Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock vừa cho biết Đức sẽ giảm một nửa lượng dầu được nhập khẩu từ Nga vào mùa Hè năm nay và tiến tới giảm hoàn toàn vào cuối năm, tiếp sau đó sẽ là khí đốt. Bà Annalena Baerbock cũng cho biết kế hoạch giảm phụ thuộc năng lượng vào Nga của Đức nằm trong lộ trình chung của Liên minh châu Âu (EU).
Dữ liệu của hãng tin Reuters cho thấy nguồn cung năng lượng từ Nga đang chiếm đến 55% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của Đức và 35% đối với tổng lượng dầu nhập khẩu của nước này. Hồi tháng 3 vừa qua, Chính phủ Đức đã ký thoả thuận mua khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) từ Qatar nhằm đa dạng hoá nguồn cung, giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga.
Uỷ ban châu Âu cuối tháng trước cũng xác nhận EU đặt mục tiêu hoàn toàn không phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga vào năm 2027. EU và Hoa Kỳ trước đó cũng ký thỏa thuận cung cấp thêm khí đốt từ Hoa Kỳ đến châu Âu. Hoa Kỳ cho biết sẽ đàm phán với các đối tác để cố gắng đảm bảo cung cấp ít nhất 15 tỷ mét khối LNG cho EU trong năm sau và tiếp tục tăng lên trong các năm tiếp theo.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo Đức và EU có thể đối mặt với tình trạng giá năng lượng tăng vọt nếu không có nguồn cung từ Nga. Trước đó, Đức đã chịu nhiều sức ép từ Hoa Kỳ và một số quốc gia trong EU về việc ngưng nhập khẩu ngay lập tức năng lượng từ Nga để gây sức ép lên cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine. Nhưng Chính phủ Đức cho rằng nước này không thể ngay lập tức dừng nhập khẩu năng lượng từ Nga vì các thiệt hại kinh tế là không lường trước được.
Đồng thời, việc Hoa Kỳ cam kết ưu tiên tăng nguồn cung khí LNG cho EU có thể gây ra xáo trộn trong dòng chảy khí LNG trên toàn cầu. Một số nhà phân tích lo ngại những thay đổi trong chiến lược năng lượng của EU sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh bảo vệ nguồn cung năng lương giữa châu Á và châu Âu.
Tập đoàn tài chính JP Morgan (Hoa Kỳ) cảnh báo việc EU cấm nhập khẩu hoàn toàn và ngay lập tức các nguồn năng lượng tư Nga sẽ khiến thị trường toàn cầu mất đi khoảng 4 triệu thùng dầu/ngày từ Nga và đẩy giá dầu thô lên mức 185 USD/thùng.
Người đứng đầu bộ phận châu Âu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Alfred Kammer vừa cảnh báo châu Âu chỉ có thể cầm cự trong sáu tháng nếu không có nguồn khí đốt từ Nga bằng các nguồn dự trữ và thay thế nhưng các tác động kinh tế từ việc ngưng nhập khẩu năng lượng từ Nga sẽ rất nghiêm trọng. IMF dự báo tổng thiệt hại nếu mất nguồn cung dầu mỏ và khí đốt của Nga đối với Liên minh châu Âu (EU) là 3% GDP, tùy thuộc vào sự khắc nghiệt của mùa Đông.