Dữ liệu mạng lưới của các nhà chuyển tải khí đốt Liên minh châu Âu cho thấy dòng khí đốt thực tế đi qua tuyến đường ống Yamal-châu Âu từ Belarus đến Ba Lan đã về mức 0 kilowatt giờ (kWh) lúc 16h00 (1400 GMT) ngày 26/4, so với mức hơn 52 triệu kWh/ngày vào sáng cùng ngày.
Bộ trưởng Năng lượng Bulgaria cho biết nguồn cung khí đốt từ Nga thông qua hệ thống đường ống TurkStream cũng bị tạm dừng trong ngày 27/4. Sự việc này diễn ra sau khi Ba Lan và Bulgaria từ chối thanh toán tiền mua khí đốt cho Tập đoàn Gazprom của Nga bằng đồng Ruble.
Đây là lần đầu tiên Nga ngừng cấp khí đốt với các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) kể từ khi cuộc xung đột quân sự giữa Nga – Ukraine bùng nổ. Nguồn cung khí đốt từ Nga hiện đáp ứng tới 50% nhu cầu sử dụng khí đốt của Ba Lan và lên tới 90% đối với Bulgaria. Trước đó, Nga đã cảnh báo EU về nguy cơ bị cắt nguồn cung khí đốt nếu như các quốc gia châu Âu không thanh toán bằng đồng Ruble.
EU hiện đang bị chia rẽ xung quanh vấn đề ngưng sử dụng năng lượng, đặc biệt là khí đốt từ Nga. Nguồn cung khí đốt từ Nga đáp ứng tới 45% tổng nhu cầu sử dụng khí đốt của EU. Một số quốc gia vốn phụ thuộc mạnh vào nguồn cung khí đốt từ Nga như Đức và Áo đã liên tiếng khó có thể ngưng nhập khẩu khí đốt từ Nga ngay lập tức vì thiệt hại sẽ rất khó lường.
Trong ngày 25/4, Uniper – hãng nhập khẩu khí đốt từ Nga lớn nhất tại Đức cho biết có thể thanh toán cho các lô khí đốt trong tương lai từ Nga mà không vi phạm các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga. Hungary cũng cho biết sẽ đồng ý thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng Ruble để đảm bảo nguồn cung năng lượng từ Nga.
Ngược lại, Ba Lan đã nhiều lần tuyên bố không đồng ý yêu cầu của Nga về việc trả tiền mua khí đốt bằng đồng Ruble và cho biết sẽ ngưng nhập khẩu toàn bộ than, dầu mỏ và khí đốt từ Nga vào cuối năm nay.
Phát biểu ngày 27/4, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nói rằng thông báo của Tập đoàn Gazprom về việc đơn phương dừng cấp khí đốt cho khách hàng châu Âu một lần nữa cho thấy Nga sử dụng mặt hàng này như là một công cụ để đe dọa các nước. Đồng thời, bà Ursula von der Leyen cho biết Ba Lan và Bulgaria đang nhận khí đốt từ các nước láng giềng trong khối EU nhằm thay thế nguồn cung từ Nga.
“Đây là điều bất hợp lý và không thể chấp nhận được. Nó một lần nữa cho thấy Nga không phải là nhà cung ứng khí đốt đáng tin cậy”, bà von der Leyen bày tỏ quan điểm.
Ủy ban châu Âu hồi cuối tháng 3 xác nhận EU đặt mục tiêu hoàn toàn thoát phụ thuộc năng lượng Nga vào năm 2027. EU sau đó cũng công bố gói trừng phạt mới nhất chống lại Nga, trong đó loại bỏ hoàn toàn mua than đá của Moskva từ tháng 8.
Tuy nhiên, EU chưa áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh tay đối với dầu và khí đốt, hai mặt hàng nhập khẩu lớn nhất từ Nga. Giới phân tích cho rằng việc đảm bảo đủ nguồn thay thế cho năng lượng Nga sẽ cực kỳ khó khăn đối với EU, thậm chí là không thể trong ngắn hạn, khi nhiều nước trong khối những năm gần đây đã dần loại bỏ năng lượng hạt nhân và than đá.