ thần Phật, gia tiên.

Cũng theo quan niệm dân gian, trong lễ hóa vàng, người dân thường đốt vàng mã vì nghĩ rằng "trần sao âm vậy".

Theo tục xưa, tại nơi đốt vàng mã, người ta thường đặt hai cây mía dài để làm “đòn gánh” cho vàng cho người ở cõi âm, cũng là vũ khí để xua đuổi quỷ dữ.

Sau khi đốt vàng mã, con cháu tề tựu đông đủ, cùng nhau dùng bữa cơm thân mật, vui vẻ, kết thúc những ngày Tết và bắt đầu trở lại với công việc.

Ngày nay, việc đốt vàng mã trong lễ hóa vàng được khuyến cáo vì có thể ảnh hưởng đến môi trường sống.

 

Hoàng Hà (t/h)