Ngân hàng Nhà nước: Tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh

Sáng 15/6, phát biểu tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng năm 2022, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, đến ngày 9/6, tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021, tăng 17,09% so với cùng kỳ năm 2021, phù hợp với diễn biến tích cực hơn của nền kinh tế.

Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, trong 6 tháng đầu năm, chính sách tín dụng, tiền tệ đã từng bước hòa nhập với bối cảnh bình hường mới, tập trung tạo điều kiện tăng tín dụng đầu tư vào các lĩnh vực của nền kinh tế.

Ngay từ đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo, định hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Về dư nợ cơ cấu, đến cuối tháng 4/2022, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ khi ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 là hơn 695.000 tỷ đồng cho trên 1,1 triệu khách hàng/dư nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ hiện còn hơn 198 nghìn tỷ đồng của gần 680.000 khách hàng.

Lũy kế giá trị nợ đã được miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ là gần 91.000 tỷ đồng cho gần 490.000 khách hàng. Dư nợ miễn giảm lãi giữa nguyên nhóm nợ còn gần 18.000 tỷ đồng của hơn 166.000 khách hàng.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà Nước Đào Minh Tú- phát biểu tại buổi họp báo
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà Nước Đào Minh Tú- phát biểu tại buổi họp báo

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, thời gian tới sẽ có nhiều khó khăn phải đối mặt, trong đó là nguy cơ lạm phát. Các nước phát triển trên thế giới đang đối mặt với lạm phát tăng mạnh, các ngân hàng trung ương bắt đầu lộ trình tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Tình hình tài chính tiền tệ toàn cầu nói chung có nhiều biến động sẽ tác động tới chúng ta vì Việt Nam có độ mở nền kinh tế khá lớn.

Đồng thời, ngành ngân hàng tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ tại các TCTD theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 và các Thông tư sửa đổi, bổ sung; chính sách giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng; chương trình cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất; các giải pháp về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán...

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, bám sát chỉ đạo của Chính phủ và các mục tiêu của Chương trình phục hồi kinh tế0xã hội năm 2022-2023, Ngân hàng Nhà nước theo dõi diễn biến thị trường trong và ngoài nước, diễn biến dịch bệnh để điều hành đồng bộ, linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường.

 

Văn Thắng