Trong Đề án Phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2015, tầm nhìn đến 2025, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt về nguyên tắc 5 dự án thành phần để thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Đề án, trong đó có Dự án số 4 “Hoàn thiện tổ chức, cơ chế, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về ngành công nghiệp môi trường Việt Nam” giao cho Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (ATMT) là cơ quan chủ trì thực hiện, đến nay đã triển khai được một số kết quả như sau:
Về tổ chức, bộ máy quản lý phát triển ngành công nghiệp môi trường:
Năm 2009, Bộ Công Thương đã thành lập Ban Điều hành thực hiện Đề án 1030/QĐ - TTg phát triển ngành công nghiệp môi trường và Văn phòng giúp việc (theo Quyết định 4881/QĐ-BCT ngày 2/10/2009) nhằm triển khai các nội dung, nhiệm vụ của Đề án. Năm 2012 chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước về phát triển ngành công nghiệp môi trường của Bộ Công Thương đã được cụ thể hóa bằng Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Bộ Công Thương kiện toàn tổ chức, quản lý và chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp môi trường.
Hiện, Vụ Khoa học Công nghệ là cơ quan thường trực giúp việc Ban Điều hành Đề án Phát triển ngành công nghiệp môi trường. Năm 2013, Cục ATMT đã thành lập Phòng Kiểm soát ô nhiễm và công nghiệp môi trường, để làm đầu mối thực hiện các chức năng, nhiệm vụ về phát triển ngành công nghiệp môi trường. Có thể nói, từ năm 2010 đến nay, tổ chức, bộ máy quản lý thực hiện phát triển ngành công nghiệp môi trường tại Bộ Công Thương đã cơ bản được kiện toàn, đáp ứng được yêu cầu ban đầu của nhiệm vụ phát triển ngành công nghiệp môi trường trong thời gian tới.
Về hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật
Bắt đầu từ năm 2010, Cục ATMT đã chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng Khung kế hoạch triển khai Dự án về Hoàn thiện tổ chức, cơ chế, chính sách và văn bản pháp luật về ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn 2025”, đến nay, đã xây dựng kế hoạch chi tiết với 14 dự án thành phần.
Năm 2011, Cục ATMT đã giao Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim thực hiện nhiệm vụ “Đánh giá thực trạng và đề xuất các nội dung quản lý Nhà nước về ngành công nghiệp môi trường Việt Nam”. Kết quả của nhiệm vụ đã được hiện thực hóa trong Nghị định 95/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương, cũng như Chiến lược quốc gia về bảo vệ môi trường đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Năm 2012-2013, Cục ATMT giao Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam thực hiện nhiệm vụ “Đánh giá thực trạng các chính sách hiện hành liên quan đến phát triển ngành công nghiệp môi trường”. Đến nay, Hiệp hội đã tổng kết, đánh giá về một số cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển ngành công nghiệp môi trường, cụ thể là các chính sách về thể chế quản lý, đầu tư phát triển, tài chính, thị trường, khoa học và công nghệ, đổi mới cơ cấu ngành công nghiệp môi trường…
Mặc dù có những bước phát triển tích cực trong những năm qua, song đánh giá khách quan về phát triển công nghiệp môi trường vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động doanh thu còn thấp, chưa tương xứng với thị trường tiềm năng; công nghệ, dịch vụ chưa phát triển, nhiều lĩnh vực và sản phẩm môi trường vẫn còn thiếu so với nhiều nước, nguồn cung về thiết bị, công nghệ và dịch vụ yếu, thiếu và chưa phong phú; đội ngũ các nhà khoa học và công nghệ môi trường, các doanh nghiệp môi trường còn yếu và thiếu, đặc biệt là chuyên gia có trình độ cao và có kinh nghiệm, dẫn đến uy tín và thương hiệu của các nhà cung cấp chưa đủ thuyết phục người sử dụng nội địa, thiếu tính cạnh tranh với quốc tế. Các nghiên cứu về công nghiệp môi trường do Bộ Công Thương thực hiện cho thấy, nguyên nhân chủ yếu do Việt Nam còn thiếu hệ thống các chính sách nền tảng, văn bản pháp luật, cơ chế chính sách hỗ trợ cho sự phát triển ngành công nghiệp môi trường.
Trong giai đoạn tới, để xây dựng Nghị định về phát triển ngành công nghiệp môi trường, Bộ Công Thương sẽ triển khai các nội dung sau:
1) Rà soát xác định rõ đối tượng, phạm vi của ngành công nghiệp môi trường Việt Nam. Hiện trên thế giới và Việt Nam có nhiều quan điểm khác nhau về đối tượng, phạm vi của ngành công nghiệp môi trường và thực tế cách phân loại ngành công nghiệp môi trường của các nước tiên tiến trên thế giới cũng có sự khác biệt. Vì vậy, muốn có được những chính sách hiệu quả thì cần thiết phải xác định rõ đối tượng của ngành công nghiệp môi trường, xem đâu là loại hình cần có cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển;
2) Xác định các nhóm chính sách, các cơ chế liên quan đến phát triển ngành công nghiệp môi trường đã được tổng kết, đánh giá. Các nhóm nội dung chính sách sẽ tập trung xây dựng bao gồm: Quản lý Nhà nước về ngành công nghiệp môi trường; thành phần kinh tế tham gia phát triển ngành công nghiệp môi trường; hoạt động thẩm định nhà nước đối với thiết bị, dây truyền công nghệ xử lý môi trường, chú trọng đến sự hợp tác, chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp công nghiệp môi trường nước ngoài, chính sách ưu đãi của nhà nước đối với sự đầu tư của các thành phần kinh tế vào phát triển ngành công nghiệp môi trường…
Với những nội dung, kế hoạch trên, Nghị định về phát triển ngành công nghiệp môi trường được ban hành sẽ thực sự là nền tảng chính sách quan trọng nhằm hỗ trợ và phát triển ngành công nghiệp môi trường trong thời gian tới.