Tham dự Hội nghị còn có Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và đại diện lãnh đạo UBND 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung cho biết, tính chung 9 tháng năm 2021, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 4,45% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 6,29%; quý II tăng 11,18%; quý III giảm 3,5%), cao hơn mức tăng trưởng GDP chung của toàn nền kinh tế (cả nước: tăng 1,42%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,05% (quý I tăng 8,9%; quý II tăng 13,35%; quý III giảm 3,24%); ngành khai khoáng giảm 7,17% (do sản lượng khai thác dầu thô giảm 6% và khí đốt tự nhiên dạng khí giảm 17,6%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước đạt 3.367,7 nghìn tỷ đồng, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 8,7% (cùng kỳ năm 2020 đạt 3.625,59 nghìn tỷ đồng, giảm 0,73%).
Theo báo cáo của các Sở Công Thương, 44/63 địa phương có tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, trong đó 57/63 địa phương tăng trưởng cao hơn mức tăng chung của cả nước (cả nước giảm 7,1%).
Về kim ngạch xuất nhập khẩu, 54/63 địa phương có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, trong đó 31/63 địa phương tăng trưởng cao hơn mức tăng chung của cả nước (cả nước tăng 18,8%). Khu vực phía Bắc, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa chiếm tỉ trọng 54,8% cả nước, 26/28 địa phương có tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước; Khu vực miền Trung - Tây Nguyên, chiếm tỉ trọng 3,6% cả nước, có 13/16 địa phương; Khu vực phía Nam chiếm tỉ trọng 40,8% cả nước, có 14/19 địa phương.
Bước sang quý IV, mặc dù tiêm chủng vaccine Covid-19 được nhiều nước trên thế giới triển khai mạnh mẽ nhưng nguy cơ phục hồi của kinh tế thế giới vẫn mong manh, việc gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu còn hiện hữu, ảnh hưởng tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Vì vậy, trong những tháng cuối năm 2021, khối Công Thương địa phương thống nhất một số giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu như: Thực hiện ứng phó hiệu quả, giảm thiểu tác động của thiên tai, dịch bệnh; Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất công nghiệp; Thúc đẩy mạnh mẽ tiêu dùng, trong đó đặc biệt chú trọng thị trường trong nước góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; Tiếp tục rà soát, hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn các chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; Tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; Đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng giữa ngành Công Thương các tỉnh, thành phố; Thực hiện các chương trình, hoạt động của ngành Công Thương đang triển khai hỗ trợ các địa phương trên cả nước…
Tại Hội nghị, các địa phương (Thái Nguyên, Hòa Bình, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ, Quảng Nam, Quảng Ninh, Thái Bình, TP HCM, Hải Dương, Hà Giang, Hà Nội…) cũng đã thảo luận và trao đổi nhiều vấn đề về thực trạng tại địa phương, từ đó đề xuất các giải pháp tham mưu với lãnh đạo Bộ Công Thương.
Đánh giá cao các ý kiến tham luận tại Hội nghị của các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, các địa phương đã nỗ lực rất nhiều trong công tác phòng, chống dịch vừa đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại trong 9 tháng đầu năm. Hoạt động sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2021 bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm nhiều ảnh hưởng lớn đến giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực cũng như cả nước.
Căn cứ diễn biến tình hình thực tế trong nước và thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu trong những tháng còn lại của năm 2021, các địa phương, đặc biệt là các Sở Công Thương, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương quan tâm triển khai một số nội dung như sau:
UBND tỉnh, thành phố bám sát tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn toàn quốc, trong các khu, cụm công nghiệp để chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả vừa bảo đảm phát triển sản xuất, kinh doanh…
Đối với các Sở Công Thương, cần khẩn trương hoàn thiện hoặc báo cáo các cấp có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển công nghiệp, trong đó tập trung vào các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh kiện... để tạo cơ chế thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp; ưu tiên quy hoạch, phát triển các khu, cụm công nghiệp chuyên ngành, cụm liên kết ngành tạo chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp…
Đối với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Bộ trưởng yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ; Xử lý tốt vấn đề về truy xuất nguồn gốc và bảo đảm chất lượng sản phẩm nông sản của Việt Nam; Đẩy mạnh hoạt động đàm phán để phát triển các thị trường khu vực xa hơn...