Mục tiêu lợi nhuận năm nay tăng 21%, tăng mạnh vốn điều lệ
Ngày 29/3, Ngân hàng TMCP Nam Á (Ngân hàng Nam Á, mã cổ phiếu NAB - sàn HoSE) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 và thông qua các tờ trình quan trọng về kế hoạch kinh doanh năm 2024, chia cổ tức,…
Cụ thể, cổ đông Ngân hàng Nam Á đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 4.000 tỷ đồng, tăng 21% so với 2023; tăng trưởng dư nợ dự kiến ở mức 13%; tổng tài sản tăng 11%, đạt 232.000 tỷ đồng; và kiểm soát nợ xấu ở dưới mức 3%.
Trước đó, ông Võ Hoàng Hải - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á đã cho biết, hạn mức tín dụng năm 2024 được Ngân hàng Nhà nước đưa ra ngay từ đầu năm nay đối với Ngân hàng Nam Á đang được tạm tính theo điểm xếp loại năm 2022 là ở mức 14,2%, tương ứng gần 20.000 tỷ đồng, và tăng trưởng tín dụng có thể lên đến 15 - 17% nếu dựa trên điểm xếp loại năm 2023.
Ngân hàng Nam Á hiện kỳ vọng tăng trưởng tín dụng từ mức tối thiểu có thể tăng lên đáng kể và sẽ ưu tiên phân bổ tín dụng vào ngành nông lâm nghiệp và thủy sản với các gói lãi suất vay cạnh tranh. Từ đó, thúc đẩy tăng trưởng kết quả kinh doanh trong năm nay.
Tại Đại hội, cổ đông Ngân hàng Nam Á cũng thông qua việc tăng vốn điều lệ thêm 30%, từ mức 10.580 tỷ đồng hiện nay lên mức 13.725 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP).
Trong đó, đối với phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, Ngân hàng Nam Á dự kiến phát hành thêm 264,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 25%) nhằm tăng vốn điều lệ thêm 2.654 tỷ đồng. Nguồn phát hành là lợi nhuận chưa phân phối năm 2023, sau khi đã trích các quỹ, và lợi nhuận chưa phân phối từ các năm trước. Sau phát hành, lợi nhuận chưa phân phối còn lại của Ngân hàng Nam Á là 502,8 tỷ đồng.
Đối với phương án ESOP, Ngân hàng Nam Á dự kiến phát hành 50 triệu cổ phiếu với giá chào bán dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu, nhằm tăng vốn điều lệ thêm 500 tỷ đồng. Đối tượng được mua cổ phiếu ESOP là cán bộ nhân viên của ngân hàng.
Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 100% trong vòng một năm và 50% trong năm tiếp theo kể từ khi hoàn thành đợt chào bán.
Các kế hoạch tăng vốn trên sẽ được thực hiện trong năm nay, sau khi Ngân hàng Nhà nước và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Sau khi hoàn thành tăng vốn, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của ngân hàng hợp nhất sẽ lên 11,96%, tăng 0,8 điểm % so với cuối năm 2023, Ngân hàng Nam Á cho biết.
Muốn thành lập chi nhánh tại khu vực Đông Nam Á
Ngoài kế hoạch tăng vốn, Ngân hàng Nam Á cũng có kế hoạch thành lập ngân hàng 100% vốn của Ngân hàng Nam Á hoặc chi nhánh của ngân hàng tại nước ngoài. Khu vực triển khai là Đông Nam Á, với lĩnh vực hoạt động bao gồm: kinh doanh dịch vụ tài chính - ngân hàng, xúc tiến thương mại đầu tư và các hoạt động khác.
Đồng thời, cổ đông Ngân hàng Nam Á cũng thông qua chủ trương thành lập, mua lại công ty con, công ty liên kết để thực hiện các hoạt động liên quan đến nghiệp vụ chứng khoán và quản lý nợ và khai thác tài sản…
Ngân hàng Nam Á cũng có tờ trình về việc tiếp tục tham gia hoạt động hoạt động tái cơ cấu các Quỹ Tín dụng nhân dân yếu kém. Ngân hàng Nam Á trước đó đã tham gia tái cơ cấu 3 Quỹ Tín dụng nhân dân bị kiểm soát đặc biệt trên địa bàn Đồng Nai.
Trong một diễn biến có liên quan, cổ phiếu NAB của Ngân hàng Nam Á đã chính thức được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE) từ ngày 8/3. Đây cũng là cổ phiếu ngân hàng duy nhất được chấp thuận chuyển từ thị trường UPCoM sang HoSE trong năm 2023.
Nhiều tổ chức tài chính đánh giá, việc cổ phiếu NAB được chuyển niêm yết sang thị trường HoSE sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Nam Á huy động vốn đầu tư, đặc biệt là từ các đối tác chiến lược nước ngoài, mở ra cơ hội tăng trưởng mới.