Trong ngày 23/4, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã hạ dự báo giá dầu thô và giá các kim loại công nghiệp trên thế giới trong bối cảnh sự bùng phát của đại dịch Covid-19 khiến nhiều hoạt động kinh tế trên thế giới bị đình trệ, gây sụt giảm nhu cầu sử dụng nhiều loại hàng hoá – nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Theo đó, giá dầu thô trong năm nay được Ngân hàng Thế giới dự báo đạt trung bình 35 USD/thùng trong năm nay, giảm 43% so với mức trung bình trong năm 2019. Con số này cũng thấp hơn nhiều so với mức dự báo được Ngân hàng Thế giới đưa ra hồi tháng 10/2019.
Ngân hàng Thế giới cho biết “Việc điều chỉnh giảm dự báo giá dầu thô phản ánh nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu ở mức thấp kỷ lục”. Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới nhận định việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia khai thác dầu thô lớn khác trên thế giới gia tăng sản lượng khai thác đã khiến giá dầu thô chịu áp lực giảm mạnh.
Giá các kim loại cũng được dự báo sẽ giảm 13% trong năm 2020. Tuy nhiên, giá vàng – kim loại thường được giới đầu tư tìm đến nhằm bảo vệ tài sản trước các cuộc khủng hoảng được dự báo sẽ tăng gần 15% trong năm nay, theo Ngân hàng Thế giới.
Đối với các hàng hoá nông nghiệp, Ngân hàng Thế giới dự báo đại dịch Covid-19 sẽ chỉ gây ra tác động vừa phải lên giá các mặt hàng này nhưng sự gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm do các biện pháp hạn chế di chuyển và phong toả để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh có thể khiến rủi ro an ninh lương thực tại một số nơi tăng lên.
Ông Makhtar Diop, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, nhận định “Đại dịch Covid-19 đã tạo ra cú sốc nghiêm trọng đối với thị trường hàng hoá và giá dầu thô giảm mạnh có thể gây ra trở ngại nghiêm trọng đối với các nền kinh tế đang phát triển”.
Ngân hàng Thế giới khuyến nghị các chính phủ trên toàn cầu cần cải cách các chương trình trợ cấp năng lượng để gia tăng nguồn tài chính cho các hoạt động khẩn cấp chống lại sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Đồng thời, các quốc gia không nên sử dụng hàng rào thuế quan cũng như các biện pháp bảo vệ thương mại khác để bảo hộ các ngành công nghiệp nội địa trong bối cảnh xu hướng bảo hộ thương mại đang gia tăng trước các tác động nghiêm trọng của dịch bệnh.