Ngân hàng chạy đua hút khách bằng dịch vụ “lạ”

Các ngân hàng đang liên tục ứng dụng công nghệ mới để thu hút doanh nghiệp như VPBank tích hợp phần mềm kế toán vào internet banking, giúp doanh nghiệp có thể cắt giảm nhân sự

 “Thay máu” dịch vụ để hút khách

Trao đổi tại tọa đàm “Ngân hàng số thúc đẩy phát triển những hệ sinh thái đặc thù” vừa diễn ra ngày 14/6 tại Hà Nội, ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc cao cấp ngân hàng số, Ngân hàng VPBank chia sẻ, hiện nay số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ nộp thuế doanh nghiệp, thuế hải quan tự động qua ngân hàng này ngày càng lớn.

Nguyên nhân là trong thời gian qua, ngân hàng liên tục ứng dụng các công nghệ mới để thu hút các doanh nghiệp sử dụng. Ví dụ, VPBank đã tích hợp phần mềm kế toán vào internet banking, giúp doanh nghiệp có thể nghiệm thu, nghiệm chi dễ dàng. Từ đó các doanh nghiệp có thể không cần phải thuê thêm nhân sự để thực hiện.

Hệ thống VPBank - B2B Payment cho phép các đối tượng sử dụng có thể chủ động việc thanh toán và thu hộ, quản lý các dòng tiền ngay trên ứng dụng, được nhiều doanh nghiệp đón nhận.

Tương tự, đại diện ngân hàng TPBank cho hay đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phát triển ngân hàng số. Hiện tiền gửi không kỳ hạn thông qua máy giao dịch trực tuyến tự động LiveBank đã chiếm gần 1/3 dù mới áp dụng khoảng 2 năm nay.

Hay như HDBank, ngân hàng này cung cấp dịch vụ riêng cho khách đi máy bay. Ví dụ bay hãng Vietjet Air, ngay khi bước xuống sân bay đã có dịch vụ của HDBank kết nối dịch vụ di chuyển như Grab, rồi thanh toán dịch vụ không tiền mặt và tích hợp tài khoản ngân hàng…

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc các ngân hàng trong nước “sốt sắng” ứng dụng công nghệ mới để thu hút khách hàng đang cho thấy cuộc chạy đua ứng dụng công nghệ đang diễn ra quyết liệt.

Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho rằng với bối cảnh hiện nay, các ngân hàng trong nước cần đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số, tự động hóa các quy trình, hướng đến tự động hóa trong nhiều lĩnh vực, tương tác với khách hàng, tác nghiệp, quản lý rủi ro và ra quyết định.

Ví dụ ứng dụng trí tuệ nhân tạo và Chatbot trả lời tự động, hỗ trợ công tác giải đáp thắc mắc, tra cứu thông tin của khách hàng; công nghệ Robotics giúp việc đọc số liệu và nhập liệu thay con người...

Tạo ra các sản phẩm mới có tính sáng tạo, thuận tiện cho khách hàng. Ví dụ như trợ lý ảo giao dịch bằng giọng nói, thanh toán không tiếp xúc (QR code, NFC...), ví điện tử, chuyển tiền bằng công nghệ Blockchain.

Ngoài ra, phân tích dữ liệu lớn để nắm bắt hành vi khách hàng, tìm tập khách hàng phù hợp để gửi các thông điệp khuyến mại, tăng cơ hôi bán chéo dịch vụ...

Các chuyên gia lưu ý, các ngân hàng cần đẩy mạnh truyền thông quảng bá tới doanh nghiệp, tăng cường hướng dẫn khách hàng để khách hàng biết đến dịch vụ.

Cần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

Dù các ngân hàng liên tục đưa vào ứng dụng công nghệ số, “thay máu” dịch vụ và được nhiều doanh nghiệp hào hứng đón nhận, tuy nhiên các chuyên gia tài chính cho rằng đó mới chỉ là những tín hiệu lạc quan ban đầu. Vấn đề mấu chốt lâu dài là phải tiếp tục tung ra giải pháp đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt, thu hút cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ (hiện chiếm tới khoảng 97% tổng số doanh nghiệp) tham gia.

Ở tầm nhìn vĩ mô, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực đề xuất Chính phủ chỉ đạo hoàn thiện, cập nhật Chiến lược quốc gia về thanh toán không dùng tiền mặt. Từ năm 2016, Việt Nam đã ban hành Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đến năm 2020, tuy nhiên với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đề án cần liên tục được cập nhật nhằm tạo cơ sở thúc đẩy hành lang pháp lý liên quan theo kịp với yêu cầu thực tiễn.

“Cách tiếp cận xây dựng các quy định pháp luật nên theo hướng khuyến khích thử nghiệm, sáng tạo mới nhiều hơn, song song với xu hướng chuẩn hóa”, ông Lực nói, đồng thời nhấn mạnh đến việc hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý hoạt động Fintech, Bigtech theo hướng mở, sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho phép chữ ký số, nhận dạng số, nhận diện khách hàng số.

Cũng theo chuyên gia này, cần thiết phải hoàn thiện và ban hành chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, trong đó chú trọng giáo dục tài chính, cần sớm qui định giáo dục tài chính cá nhân như một môn học bắt buộc từ bậc phổ thông trung học.

Ban hành qui định dạng thí điểm đối với các sản phẩm tài chính gắn với công nghệ như Fintech, cho vay ngang hàng, huy động vốn cộng đồng, ví điện tử... nhằm tận dụng tốt hơn thành quả công nghệ, song vẫn kiểm soát được rủi ro và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nghiên cứu và áp dụng các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế trong các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động ứng dụng CNTT bảo đảm an toàn, bảo mật. Đưa vào áp dụng khung đánh giá rủi ro CNTT theo thông lệ quốc tế để nâng cao chất lượng công tác kiểm tra tuân thủ các quy định về an toàn bảo mật tại các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán.

“Bản thân mỗi ngân hàng thương mại cần xác định ngân hàng số là một chiến lược, mô hình kinh doanh chứ không phải một dự án công nghệ đơn thuần”, ông Lực nhấn mạnh.

Theo TGTT