Kết quả kinh doanh quý 4 sẽ được cải thiện đáng kể
Tại Hội nghị Nhà đầu tư cập nhật kết quả kinh doanh quý 3/2023, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.Hồ Chí Minh (Ngân hàng HDBank, mã cổ phiếu HDB - sàn HoSE) đã cho biết một số thông tin đáng chú ý về triển vọng kinh doanh thời gian tới.
Kết thúc quý 3/2023, Ngân hàng HDBank là một trong số ít các ngân hàng duy trì tăng trưởng lợi nhuận dương ở mức hai chữ số trong bối cảnh môi trường kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Lợi nhuận trước thuế trong quý 3/2023 và luỹ kế 9 tháng năm 2023 của ngân hàng này lần lượt đạt 3.147 tỷ đồng và 8.632 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng lần lượt là 16% và 7,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Tỷ lệ ROE đạt 22,4%, tỷ lệ ROA đạt 2%, và tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 12,3% - đều là các mức cao trong ngành ngân hàng hiện nay. Bên cạnh đó, luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng này tăng 12%; trong khi tiền gửi tăng 52% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, ông Phạm Văn Đẩu - Giám đốc Tài chính của Ngân hàng HDBank cho biết, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của Ngân hàng HDBank hiện đang là khoảng 15%, thấp hơn rất nhiều so với mức trần 30% của Ngân hàng Nhà nước hiện nay. Do đó, Ngân hàng HDBank có thể tận dụng để tăng cường cho vay trung dài hạn, từ đó mang lại lợi suất cao hơn.
Đồng thời, việc có thể cho vay nhiều hơn còn giúp ngân hàng bán chéo thêm sản phẩm, cũng như có thêm thu nhập từ hoạt động như dịch vụ. Từ đó, Ngân hàng HDBank dự báo tổng thu nhập hoạt động trong quý 4/2023 sẽ "được cải thiện đáng kể".
Đồng quan điểm như trên, một số tổ chức tài chính hiện nhận định Ngân hàng HDBank còn dư địa khá lớn để cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) thông qua việc tăng tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, từ đó đạt hiệu quả hoạt động ở mức cao hơn đáng kể so với mặt bằng chung toàn ngành.
Dự báo lợi nhuận ngân hàng mẹ cả năm 2023 cán mốc 12.300 tỷ đồng
Trả lời nhà đầu tư về việc thúc đẩy hoạt động cho vay thời gian tới, ông Trần Hoài Phương - Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng HDBank cho biết, trong những tháng cuối năm, ngân hàng sẽ tập trung đưa vốn vào một số ngành nghề chính, đặc biệt là mảng nông nghiệp nông thôn.
Ngân hàng HDBank xác định nhu cầu vốn trên tính chất chu kỳ, sẽ đi từ nhà sản xuất nông nghiệp, chế biến, đến xuất khẩu ra nước ngoài. Trên cơ sở đó, dư nợ tăng thêm dự kiến cho riêng mảng nông nghiệp là khoảng hơn 2.500 tỷ đồng, ông Trần Hoài Phương cho biết.
Về mảng xuất khẩu, vị lãnh đạo Ngân hàng HDBank chia sẻ, hiện tại giá xuất khẩu gạo, xuất khẩu cà phê, hạt điều hay hàng may mặc của Việt Nam vẫn đang rất tốt, có cạnh tranh với các thị trường nước ngoài và ngân hàng sẽ tiếp tục cung cấp vốn cho lĩnh vực này.
Đáng chú ý, ông Trần Hoài Phương tiết lộ Ngân hàng HDBank sẽ tập trung khai thác sâu hơn việc tài trợ theo chuỗi vốn đã được phát triển hàng năm. Cụ thể, ngân hàng không chỉ cho vay trực tiếp doanh nghiệp mà cùng với hệ sinh thái của họ, doanh nghiệp là nhà cung cấp cho những doanh nghiệp khác.
“Dư nợ chuỗi hiện đã vượt hơn 1 tỷ USD, giai đoạn tiếp theo làm sao đi sâu hơn về mặt sản phẩm, cải thiện về chất, cũng như khu vực khách hàng”, theo ông Trần Hoài Phương.
Bên cạnh đó, Ngân hàng HDBank cũng chú trọng tham gia tài trợ cho lĩnh vực công nghiệp và năng lượng tái tạo.
Sau 9 tháng đầu năm nay, Ngân hàng HDBank đã thực hiện được 84,1% mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm, xếp thứ hai toàn ngành ngân hàng. Ban lãnh đạo Ngân hàng HDBank hiện dự báo lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ cả năm 2023 sẽ đạt 12.300 tỷ đồng.