Ngân hàng Nhà nước vừa gửi công văn đến các bộ: Tài chính, Công an, Công Thương đề nghị hỗ trợ thông quan nhập khẩu vàng nguyên liệu, tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC nhằm giảm chênh lệch giá trong nước và thế giới...
Ngân hàng Nhà nước cũng có văn bản chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng thực hiện các nhiệm vụ.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Tài chính phối hợp thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; Nhiệm vụ, giải pháp bình ổn và quản lý thị trường vàng được giao tại các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp tục cung cấp thông tin về các sự vụ, sự việc buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng qua biên giới để Ngân hàng Nhà nước kịp thời nắm bắt thông tin thị trường nhằm đưa ra phương án quản lý thị trường vàng hiệu quả. Hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện thủ tục thông quan lượng vàng nhập khẩu phục vụ công tác đấu thầu.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản đề nghị Bộ Công an phối hợp thực hiện nhiệm vụ tại Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 20/3/2024 về tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan thanh tra, kiểm tra, bảo vệ pháp luật và cơ quan chức năng liên quan khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp theo quy định để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng, nhất là các hành vi buôn lậu, thao túng, đầu cơ trục lợi, đẩy giá vàng miếng... Phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.
Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Bộ Công Thương phối hợp chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác quản lý thị trường; kịp thời phát hiện các hành vi có dấu hiệu vi phạm và cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ: Chấp hành nghiêm các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24), các Thông tư hướng dẫn Nghị định 24, các quy định pháp luật liên quan và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo thị trường vàng hoạt động an toàn, hiệu quả, đúng quy định pháp luật, không xảy ra tình trạng trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá; thực hiện đúng chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định của Bộ Tài chính.
Các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp cần áp dụng hóa đơn điện tử trong việc thực hiện các giao dịch mua, bán vàng để nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động mua, bán vàng, đặc biệt là mua, bán vàng miếng; tuân thủ pháp luật về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố; thực hiện nghiêm túc công văn số 10064/NHNN-TTGSNH ngày 28/12/2023 của NHNN về việc tuân thủ pháp luật về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn (Cục Quản lý thị trường, Sở Khoa học và công nghệ, Công an…) tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động kinh doanh vàng của các đơn vị; kịp thời xử lý các vi phạm về hoạt động kinh doanh vàng theo thẩm quyền (nếu có).
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) ngày 3/4/2012 của Chính phủ, các Thông tư hướng dẫn Nghị định 24 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; chấp hành nghiêm chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định của Bộ Tài chính; tuân thủ pháp luật về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Ngày 15/4, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn tất khâu chuẩn bị cho việc đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. Như vậy sau 11 năm, Ngân hàng Nhà nước quay trở lại tổ chức đấu thầu vàng miếng.
Thông tin cụ thể hơn về hoạt động trên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ gửi thông báo trước 1 ngày đấu thầu. Sau khi công bố giá sàn, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng bắt đầu điền vào đơn thầu. Các đơn vị trên có 30 phút để quyết định khối lượng và giá mua. Một tiếng sau khi đóng thầu, Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố kết quả. Các doanh nghiệp sẽ phải đặt cọc để tham gia đấu thầu, muộn nhất vào 17 giờ ngày nhận thông báo thầu.
Hiện có 26 đơn vị, bao gồm cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng thiết lập quan hệ giao dịch vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước. Trong số đó, đến thời điểm này có khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Loại vàng mang ra đấu thầu là vàng miếng SJC.
Phó Tổng giám đốc một ngân hàng cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước lấy vàng trong kho dự trữ ngoại hối ra tăng cung để bình ổn thị trường mà chưa cấp phép nhập khẩu vàng là hợp lý trong bối cảnh tỷ giá tăng cao và dự trữ ngoại hối có hạn như hiện nay.
Phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên được tổ chức vào ngày 28/3/2013. Trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.819.900 lượng trên tổng số 1.932.000 lượng chào thầu. Khi đó, giá vàng SJC vẫn đắt hơn vàng thế giới khoảng 4,2 triệu đồng/lượng.