Tăng tốc đáp ứng quy định mới
Thay đổi lớn trong các quy định về hoạt động vay và cho vay đối với hệ thống ngân hàng trong năm 2017 là áp dụng Thông tư 06. Theo đó, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng thương mại sẽ giảm từ mức 60% về 50% trong năm 2017 và xuống 40% từ năm 2018.
Lịch sử của các con số này phải truy ngược lại từ năm 2014 trước áp lực kích thích tăng trưởng cũng như “phá băng” thị trường bất động sản để giải quyết cục nợ xấu trong lĩnh vực này. Ngân hàng Nhà nước đã ra Thông tư 36 cho phép tăng mạnh tỷ lệ tối đa dùng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 30% lên 60%. Việc thay đổi con số này giúp các ngân hàng có nhiều tiền cho vay hơn bằng cách sử dụng một tỷ lệ cao hơn nguồn vốn tiết kiệm ngắn hạn. Do các biến động mạnh trên thị trường lãi suất, tiền tệ, người dân thường có xu hướng gửi tiền ngắn hạn để dễ bề chuyển đổi hay linh hoạt trong sử dụng. Tuy nhiên đối với các ngân hàng, nguồn tiền gửi ngắn hạn này có tính sử dụng thấp vì đa số các khoản cho vay ra đều hướng tới doanh nghiệp sản xuất và có vòng đời dài. Cuộc đua lãi suất trước đây đều xuất phát từ việc mất cân đối huy động và cho vay khiến các ngân hàng phải hút thêm nhiều tiền mới để trả cho người cũ.
Chính vì vậy, việc các ngân hàng gần đây tung ra chương trình phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao gợi nhớ lại cuộc đua tăng lãi suất. Tuy nhiên trên thực tế mặt bằng lãi suất ngắn hạn hiện tại biến động rất ít. Bản chất của việc phát hành chứng chỉ tiền gửi là các ngân hàng đang cân đối lại nguồn vốn, nâng mức vốn dài hạn lên để đáp ứng quy định 50% nói trên.
Chứng chỉ tiền gửi về hình thức không khác gì các món tiết kiệm cùng kỳ hạn. Hầu hết các chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn 3-5 năm. Tuy nhiên điểm khác là khách hàng sẽ không được rút trước hạn đối với chứng chỉ tiền gửi mà chỉ có thể cầm cố lại cho chính ngân hàng để làm khoản đảm bảo vay, hoặc chuyển nhượng chứng chỉ tiền gửi cho người khác để lấy tiền mặt. Do có hạn chế như vậy, cộng với khả năng thấp là người dân có khoản tiền nhàn rỗi lên tới 3-5 năm nên để hấp dẫn, điều chắc chắn là chứng chỉ tiền gửi phải có lãi suất cao hơn tiết kiệm cùng kỳ hạn.
Việc tăng tốc huy động vốn trung dài hạn để đáp ứng quy định tỷ lệ 50% từ đầu năm 2017 thực ra không nhất thiết phải diễn ra đồng loạt ở tất cả các ngân hàng. Theo báo cáo đến hết năm 2016, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn trung bình trên toàn hệ thống là 34,51%. Bản thân mức trung bình của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần cũng chỉ là 39,93%. Tuy nhiên các ngân hàng lại không đồng đều ở mức trung bình đó, mà có những ngân hàng đang ở tỷ lệ vượt trần. Vì thế các ngân hàng này chịu sức ép nhiều hơn trong việc cân đối nguồn vốn. Các ngân hàng khác cũng không thể ngồi nhìn “đối thủ” tung ra các chương trình huy động mới mà ngồi im. Thêm nữa, việc phát hành chứng chỉ tiền gửi cũng là một cách tốt để huy động thêm vốn dài hạn.
Áp lực cân đối nguồn vốn diễn ra ngay từ đầu năm vì không dễ gì để thay đổi cơ cấu vốn huy động của một ngân hàng trong thời gian ngắn. Nếu không nhanh chóng tăng mức vốn trung dài hạn hoặc tăng tổng vốn huy động ngắn hạn lên thì các ngân hàng đang chạm trần tỷ lệ cho vay hoặc có nguy cơ chạm trần sẽ không còn nhiều dư địa để cho vay trong năm 2017. Trong khi đó mục tiêu tăng trưởng tín dụng 2017 được đặt ra là 18% và 2 tháng đầu năm đã tăng trưởng 2%. Việc mất thị phần là điều không hề dễ chịu, nhất là khi năm nay định hướng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vĩ mô sẽ tạo nhu cầu vốn rất lớn.
Mặt bằng lãi suất vẫn chịu áp lực
Cuộc đua phát hành chứng chỉ tiền gửi cho đến hiện tại vẫn chưa gây nhiều xáo trộn mặt bằng lãi suất huy động. Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, mặt bằng lãi suất huy động tháng 2 không có nhiều biến động so với tháng 1. Tuy nhiên, ở một số ngân hàng thương mại đã ghi nhận hiện tượng lãi suất huy động VND kỳ ngắn hạn tăng nhẹ từ 0,1-1,2%/năm so với thời điểm trước Tết Nguyên đán.
Bản chất của quy định giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là để đảm bảo cân đối an toàn nguồn vốn trong hoạt động tín dụng. Vì vốn ngắn hạn chịu áp lực lớn trong việc người gửi đáo hạn, trong khi cho vay trung dài hạn lại có thời gian trả nợ dài. Nếu sử dụng quá nhiều vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung dài hạn sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu hụt vốn ngắn hạn để trả cho người đáo hạn trong khi chưa thu hồi kịp khoản cho vay trung dài hạn. Khi đó chỉ còn cách đẩy mạnh lãi suất huy động ngắn hạn lên để hút tiền mới. Đó chính là bối cảnh mà cuộc đua lãi suất đã từng diễn ra.
Tuy hiện tại cuộc đua phát hành chứng chỉ tiền gửi mới chỉ làm “nóng” một chút mặt bằng lãi suất dài hạn và các ngân hàng mới chỉ lôi kéo khách hàng nhờ các ưu đãi mang tính kỹ thuật, ví dụ giảm chi phí cầm cố để vay tiền mặt, ưu đãi chuyển nhượng chứng chỉ tiền gửi… nhưng cuối cùng thì đích đến vẫn phải là huy động được thật nhiều vốn. Chứng chỉ tiền gửi kém linh hoạt hơn so với tiết kiệm, đồng thời nguồn vốn dài hạn 3-5 năm không nhiều. Người dân nếu có khoản tiền như vậy cũng có nhiều lựa chọn hơn bằng việc đầu tư vào các tài sản khác như ngoại tệ, vàng…
Nếu chứng chỉ tiền gửi không phải là cứu cánh hay công cụ hiệu quả, rốt cục cách cuối cùng sẽ vẫn là nâng mặt bằng lãi suất huy động lên. Nếu cứ huy động 100 đồng vốn ngắn hạn thì được cho vay 50 đồng. Để cho vay được nhiều hơn mà vẫn đảm bảo quy định 50% đó thì chỉ còn cách huy động khoản vốn lớn hơn. Để huy động nhiều tiền hơn, cách duy nhất là cho người gửi cảm thấy có lợi hơn, tức là trả lãi suất cao hơn.
Áp lực tăng lãi suất hiện tại
chưa cao vì các ngân hàng chưa chịu áp lực về thanh khoản. Hiện mới chỉ có áp lực
về cơ cấu lại nguồn vốn. Lãi suất liên ngân hàng tuy có đang tăng nhẹ kể từ đầu
tháng 2 nhưng vẫn chưa bằng mức tăng cuối năm 2016. Nhu cầu vốn sẽ tăng dần
trong thời gian tới kết hợp với áp lực giảm giá tiền đồng khi USD tăng giá sẽ
gây thêm áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động.