Lãi ròng nửa đầu năm 2023 tăng 84% so với cùng kỳ năm trước
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Ngân hàng Sacombank, mã cổ phiếu STB – sàn HoSE) vừa công bố cáo tài chính quý 2/2023 với thu nhập lãi thuần đã tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt trên 5.751 tỷ đồng.
Lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư của ngân hàng này trong quý 2/2023 cũng tăng gần gấp 5 lần, lên mức 21 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 62%, xuống còn gần 654 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động khác cũng giảm tới 94%, xuống chỉ còn 84 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối gần như đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 245 tỷ đồng.
Về phía chi phí, chi phí hoạt động của Ngân hàng Sacombank trong quý 2/2023 đã tăng hơn 27% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 3.049 tỷ đồng, chủ yếu do tăng chi cho nhân viên và chi về tài sản. Đáng chú ý, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng này đã giảm mạnh 45%, xuống còn 1.315 tỷ đồng.
Kết thúc quý 2/2023, Ngân hàng Sacombank báo lãi ròng đạt 1.925 tỷ đồng, tăng gấp 2,23 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, ngân hàng này ghi nhận 3.825 tỷ đồng lãi ròng, tăng tới 84% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của Ngân hàng Sacombank trong quý 2/2023 đạt 4,2%, tăng đáng kể so với mức 3,7% trong quý 1/2023 và mức 2,3% của quý 2/2022.
Trong năm nay, Ngân hàng Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 9.500 tỷ đồng, tăng 50% so với năm trước. Như vậy, ngân hàng này đã hoàn thành hơn 50% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay.
Tính đến cuối tháng 6/2023, tổng tài sản của Ngân hàng Sacombank đạt hơn 622.100 tỷ đồng, tăng 5% so với thời điểm đầu năm nay. Cho vay khách hàng cũng tăng 5% lên mức 460.470 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự phòng rủi ro cho vay khách hàng của ngân hàng này cũng đã tăng 12,6% so với thời điểm đầu năm nay, lên mức 6.342 tỷ đồng.
Nợ xấu tăng gấp đôi, dự kiến hoàn thành đề án tái cơ cấu trong năm nay
Báo cáo tài chính của Ngân hàng Sacombank cũng cho thấy, tính đến cuối tháng 6/2023, số dư nợ xấu của ngân hàng này đã tăng gấp đôi lên mức 8.226 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do nợ nhóm 3 và nhóm 4 tăng mạnh, với mức tăng lần lượt gấp hơn 4 lần và 2,5 lần so với thời điểm đầu năm nay. Kéo theo đó, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng Sacombank tính đến cuối tháng 6/2023 đã tăng vọt lên mức 1,79%, so với mức 0,98% hồi đầu năm nay.
Theo đánh giá gần nhất của ACB Securities (ACBS), dự kiến Ngân hàng Sacombank sẽ phải tiếp tục sử dụng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của mình để trích lập dự phòng cho 5.800 tỷ đồng trái phiếu VAMC còn lại từ nay cho đến hết năm 2023 để hoàn tất đề án tái cơ cấu của ngân hàng này. Lợi nhuận từ việc thanh lý các tài sản thế chấp tồn đọng của Sacombank có thể lên đến 19.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, sau khi hoàn thành tái cơ cấu và không còn áp lực trích lập dự phòng cho các tài sản tồn đọng, dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2024 của Ngân hàng Sacombank sẽ tăng vọt lên mức khoảng 20.000 tỷ đồng, tương đương với các ngân hàng có cùng quy mô khác.
Ngoài ra, dự kiến tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) và thu nợ ngoại bảng của ngân hàng này có thể tăng đột biến trong những năm tới khi các tài sản thế chấp được xử lý thành công.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 28/7, giá cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank đạt 28.650 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm nay, cổ phiếu STB đã tăng khoảng 22%.
Đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 14/7 vừa qua, cổ phiếu STB đã xảy ra hiện tượng bán tháo với gần 75 triệu cổ phiếu được sang tay (hơn 75% trong số này là lệnh bán ra chủ động), thị giá có lúc giảm kịch sàn về còn 27.900 đồng/cổ phiếu (2,2 triệu cổ phiếu STB được khớp lệnh ở mức giá này).
Tính theo giá trị giao dịch thì tổng khối lượng giao dịch lên đến 2.150 tỷ đồng – mức cao kỷ lục của cổ phiếu STB.