Ngân hàng Thế giới: Giá hàng hóa nguyên liệu quý II/2014 tương đối ổn định

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, nhìn chung, giá các mặt hàng nguyên liệu trong quý II/2014 vừa qua đã được giữ ổn định. Dưới tác động của các bất ổn địa chính trị, chí sổ giá các loại nhiên liệu

Bất ổn địa chính trị đẩy chỉ số giá nhiên liệu tăng

Sau khi tăng 0,5% trong quý I/2014, chỉ số giá nhiên liệu Ngân hàng Thế giới – đo lường giá các loại nhiên liệu (World Bank energy index) tiếp tục tăng lên trong quý II/2014, tăng 1% so với quý I/2014. Mặc dù giá than và giá khí thiên nhiên trong quý II/2014 đã giảm lần lượt 5,7% và 9,6% nhưng giá dầu đã tăng 2,6% so với quý I/2014; qua đó đẩy chỉ số giá nhiên liệu tăng lên. Trong quý II/2014, giá dầu thô đạt trung bình 106,3 USD/thùng so với mức 103,7 USD/thùng trong quý I/2014.

Tình trạng bất ổn địa chính trị tại Ukraine, Libya và Iraq làm gia tăng rủi ro gián đoạn nguồn cung dầu là nguyên nhân chính khiến giá dầu tăng lên trong quý II/2014. Tuy nhiên, sau khi tăng cao lên mức 111 USD/thùng vào cuối tháng 6/2014, giá dầu thô đã giảm xuống còn 105 USD/thùng vào đầu tháng 7/2014 trong bối cảnh nguồn cùng dầu từ Iraq không bị gián đoạn và Libya tuyên bố mở cửa trở lại các cảng xuất dầu vốn bị đóng cửa trong gần 1 năm nay.

Chỉ số giá các loại hàng hóa

Giá nhiên liệu thế giới

Theo Ngân hàng Thế giới, trong trường hợp không có những biến động kinh tế vĩ mô lớn hoặc nguồn cung những nguyên liệu chính không bị gián đoạn thì giá dầu thô được dự báo đạt mức trung bình 106 USD/thùng trong năm 2014, tăng 2 USD/thùng so với năm 2013; điều này phản ánh những căng thẳng địa chính trị tại Iraq. Giá dầu thô cũng được dự báo sẽ giảm nhẹ xuống mức 104 USD/thùng trong năm 2015 khi các bất ổn địa chính trị giảm xuống. Trong dài hạn, giá dầu thô được dự báo sẽ giảm xuống do nguồn cung các dầu theo các phương pháp mới (đá phiến dầu, cát dầu…) tăng lên, hiệu quả sử dụng dầu tăng lên và sự chuyển hướng sang sử dụng các loại nhiên liệu khác.

Nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu được dự báo sẽ tăng ít nhất 1,5% trong giai đoạn 2014/2015; trong đó, toàn bộ mức tăng trưởng nhu cầu này đến từ các quốc gia nằm ngoài khối OECD. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng dầu tại các quốc gia thuộc khối OECD được dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp do tăng trưởng kinh tế chậm và sự gia tăng hiệu quả sử dụng dầu của các phương tiên vận chuyển.

Giá khí thiên nhiên trên toàn cầu, bao gồm: giá tại Mỹ, khu vực Châu Âu và khu vực Châu Á tiếp tục có sự chênh lệch nhau. Hoạt động khai thác khí thiên nhiên từ đá phiến dầu tại Mỹ đã tăng cao trong giai đoạn gần đây. Tuy nhiên, điều này không có tác động mạnh lên thị trường quốc tế do các công ty Mỹ thiếu hụt cơ sở hạ tầng phục vụ việc xuất khẩu và sự cho phép xuất khẩu của Chính phủ Mỹ. Ngân hàng Thế giới dự báo giá khí thiên nhiên (tại Mỹ) và giá than sẽ tiếp tục ít tác động đến giá dầu thô và giá khí thiên nhiên tại Châu Âu và Nhật Bản.

Nhu cầu sử dụng của Trung Quốc thấp khiến giá kim loại giảm

Nhìn chung, giá kim loại trong quý II/2014 tiếp tục đà giảm kể từ năm 2013; chỉ số giá kim loại Ngân hàng Thế giới trong quý II/2014 giảm 1% so với cùng kỳ năm 2013. Nguyên nhân chủ yếu do tình trạng dư cung xảy ra đối với hầu hết các kim loại.

Vào tháng 2/2011, chỉ số giá kim loại Ngân hàng Thế giới đã chạm mức cao kỷ lục 126 điểm (2010 = 100 điểm), tăng 164% so với hồi tháng 12/2008. Sự gia tăng giá kim loại cùng với các khoản đầu tư lớn vào ngành khai khoáng đã khiến nguồn cung kim loại tăng cao. Phần lớn mức sản lượng kim loại tăng lên nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của Trung Quốc – quốc gia sử dụng kim loại lớn nhất thế giới. Trong năm 2013, Trung Quốc đã sử dụng tới 47% tổng lượng kim loại tinh luyện trên toàn cầu. Tuy nhiên, việc tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm xuống đã làm giảm nhu cầu sử dụng kim loại và kéo giá kim loại đi xuống. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu các kim loại bao gồm: nhôm, thiếc, đồng, niken và quặng sắt của Trung Quốc đã giảm từ 50% trong nửa cuối năm 2013 xuống chỉ còn 0% hoặc thậm chí xuống dưới 0% trong giai đoạn từ tháng 3 – 5/2014.

Giá kim loại thế giới

Giá quặng sắt trong quý II/2014 đã giảm tới 15% so với cùng kỳ năm 2013; trong khi đó, giá các kim loại cơ bản khác đã tăng 2% so với cùng kỳ năm 2013. Sự sụt giảm mạnh của giá quặng sắt phản ánh tình trạng nguồn cung quặng sắt từ Australia và Brazil tăng mạnh.

Giá các kim loại cơ bản trong quý II/2014 cũng đã có sự biến động; giá kẽm, thiếc và niken đã lần lượt tăng 2,1%, 2,2% và 26% so với quý I/2014. Mức tăng mạnh của giá niken phản ánh việc Chính phủ Indonesia cấm xuất khẩu quặng niken thô chưa qua tinh chế vào tháng 1/2014. Bên cạnh đó, giá chì và đồng trong quý II/2014 đã lần lượt giảm 0,2% và 3,3% so với quý I/2014.

Giá nhôm trong quý II/2014 tăng 5,3% so với quý I/2014, đánh dấu quý tăng giá đầu tiên sau năm quý giảm giá liên tiếp nhờ vào việc cắt giảm sản lượng đang bắt đầu phát huy tác dụng lên thị trường.

Giá các kim loại cơ bản được Ngân hàng Thế giới dự báo giảm 6% trong năm 2014 trong bối cảnh sản lượng kim loại tăng cao và nhu cầu sử dụng của Trung Quốc giảm xuống; trong năm 2013, giá các kim loại đã giảm 5,5%. Cụ thể, trong năm 2014, giá quặng sắt được dự báo giảm mức kỷ lục 26%, theo sau đó là giá đồng, nhôm và chì được dự báo lần lượt giảm: 5,6%, 2,5% và 1%. Giá thiếc được dự báo sẽ chỉ thay đổi nhẹ; trong khi đó, giá kẽm và niken được dự báo tăng lần lượt: 9% và 26%.

Giá phân bón sẽ tiếp tục giảm xuống

Sau khi tăng 4,7% trong quý I/2014, giá phân bón đã giảm 6,5% trong quý II/2014. Giá phân bón thế giới hiện đã giảm 20% so với cùng kỳ năm 2013 và giảm tới 60% so với mức cao kỷ lục vào giữa năm 2008. Xu hướng giảm của giá phân bón đã được xác lập trong 7 trên 8 quý gần đây.

Giá các loại phân bón

Việc giá khí thiên nhiên tại Mỹ ở mức thấp đã gây tác động đến ngành công nghiệp phân bón trên toàn cầu. Nhiều công ty sản xuất phân bón trên thế giới đang chuyển nhà máy về Mỹ nhằm tận dụng lợi thế về giá khí thiên nhiên – nguồn nguyên liệu chính của một số loại phân bón. Ngân hàng Thế giới nhân định, trong dài hạn, xu hướng này sẽ tạo áp lực giảm đối với giá phân bón.

Dự báo chỉ số giá phân bón Ngân hàng Thế giới trong năm 2014 sẽ giảm 15% và tiếp tục giảm 16,5% trong năm 2015; chỉ số này đã giảm mạnh 17% trong năm 2013. Với giả định giá khí thiên nhiên tại Mỹ sẽ chỉ tăng ở mức vừa phải, giá các nguyên liệu thành phần để sản xuất phân bón trong năm 2014 được Ngân hàng Thế giới dự báo như sau: đá phostphate giảm 26%, giá potash giảm 21%, giá urê giảm 12%, giá TSP giảm 6% và giá DAP được dự báo sẽ không thay đổi nhiều.

Giá gạo chịu áp lực giảm trong thời gian tới

Trong quý II/2014, giá nông sản đã có mức tăng nhẹ và có sự biến động không đồng nhất giữa giá các loại các loại nông sản. Tổng thể chung, chỉ số giá nông sản Ngân hàng Thế giới trong quý II/2014 đã tăng 0,9% so với quý I/2014 nhưng giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2013.

Trong quý II/2014, giá các loại ngũ cốc tăng gần 1% so với quý I/2014 (giảm 20% so với cùng kỳ năm 2013). Trong đó, giá gạo lần đầu tiên giảm xuống dưới mốc 400 USD/tấn, đạt trung bình 393 USD/tấn trong quý II/2014. Nguồn cung gạo được dự báo sẽ tăng lên với mức sản lượng gạo trên toàn cầu trong niên vụ 2014/2015 được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo đạt 480 triệu tấn. Bên cạnh đó, cùng với việc Chính phủ Thái Lan đẩy mạnh hoạt động xả bán gạo, Ngân hàng Thế giới dự báo giá gạo sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm trong thời gian tới.

Giá các loại nông sản được dự báo giảm 1,4% trong năm 2014. Trong đó, nhóm các loại ngũ cốc được dự báo sẽ có mức giảm lớn nhất với giá ngô và giá gạo sẽ giảm 18% do nguồn cung tăng lên. Giá các loại dầu ăn sẽ chỉ thay đổi nhẹ, giá dầu cọ và dầu dừa được dự báo tăng 3%, ngược lại, giá dầu đậu nành được dự báo giảm 9%.