Kỳ vọng NIM phục hồi trong quý 4/2023
Kết thúc quý 3/2023, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Ngân hàng Sacombank, mã cổ phiếu STB - sàn HoSE) ghi nhận thu nhập thuần từ lãi 4.851 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do NIM của ngân hàng này chỉ đạt 3,34% trong quý 3/2023, giảm 123 điểm cơ bản so với quý 3/2022 và giảm 78 điểm cơ bản so với quý 2/2023.
Trong quý 3/2023, Ngân hàng Sacombank đã chào mức lãi suất cho vay ưu đãi đối với các khoản vay vốn lưu động, từ 5,5% - 6,0% cho doanh nghiệp và từ 7,0% - 7,5% cho bán lẻ. Trong khi đó, lãi suất huy động của ngân hàng này trong kỳ chỉ giảm trung bình 1,9% so với quý 2/2023, thấp hơn so với mức giảm của mặt bằng chung. Điều này đã gây áp lực lên NIM của Ngân hàng Sacombank.
Tuy nhiên, sự sụt giảm NIM này có thể chỉ mang tính chất tạm thời. Theo ước tính gần đây của SSI Research, khoảng gần 57% số tiền gửi (tương đương 288.500 tỷ đồng) của Ngân hàng Sacombank sẽ được huy động lại với mức lãi suất thấp hơn (4,8% - 5,6% cho kỳ hạn 6 - 12 tháng) trong quý 4/2023, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho NIM phục hồi lên mức 4,12% - tương đương với hồi quý 2/2023.
Kết thúc quý 3/2023, Ngân hàng Sacombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 2.100 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ dự phòng tín dụng giảm 66% do ngân hàng trích lập dự phòng trái phiếu VAMC ở mức thấp, chỉ 500 tỷ đồng.
Như vậy, số dư trái phiếu VAMC của Ngân hàng Sacombank tại cuối quý 2/2023 là 3.900 tỷ đồng. Theo Thông tư 06/VBHN-NHNN, việc trích lập dự phòng cụ thể hàng năm cho trái phiếu VAMC phụ thuộc vào việc thu hồi các khoản nợ tồn đọng và dự phòng lũy kế của VAMC. Do đó, SSI Research dự báo Ngân hàng Sacombank sẽ trích lập thêm khoảng 1.000 tỷ đồng dự phòng nữa cho trái phiếu VAMC trong quý 4/2023.
Hiện SSI Research nhận định các khoản nợ được đảm bảo bằng quyền tài sản tại Khu công nghiệp Phong Phú sẽ được Ngân hàng Sacombank xử lý trong năm 2024 thay vì năm 2023 như kế hoạch trước đây. Việc xử lý dứt điểm khoản nợ này sẽ giúp Ngân hàng Sacombank hoàn nhập khoản dự phòng 1.600 tỷ đồng.
Ngân hàng Sacombank có thể kết thúc đề án tái cơ cấu trước thời hạn
Về chất lượng tài sản, vào cuối quý 3/2023, nợ xấu của Ngân hàng Sacombank đã tăng 26,3% so với quý 2/2023, đạt 10.400 tỷ đồng, chủ yếu do các khoản nợ liên quan đến doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và kinh doanh hộ gia đình.
Tuy nhiên, điểm sáng là tỷ lệ hình thành nợ xấu đã giảm xuống mức 0,47% trong quý 3/2023, so với mức đỉnh 0,65% trong quý 2/2023. SSI Research hiện đánh giá, với việc tăng trưởng tín dụng phục hồi nhẹ và công tác xử lý nợ xấu trong quý 4/2023 sẽ giúp Ngân hàng Sacombank duy trì ổn định tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,2% trong cả năm 2023.
Liên quan đến việc Ngân hàng Sacombank có dự định trở thành cổ đông của hãng hàng không Bamboo Airways vốn đang trong quá trình tái cơ cấu, khiến một số cổ đông lo ngại về mặt quản trị doanh nghiệp khi mà ngân hàng vẫn chưa hoàn thành xong đề án cơ cấu của mình.
Tuy nhiên, SSI Research đánh giá Ngân hàng Sacombank hoàn toàn có thể kết thúc đề án tái cơ cấu trước thời hạn đề ra (trước năm 2025). Điều này sẽ giúp ngân hàng giải quyết được 590 triệu cổ phiếu STB đang bị phong tỏa tại VAMC.
Trong tháng 10 và 11/2023, Bamboo Airways đã cơ cấu lại một số đường bay quốc tế, nội địa thiếu hiệu quả để tiết giảm bớt chi phí, cũng như cải tổ lại số lượng tiếp viên và phi công. Điều này thể hiện nỗ lực của hãng hàng không trong việc tái cơ cấu hoạt động kinh doanh. Tính đến ngày 13/11/2023, Bamboo Airways có 14 máy bay, trong đó 9 chiếc đang hoạt động.
Theo Ngân hàng Sacombank, các khoản vay liên quan đến Bamboo Airways hiện vẫn được phân loại vào nợ Nhóm 1 và không trích lập dự phòng cụ thể trong quý 3/2023.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 22/11, thị giá cổ phiếu STB đạt 29.100 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 29% so với thời điểm đầu năm nay.