Xăng dầu là mặt hàng quản lý đặc biệt đối với Bộ Công Thương và lực lượng quản lý thị trường (QLTT). Trong thời gian gần đây, vi phạm về gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng dầu chủ yếu diễn ra ở 3 lĩnh vực: về điều kiện kinh doanh xăng dầu, giấy phép, mua xăng dầu với đối tượng ngoài hệ thống.
Trong năm 2020, lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra 4.550 vụ việc liên quan đến mặt hàng xăng dầu, xử lý 1.291 vụ với tổng số tiền xử phạt gần 14 tỷ đồng. Tịch thu, tạm giữ gần 79.000 lít xăng dầu các loại với trị giá hàng hóa trên 1,5 tỷ đồng.
Điển hình, trong tháng 3 vừa qua, lực lượng QLTT Ninh Bình đã xử phạt gần 400 triệu đồng đối với sai phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại 1 doanh nghiệp trên địa bàn. Mới đây nhất, ngày 5/5 vừa qua, lực lượng QLTT Nam Định đã đình chỉ kinh doanh, thu giữ 23.000 lít dầu DO 0,05 S-II kém chất lượng tại 1 cửa hàng trên địa bàn.
Hay như trước đó, nhiều lần lực lượng đã phanh phui, xử lý nhiều sai phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, trong đó nổi lên vụ mua bán hóa đơn trái phép tại doanh nghiệp Xăng dầu Phát - Petraco (Hải Phòng); sản xuất buôn bán xăng giả tại Công ty Mỹ Hưng (Sóc Trăng) và mới đây là vụ việc triệt phá đường dây sản xuất, buôn lậu xăng giả ở Đồng Nai…
Dù đạt được những chiến công nhất định trong việc ngăn chặn, chống gian lận thương mại đối với mặt hàng xăng dầu, song, ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho rằng, công tác này còn rất nhiều khó khăn, bất cập và còn nhiều lỗ hổng để các đối tượng lợi dụng, có những hành vi vi phạm.
Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, liên quan đến công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với lĩnh vực xăng dầu, nổi lên hiện tượng xăng dầu giả và xăng dầu kém chất lượng. Theo ông Linh, có hai nguyên nhân chính dẫn đến các vi phạm.
Thứ nhất, hiện nay trên thị trường các chất dung môi, phụ gia, chế phẩm có thể lợi dụng để pha chế xăng dầu được mua khá dễ dàng, nếu các đối tượng có ý gian lận về xăng dầu thì rất dễ thực hiện. Thứ hai, việc quản lý hoạt động kinh doanh, buôn bán, chứa trữ các chất dung môi, phụ gia, chế phẩm nêu trên do nhiều cơ quan chức năng quản lý.
“Việc kiểm soát chất lượng xăng dầu, hiện nay có rất nhiều cơ quan kiểm tra có thẩm quyền lấy mẫu giám định và xử lý trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Theo quy định về lưu mẫu, các lô hàng khi doanh nghiệp nhập về đều phải lưu mẫu, tuy nhiên không rõ là phải lưu bao nhiêu mẫu, do vậy, khi có nhiều đoàn kiểm tra thì mẫu lưu không còn để đối chứng”, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh phân tích và cho rằng, khi kiểm tra lấy mẫu, do chưa có kết luận giám định nên không có căn cứ tạm giữ ban đầu.
Trong khi đó, quá trình bán hàng của doanh nghiệp là liên tục nên khi có kết quả, tiếp tục làm việc với doanh nghiệp thì lượng xăng vi phạm đã bán hết, rất khó khăn trong quá trình xử lý tang vật.
Ngoài ra, về phía nội tại, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh cũng thẳng thắn nhìn nhận, cơ quan QLTT chưa được trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị kỹ thuật để kiểm tra nhanh chất lượng xăng dầu, nhằm phát hiện kịp thời và ngăn chặn sớm các hành vi gian lận về chất lượng trong kinh doanh xăng dầu...
Năm 2021, trong Kế hoạch thanh tra chuyên ngành của Tổng cục QLTT, xăng dầu là nhóm ngành hàng được ưu tiên, lựa chọn kiểm tra, thanh tra. Ngay từ đầu năm, trước tình hình vi phạm về chất lượng xăng dầu, Tổng cục QLTT đã chỉ đạo Cục QLTT các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các mặt hàng xăng dầu.
“Tổng cục đã chỉ đạo các toàn bộ các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ xây dựng kế hoạch, chuyên đề kiểm tra, tập trung vào những tỉnh thành trọng điểm, thường xuyên xảy ra vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, mới đây, Cục QLTT thành phố đã trình Chủ tịch UBND thành phố, Ban chỉ đạo 389 thành phố phương án kiểm tra chuyên đề năm 2021 đối với mặt hàng xăng dầu trên toàn địa bàn thành phố và đã được phê duyệt”, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh thông tin.
Trong thời gian tới, để lành mạnh hóa thị trường xăng dầu, đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh đề nghị, cần tăng cường công tác vận động, tuyên truyền các đơn vị kinh doanh ký cam kết không kinh doanh xăng dầu nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng và gian lận đo lường để người kinh doanh, doanh nghiệp chấp hành và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật.
“Cần có cơ chế giám sát thường xuyên, bởi đã có nhiều trường hợp hộ kinh doanh, công ty giấy phép không còn hiệu lực, không đủ điều kiện, nhưng vẫn tiến hành kinh doanh”, Tổng cục trưởng nhấn mạnh.
Cùng với đó, ông Linh cho rằng, cần xây dựng quy chế phối hợp giữa các đơn vị liên quan, nâng cao hiệu quả kiểm tra, xử lý, bởi đây là mặt hàng có nhiều ngành cùng tham gia quản lý. Ngoài ra, cần quy định rõ trách nhiệm của từng ngành để tránh kiểm tra, xử lý chồng chéo và đổ lỗi trách nhiệm khi xảy ra những vấn đề gây bức xúc dư luận.
Bên cạnh đó, Tổng cục trưởng cũng đề nghị, tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu để hạn chế mức thấp nhất các hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.
“Cần phải có quyết tâm cao độ trong việc ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực xăng dầu. Cần vận động, nâng cao nhận thức người dân biết rằng, dung môi, hóa chất là ngành kinh doanh có điều kiện, cần đầy đủ giấy phép. Khi kinh doanh, cần tuân thủ quy định an toàn, phòng chống sự cố hóa chất, cháy nổ”, Tổng cục trưởng Trần Hữu nhấn mạnh một lần nữa.