PV: Những tháng đầu năm 2008, việc mất điện trên diện rộng xảy ra liên tục và lặp lại ở nhiều nơi trên toàn quốc, vậy thực chất của vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Từ đầu mùa khô 2008 đến nay, diễn biến thời tiết ở nước ta hết sức phức tạp, khu vực phía Bắc đã phải trải qua một đợt giá rét nhất trong vài chục năm qua và kéo dài suốt gần 2 tháng, làm cho phụ tải điện trên hệ thống tăng cao. Trong tháng 2, có ngày lên tới 206,1 triệu kWh (26-2), tăng 15,96% so với cùng kỳ năm 2007, công suất cao nhất ghi nhận được đạt 10.571 MW (ngày 18/2), tăng 15,3% so với năm 2007. Sản lượng điện tiêu thụ trung bình mỗi ngày của toàn hệ thống là 180,4 triệu kWh, tăng 15,64% so với năm 2007 (trong đó miền Bắc tăng 22,8%, miền Trung tăng 11,1% và miền Nam tăng 13,4%). Về tình hình thuỷ văn, lưu lượng nước về các hồ thuỷ điện miền Bắc và miền Trung đều thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Trong khi đó, các hồ thuỷ điện Hoà Bình, Thác Bà, Tuyên Quang đã phải thực hiện 2 đợt xả nước để phục vụ sản xuất đổ ải cho vụ Đông Xuân. Bên cạnh đó, một số nguồn điện mới được đưa vào vận hành như Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau, Nhiệt điện Uông Bí mở rộng, Thuỷ điện Tuyên Quang, Thuỷ điện Đại Ninh còn đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm, nên chưa ổn định, sản lượng phát ra chưa đạt tới mức dự kiến. Cho đến nay, EVN vẫn phải cố gắng đáp ứng nhu cầu điện năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt thiết yếu của nhân dân. Tuy nhiên, trong trường hợp bất khả kháng, EVN vẫn phải thực hiện cắt phụ tải luân phiên để giữ cho hệ thống điện quốc gia vận hành an toàn và ổn định.
PV: Có ý kiến cho rằng, trong vài năm gần đây, tiến độ thực hiện các dự án các công trình đầu tư nguồn điện chậm so với kế hoạch là một trong những nguyên nhân làm cho việc thiếu điện trở nên trầm trọng hơn, ông có nhận xét gì về ý kiến này?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Đúng là như vậy. Dự án Nhiệt điện Cà Mau 1 chỉ cung cấp được khoảng 42% sản lượng so với kế hoạch; Nhà máy điện Uông Bí mở rộng 1 do Lilama làm tổng thầu EPC vận hành không ổn định; sự cố tổ máy số 1 Thủy điện Tuyên Quang phải dừng dài ngày (từ 5/2 đến 14/3); các nguồn khí Cửu Long và Nam Côn Sơn cung cấp cho sản xuất điện không ổn định làm giảm sản lượng các nhà máy tuốc bin khí; Nhà máy điện Cà Mau 2 và Nhơn Trạch 1 có khả năng chậm tiến độ, khó có thể vận hành trước tháng 5/2008... Như vậy, sẽ không đóng góp được gì nhiều cho cung cấp điện mùa khô; các hồ thuỷ điện Hoà Bình, Thác Bà, Tuyên Quang đã phải thực hiện 3 đợt xả nước để phục vụ sản xuất đổ ải, tổng lưu lượng xả 2 hồ Hòa Bình và Thác Bà khoảng 2,2 tỷ m3 nước, tương đương 430 triệu kWh điện.
Trong khi xảy ra liên tiếp những bất lợi trên, nhu cầu sử dụng điện vẫn tiếp tục tăng cao trong 3 tháng đầu năm. Điện do EVN sản xuất và mua từ các nhà máy ngoài Ngành đạt 17,05 tỷ kWh, tăng 18,41% so với cùng kỳ năm 2007, trong đó điện mua từ các nhà máy bên ngoài EVN tăng 30,39%. Điện thương phẩm đạt 15,02 tỷ kWh, tăng 19,09% so với cùng kỳ năm trước, trong đó điện cung cấp cho công nghiệp tăng 20,95%... Để đáp ứng đủ nhu cầu phụ tải, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phải huy động các nguồn khác với giá thành rất cao như mua điện của Hiệp Phước, Amata, Formosa, Cà Mau, Cái Lân... và phải huy động thêm tuabin khí chạy dầu DO và diesel với giá thành sản xuất trên 4.600 đ/kWh, nhằm giữ nước các hồ thủy điện, đặc biệt là Thủy điện Hòa Bình, tránh nguy cơ xảy ra thiếu điện nghiêm trọng vào giai đoạn cuối mùa khô, nhất là ở miền Bắc.
PV: Để đảm bảo nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước, trong những tháng tới, theo ông cần có những giải pháp cấp bách nào?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Theo nhận định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tình hình cung ứng điện tiếp tục căng thẳng, từ nay đến cuối năm 2008, EVN phải tiết kiệm khoảng 681 triệu kWh điện, trong đó, chiếu sáng công cộng phải tiết kiệm 22,47 triệu kWh, cơ quan hành chính sự nghiệp tiết kiệm 139 triệu kWh, khu vực ánh sáng sinh hoạt 339,3 triệu kWh và sản xuất công nghiệp là 180,4 triệu kWh.
Trước thực trạng như vậy, EVN đã chuẩn bị các giải pháp: Điều chỉnh lịch sửa chữa các nguồn điện để huy động cao trong thời gian này; rút ngắn tiến độ sửa chữa các tổ máy đã bố trí lịch (kể cả các nhà máy ngoài ngành); lập kế hoạch khai thác hồ chứa hợp lý để đảm bảo mức nước các hồ thuỷ điện; điều hành hợp lý xả nước đợt 3 hồ Hoà Bình, Thác Bà, Tuyên Quang phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2007-2008; huy động thêm các nguồn khác một cách hợp lý để giữ nước, kể cả huy động các máy phát diezel của khách hàng; tăng cường truyền tải điện từ miền Nam ra miền Bắc qua đường dây 500 kV; tận dụng mua điện từ Trung Quốc ở mức tối đa, ngoài ra, Tập đoàn còn yêu cầu các đơn vị chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu than, dầu, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu vận hành cao; tích cực tuyên truyền tiết kiệm điện; đẩy mạnh chương trình giảm tổn thất điện năng; phối hợp với các cấp chính quyền tại địa phương để triển khai thực hiện chương trình tiết kiệm điện. EVN cũng sẽ chủ động phối hợp với sở công nghiệp các tỉnh về chương trình tiết kiệm điện và làm việc trực tiếp với từng khách hàng sản xuất trọng điểm để thoả thuận và ký bản cam kết thực hiện chương trình tiết kiệm 2% mức sử dụng điện so với năm 2007. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đang xây dựng và phát triển mạng phân phối đèn compact, trong đó các điện lực tỉnh sẽ là đại lý bán đèn compact không vì mục đích lợi nhuận. Đồng thời, khuyến khích khách hàng trọng điểm sử dụng nguồn diesel dự phòng, tự huy động nguồn trong giờ cao điểm sáng và cao điểm tối, góp phần cùng ngành Điện đảm bảo cung ứng điện phục vụ sản xuất và nhu cầu thiết yếu của nhân dân... EVN cũng đã chính thức khai trương trang thông tin điện tử về tiết kiệm điện tại địa chỉ: hppt://www.tietkiemnangluong. com.vn trong đó có các nội dung như tư vấn sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; hướng dẫn sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện; tra cứu các thông tin về tình hình sản xuất điện và các thông tin khoa học về điện…
PV: EVN có kiến nghị gì với Nhà nước và khuyến cáo gì đối với người sử dụng điện để thực hiện tốt chủ trương tiết kiệm điện, thưa ông?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Để công tác tiết kiệm điện được thực hiện nghiêm túc, đề nghị Nhà nước sớm có có chế tài xử phạt những trường hợp sử dụng điện lãng phí; đồng thời, bổ sung những quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính, giao chỉ tiêu cụ thể về lượng điện được dùng cho các cơ quan, đơn vị; chỉ đạo các đơn vị sử dụng điện trọng điểm (> 3 triệu kWh/năm) thực hiện kiểm toán năng lượng và có các biện pháp để tiết kiệm từ 1% đến 2%. Đặc biệt là, các cơ quan thông tin đại chúng, cần tăng cường hơn nữa việc đưa tin, bài, ảnh tuyên truyền về tiết kiệm điện trong chiếu sáng văn phòng, chiếu sáng bảo vệ, chiếu sáng công cộng....
Đối với khách hàng sử dụng điện, EVN khuyến cáo khách hàng nên dùng các thiết bị điện một cách tiết kiệm nhất, an toàn và hiệu quả cao; lắp đặt công tơ điện tử 3 giá trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt, giảm công suất giờ cao điểm của hệ thống, hạn chế các thiết bị không cần thiết, hạn chế hoặc thay đổi thời gian đóng cắt, giảm đèn biển hiệu quảng cáo, thiết bị trang trí trong nhà và ngoài trời, đèn trang trí trên các cột anten, các loại đèn trang trí số lượng lớn trên đường phố, các khu vui chơi giải trí... nhằm tiết kiệm tối đa nguồn chi phí cho đơn vị, cho cơ quan và cho cả gia đình, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Các cơ quan, công sở cần triệt để thực hiện tiết kiệm điện, giảm ít nhất 10% chi phí điện năng sử dụng hàng năm của đơn vị. Các hộ gia đình cần hạn chế sử dụng điện, không sử dụng các thiết bị tiêu thụ nhiều điện (điều hoà nhiệt độ, bàn là, bếp điện, bình đun nước nóng, máy bơm…) vào giờ cao điểm tối (18 – 22h)... Nếu giảm 50% thiết bị nói trên thì sẽ giảm được khoảng 700 MW là tiết kiệm được 700 triệu USD vốn đầu tư xây dựng nhà máy điện.
PV: Xin cảm ơn ông!