Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Ngân hàng Sacombank, mã cổ phiếu STB - sàn HoSE) cho biết đã được Công ty Cổ phần tư vấn EY Việt Nam chứng nhận hoàn thành triển khai chuẩn mực quản lý rủi ro theo Basel III. Qua đó, trở thành ngân hàng tiếp theo tại Việt Nam áp dụng thành công bộ tiêu chuẩn quản lý rủi ro ở cấp độ cao này.
Lãnh đạo Ngân hàng Sacombank cho biết, Basel III được xem là bộ tiêu chuẩn ở cấp độ cao trong quản trị rủi ro ngân hàng nhằm đảm bảo sự ổn định của nguồn vốn, tính thanh khoản, giúp cho các ngân hàng có đủ năng lực để vượt qua các cuộc khủng hoảng.
Các tiêu chuẩn Basel III không chỉ quản lý rủi ro ở điều kiện hiện tại mà còn cả những dự báo cho tương lai, quan trọng hơn là rủi ro được đo lường không chỉ ở điều kiện bình thường mà trong cả những kịch bản căng thẳng.
Trước đó, từ năm 2021, Ngân hàng Sacombank đã chính thức triển khai áp dụng Basel II vào hoạt động, qua đó nâng tầm hệ thống quản lý rủi ro, nâng cao tính an toàn và bền vững cho ngân hàng.
Việc triển khai Basel III, giúp ngân hàng thiết lập các chỉ tiêu kế hoạch định hướng hiệu quả hơn, góp phần cân bằng giữa lợi nhuận và rủi ro, thay đổi tư duy kinh doanh truyền thống đồng thời tối ưu hóa chi phí kiểm soát nguồn vốn và thanh khoản, lãnh đạo Ngân hàng Sacombank cho biết.
Bên cạnh đó, việc triển khai thành công Basel III đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình tái cơ cấu của Ngân hàng Sacombank.
Ngân hàng Sacombank hiện ước tính lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2023 đạt hơn 9.500 tỷ đồng, tăng 50% so năm trước và đạt 100% kế hoạch được giao tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.
Tổng tài sản của ngân hàng ước đạt gần 664.000 tỷ đồng, trong đó tài sản có sinh lời chiếm 90,3%. Tổng huy động ước đạt hơn 574.000 tỷ đồng và tổng dư nợ cho vay ước đạt hơn 487.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, lãnh đạo Ngân hàng Sacombank cho biết đã xử lý dứt điểm phần lớn các vấn đề tồn tại, hoàn thành nhiều mục tiêu trọng yếu của Đề án tái cơ cấu.
Tính đến hết tháng 11/2023, Ngân hàng Sacombank đã thu hồi, xử lý được hơn 92.600 tỷ đồng, trong đó hơn 72.000 tỷ đồng là các khoản thuộc Đề án, đạt 84% kế hoạch tổng thể của Đề án đến năm 2025. Nhờ đó, nợ xấu và tài sản tồn đọng thuộc Đề án giảm 75%, giảm tỷ trọng trong tổng tài sản từ 28,1% (năm 2016) xuống còn 3,5%, góp phần đưa lợi nhuận đạt kế hoạch và tăng trưởng ổn định.
Trên cơ sở tài chính vững chắc, Ngân hàng Sacombank đã trích lập đủ 100% dự phòng cho toàn bộ danh mục tài sản tồn đọng còn lại chưa xử lý, qua đó chính thức hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ tài chính tại Đề án tái cơ cấu, lãnh đạo Ngân hàng Sacombank cho biết.
Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, Ngân hàng Sacombank nhiều khả năng sẽ hoàn thành xong Đề án tái cơ cấu trước thời hạn đề ra (năm 2025), thậm chí sớm nhất là trong nửa đầu năm 2024.
Sau khi hoàn thành đề án tái cơ cấu Ngân hàng Sacombank sẽ bước sang chu kỳ hồi phục mạnh mẽ trong những năm tới, có thể thực hiện đầy đủ các hoạt động, trả cổ tức cũng như tăng vốn điều lệ để thúc đẩy tăng trưởng.