Nếu sản xuất, kinh doanh chạy theo lợi ích trước mắt, thì không thể có thành công lâu dài

Một phần tư thế kỷ gắn bó với sứ mệnh sản xuất máy động lực và máy nông nghiệp, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) đã chủ động phát triển sang lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, s


TCCT: Thưa ông, cơ khí là một trong những những ngành gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập, nhưng VEAM lại như một điểm sáng khi nhìn lại quá trình 25 năm hoạt động. Theo ông, những kết quả thành công nhất là gì và bí quyết để có được những thành công ấy?

Ông Bùi Quang Chuyện: Thành công của một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đầu tiên phải thể hiện ở kết quả hoạt động của mình. So với thời điểm bắt đầu thành lập Tổng công ty VEAM (12/5/1990), quy mô sản xuất với doanh thu hợp nhất chỉ xấp xỉ 130 tỉ đồng, thì những năm gần đây doanh thu đã ở mức trên 8 nghìn tỉ đồng. Vốn chủ sở hữu (có tính cả yếu tố trượt giá) đã tăng hơn 100 lần, với giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp thời điểm định giá cổ phần hóa 01/7/2014 đã lên tới hơn 13 nghìn tỉ đồng.

Niềm tự hào của những người gắn bó với ngành cơ khí có thể nói đó là dù quá trình hoạt động có những giai đoạn hết sức khó khăn, nhưng cuối cùng vẫn đứng vững trên đôi chân của mình. Khi xóa bỏ bao cấp, thị trường mở cửa, sản phẩm phải chấp nhận cạnh tranh, nhưng với mục tiêu kiên định, bước đi đúng hướng, cuối cùng vẫn đạt được những thành công vượt mong đợi. Hiện nay, VEAM hoạt động sản xuất, kinh doanh với 3 lĩnh vực chính là động cơ, máy nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ và ô tô một cách vững chắc, các lĩnh vực này luôn có sự gắn kết, bổ trợ cho nhau trong quá trình phát triển.

Nhưng điểm thành công nhất và cũng chính là bí quyết để thành công là yếu tố con người. Cùng với sự lớn mạnh về quy mô hoạt động, VEAM đã xây dựng được một đội ngũ nhân lực ngày càng đông đảo có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, có kinh nghiệm và bản lĩnh trong điều hành, quản lý, gắn bó và yêu nghề, đặc biệt có đủ tự tin trong môi trường hội nhập quốc tế. Chính ở những thời điểm khó khăn, bản lĩnh và năng lực đã giúp các doanh nghiệp trong VEAM luôn tìm ra các hướng đi mới vượt qua khó khăn và phát triển ổn định.

TCCT: Cùng với xu hướng hội nhập, mức độ cạnh tranh có thể càng gay gắt hơn và chính sách cũng có thể thay đổi. Liệu định hướng hoạt động của VEAM trong tương lai có phải điều chỉnh cho phù hợp?

Ông Bùi Quang Chuyện: Trăn trở nhất của VEAM chính là lĩnh vực sản xuất, kinh doanh động cơ và máy nông nghiệp, mà VEAM coi đây là sứ mệnh của mình. Giai đoạn trước đây, dù khó khăn, nhưng lĩnh vực sản xuất này vẫn đứng vững. Nhiều sản phẩm của VEAM vẫn chiếm thị phần cao như máy xay xát, hộp số dùng cho nuôi trồng thủy sản,... Động cơ chất lượng cao vẫn tiêu thụ tốt ở khu vực Tây Nguyên, nơi chủ yếu trồng cây công nghiệp. Máy kéo 2 bánh và động cơ vừa tiêu thụ trong nước và vẫn có thể xuất khẩu ra nước ngoài.

Nước ta có ưu thế rất lớn về sản xuất nông nghiệp so với nhiều nước trong khu vực, nên không thể không có ngành chế tạo máy nông nghiệp. Tuy nhiên, để có thể phát triển ngành này, cần có chính sách của Nhà nước lâu dài và hiệu quả hơn so với chính sách chỉ hỗ trợ vay vốn và hỗ trợ lãi suất cho nông dân như hiện nay. Ngoài ra, chính sách cũng cần tạo sự cạnh tranh bình đẳng đối với sản xuất. Ví dụ gần đây, Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi đã đưa nhiều loại máy nông nghiệp ra khỏi đối tượng chịu thuế. Với thay đổi này, chỉ các sản phẩm nhập khẩu được hưởng lợi. Còn đối với máy móc sản xuất trong nước, thì không được khấu trừ chi phí đầu vào (trung bình ~8% giá bán), sẽ rất khó có thể cạnh tranh về giá.

Công nghiệp hỗ trợ của cả nước đã bắt đầu phát triển mạnh mẽ. VEAM cũng rất tích cực mở rộng sản xuất, không chỉ có khả năng cung cấp linh kiện cho ngành động cơ, máy nông nghiệp, xe máy, mà còn cung cấp cho nhiều ngành khác và phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, cũng phải thấy doanh nghiệp nước ngoài (FDI) có ưu thế về kinh nghiệm, kĩ thuật, tiếp cận được những nguồn vốn đầu tư rẻ, được ưu đãi nhiều về đất đai, thuế,… sẽ ngày càng lấn át các doanh nghiệp trong nước. Vì vậy, trong bất kì hoàn cảnh nào, các doanh nghiệp trong nước cũng phải nỗ lực, nhưng cũng có quyền đòi hỏi có những bình đẳng chính đáng về chính sách đầu tư chung.

TCCT: VEAM đang quá trình cổ phần hóa. Liệu sau khi cổ phần hóa, với đa dạng chủ sở hữu, VEAM có còn tiếp tục ưu tiên những lĩnh vực sản xuất vẫn được coi là sứ mệnh trong thời gian trước đây, nhưng hiệu quả không phải là cao?

Ông Bùi Quang Chuyện: Đổi mới doanh nghiệp là tất yếu khách quan, là chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm mục tiêu phát triển kinh tế đất nước. Khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, chắc chắn sẽ đòi hỏi VEAM có những năng động mới, tăng cường hiệu quả mọi mặt quản trị và cuối cùng là hiệu quả hoạt động sẽ tốt hơn.

Theo kinh nghiệm ở nhiều nước, ngành sản xuất, chế tạo máy nông nghiệp (bao gồm cả động cơ) là ngành khó mang lại lợi nhuận cao. Tuy vậy, những hãng sản xuất máy nông nghiệp nổi tiếng trên thế giới đều có lịch sử cả trăm năm. Nếu sản xuất, kinh doanh chạy theo lợi ích trước mắt, thì không thể có thành công lâu dài, xét ở góc độ doanh nghiệp cũng như cả đất nước. Vì vậy, dù đa dạng chủ sở hữu, VEAM cũng sẽ kiên trì những mục tiêu có thể coi là sứ mệnh của mình.

Ngành máy nông nghiệp tiếp tục phát triển chính là thể hiện mối liên hệ gắn bó hữu cơ giữa công nghiệp và nông nghiệp. VEAM luôn theo đuổi mục tiêu là đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế tạo máy nông nghiệp, phục vụ hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện giảm thiểu vất vả lao động nông nghiệp và tạo cơ hội chuyển dịch lao động nông thôn. Phát triển cơ khí phục vụ nông nghiệp của VEAM cũng sẽ góp phần duy trì phát triển đội ngũ những người làm công nghiệp đông đảo, xây dựng được nền tảng căn bản về phát triển nhân lực, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

TCCT: Xin cảm ơn ông!