Vừa qua, ban lãnh đạo Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (Ngân hàng VIB, mã cổ phiếu VIB - sàn HoSE) cho biết, lợi nhuận trước thuế cả năm 2023 của ngân hàng này có thể đạt khoảng 11.000 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2022.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng VIB ghi nhận tổng thu nhập hoạt động kinh doanh đạt 16.300 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 8.300 tỷ đồng, lần lượt tăng 22% và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Chiến lược huy động vốn đặc biệt giúp giảm thiểu tối đa chi phí vốn
Theo đánh giá mới đây của hãng chứng khoán ACB Securities (ABCS), mặc dù chịu áp lực cạnh tranh gay gắt cũng như các diễn biến bất lợi của toàn ngành ngân hàng, Ngân hàng VIB đang có lợi thế đáng chú ý nhờ chi phí vốn ở mức khá thấp so với các đối thủ, bất chấp việc ngân hàng này là một ngân hàng tư nhân bán lẻ có quy mô trung bình.
Đồng thời, với việc tập trung cho vay phân khúc bán lẻ có lợi suất cao, giúp cho Ngân hàng VIB đạt được khả năng sinh lời vượt trội hơn so với mặt bằng chung.
Cụ thể, trong thời gian qua, Ngân hàng VIB theo đuổi chiến lược tập trung tận dụng một phần nguồn vốn ngắn hạn từ thị trường liên ngân hàng (với lãi suất thấp) với một phần nguồn vốn dài hạn từ các tổ chức tài chính nước ngoài có lãi suất thấp hơn so với mức huy động trong nước.
Chiến lược này cho phép Ngân hàng VIB tiết giảm chi phí vốn tối đa trong bối cảnh tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) - nguồn vốn huy động giá rẻ của Ngân hàng VIB chỉ ở mức tương đối thấp. Đồng thời, chiến lược này cho phép Ngân hàng VIB sử dụng các nguồn vốn huy động dài hạn nước ngoài để tài trợ cho các khoản cho vay mua nhà, mua ô tô vốn có tính chất dài hạn; trong khi các khoản tiền gửi khách hàng trong nước chủ yếu là tiền gửi ngắn hạn, thường chỉ tối đa là 12 tháng.
Đến cuối quý 3/2023, Ngân hàng VIB có dư nợ vay gần 1 tỷ USD trên tổng hạn mức 2 tỷ USD được cấp bởi các tổ chức tài chính quốc tế như Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Mục đích của các khoản cấp vốn này là hỗ trợ Ngân hàng VIB đẩy mạnh cho vay cá nhân mua và xây, sửa nhà.
Một lợi ích gián tiếp khác từ việc không phải quá tập trung vào nguồn tiền gửi của khách hàng là việc Ngân hàng VIB không phải huy động với mức lãi suất cao như các ngân tư nhân có quy mô nhỏ khác, từ đó giúp chi phí vốn của Ngân hàng VIB được tiết giảm hơn nữa.
Tính đến cuối quý 3/2023, tỷ trọng tiền gửi khách hàng chỉ chiếm 55,5% tổng nguồn vốn của Ngân hàng VIB, so với mức gần 70% của các ngân hàng khác. Trong bối cảnh hệ thống liên ngân hàng vẫn dồi dào thanh khoản và lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp thì cơ cấu vốn này vẫn giúp Ngân hàng VIB tối ưu được chi phí vốn của mình.
Chiến lược tập trung cho vay bán lẻ giúp khả năng sinh lời thuộc nhóm đầu ngành
Kể từ năm 2017, tương tự như xu hướng ngành, Ngân hàng VIB đã chủ động đẩy mạnh phân khúc cho vay khách hàng cá nhân. Đến cuối năm 2022, tỷ trọng dư nợ cho vay cá nhân của ngân hàng này đã chiếm gần 90%, so với mức chỉ khoảng 47% trong giai đoạn 2015 - 2016.
Phân khúc cho vay mua nhà đóng vai trò quan trọng, đóng góp khoảng 50% danh mục cho vay cá nhân của Ngân hàng VIB. Đáng chú ý, ngân hàng này chỉ tập trung cho vay mua nhà ở đã hình thành và ít liên kết với các dự án đang phát triển. 99,5% các khoản cho vay mua nhà của Ngân hàng VIB là đã có sổ đỏ hoặc sổ hồng. Điều này giúp Ngân hàng VIB có thể dễ dàng thanh lý hoặc thu hồi tài sản đảm bảo, giảm tối đa tỷ lệ tổn thất tín dụng.
Mảng cho vay mua ô tô đang chiếm 13,6% danh mục cho vay cá nhân của Ngân hàng VIB. Ngân hàng VIB cũng đang có thị phần lớn thứ hai trong mảng này, chiếm 15% (chỉ sau Ngân hàng VPBank) trong quý 3/2023.
Chiến lược đẩy mạnh phân khúc cho vay bán lẻ đã giúp cải thiện mạnh lợi suất tài sản và khả năng sinh lời của Ngân hàng VIB với mức NIM và ROE thuộc nhóm cao nhất hệ thống ngân hàng hiện nay.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 12/12, thị giá cổ phiếu VIB đạt 19.200 đồng, tăng gần 30% so với hồi đầu năm nay.