Các nhiệm vụ khoa học công nghệ ngành Công Thương tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, quản trị sản xuất, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt Nam có tính cạnh tranh cao trên thị trường.
Những năm gần đây, hoạt động khoa học và công nghệ ngành Công Thương đã có những bước điều chỉnh nhanh chóng trong định hướng cũng như cách thức tổ chức thực hiện, gắn với yêu cầu của doanh nghiệp với trọng tâm là các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tỷ lệ đối ứng của các đơn vị tham gia nhiệm vụ khoa học công nghệ, đặc biệt là từ các doanh nghiệp được ứng dụng, chuyển giao công nghệ ngày càng tăng.
Thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành Công Thương, trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ đã triển khai nhiều chương trình/đề án khoa học và công nghệ cấp quốc gia, 2 chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp bộ và Đề án ứng dụng khoa học và công nghệ trong tái cơ cấu ngành Công Thương.
Các nhiệm vụ tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, quản trị sản xuất, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt Nam có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường.
Nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã đạt được những giải thưởng cao, có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như tạo lập vị thế về khoa học của Việt Nam trong khu vực và quốc tế; nhiều sản phẩm ứng dụng mang tầm khu vực và quốc tế, góp phần phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, ví dụ như các sản phẩm: Giàn khoan tự nâng trong lĩnh vực dầu khí; Máy biến áp nguồn 500 KVA 3 pha trong lĩnh vực thiết bị điện; Hệ thống bơm đặc thù, bơm công suất lớn trong lĩnh vực cơ khí; Các sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực điện, khai thác khoáng sản, hóa chất, điện tử phục vụ y tế, công nghiệp, công nghệ sinh học…
Công tác quản lý khoa học và công nghệ đã được đổi mới một cách toàn diện từ nội dung tới phương thức quản lý; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong quá trình quản lý, giám sát thực hiện.
Trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và sở hữu trí tuệ: Công tác tiêu chuẩn, đo lường và sở hữu trí tuệ liên tục được đổi mới, hoàn thiện đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, từng bước thiết lập hệ thống hàng rào kỹ thuật bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước; hỗ trợ các doanh nghiệp cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời ngăn chặn các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, tính mạng con người, góp phần thực thi các các Hiệp định thương mại đa phương, song phương.
Bộ Công Thương đã xây dựng và trình ban hành 6 văn bản làm cơ sở pháp lý có tính định hướng cho công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng đối với các lĩnh vực, sản phẩm, hàng hóa và kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm phân công quản lý của Bộ. Tới thời điểm hiện tại, về cơ bản, chính sách về tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng được ban hành tương đối đồng bộ, đầy đủ, tạo cơ sở hành lang pháp lý và công cụ quản lý cần thiết cho các đơn vị chức năng của Bộ trong quá trình thực hiện công tác này.
Đã xây dựng, thẩm định và trình ban hành 10 QCVN cho các sản phẩm, hàng hóa ngành Công Thương; tổ chức xây dựng các dự thảo tiêu chuẩn quốc gia và chuyển Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, công bố theo quy định (năm 2020, Bộ đã đề nghị thẩm định và công bố 03 TCVN về LPG, đồng thời đang tiến hành rà soát, hoàn thiện hồ sơ thẩm định, công bố các TCVN đã hoàn thành việc nghiên cứu, xây dựng dự thảo).
Công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường trong phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được tăng cường thông qua việc triển khai đồng bộ các hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước như: Đăng ký, chỉ định và kiểm tra hoạt động của các tổ chức đánh giá sự phù hợp đối với sản phẩm, hàng hóa và các tổ chức kiểm nghiệm đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật An toàn thực phẩm; Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và an toàn thực phẩm.
Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 1978/QĐ-BCT ngày 28 tháng 7 năm 2020 về việc ban hành kế hoạch thực hiện "Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương. Đề án đã cụ thể hóa các nhiệm vụ tại Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tập trung vào xây dựng và vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc, cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương và kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia.
Xây dựng Đề án tăng cường đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đối với ngành Công Thương nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về hoạt động đo lường trong ngành Công Thương và hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành Công Thương nâng cao năng lực hoạt động đo lường.