Ngành Công Thương năm 2017: 6 nhiệm vụ trọng tâm

Để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội, Chính phủ giao cho năm 2017, Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung đi thẳng vào giải quyết những vấn đề được coi là đi

1. Khẩn trương ổn định tổ chức bộ máy theo Nghị định mới của Chính phủ, xây dựng đội ngũ cán bộ dựa trên phẩm chất chính trị và trình độ chuyên môn cao, đáp ứng được yêu cầu của đổi mới. Việc chúng ta thực hiện tái cơ cấu Bộ Công Thương theo hướng tinh giản hóa, gọn nhẹ, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước chắc chắn còn chưa đủ, phải còn đi kèm với công tác về thể chế, nâng cao năng lực của đội ngũ công chức, viên chức của ngành Công Thương. Đây là những giải pháp vô cùng quan trọng đảm bảo cho chúng ta có một Chính phủ kiến tạo, một Chính phủ hành động, phục vụ tại Bộ Công Thương, đáp ứng những yêu cầu của hội nhập và phát triển trong giai đoạn tới đồng thời giải quyết được những tồn tại yếu kém bao năm nay liên quan đến quản lý nhà nước của chúng ta.

2.Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Theo đó, tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ những rào cản trong đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử thực hiện có hiệu quả về phát triển kinh tế và hội nhập.

3. Tập trung giải quyết một cách căn bản những điểm tồn tại, hạn chế lớn trong phát triển công nghiệp. Đó là những vấn đề về tái cơ cấu trong phát triển ở các lĩnh vực dầu khí, điện, than, phân bón hóa chất; thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng gắn kết và tham gia chặt chẽ hơn vào chuỗi giá trị của khu vực và thế giới; xử lý tốt bài toán an ninh năng lượng quốc gia trong dài hạn gắn với bảo đảm những vấn đề về môi trường; xử lý một cách căn bản các vấn đề về an toàn thủy điện và an toàn xả lũ. Đặc biệt, như đã nói ở trên, giải quyết tồn tại ở các dự án lớn thua lỗ, kém hiệu quả với những giải pháp căn cơ và hiệu quả đi kèm đó là những giải pháp về mặt thể chế, pháp lý, nhân lực... đảm bảo không xảy ra tình trạng tương tự trong tương lai.

4. Cần đặc biệt quan tâm bên cạnh việc thực hiện các cơ hội, các cam kết quốc tế, rất cần xử lý tốt các công cụ của phòng vệ thương mại và xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường nội địa đi kèm với phát triển hạ tầng thương mại, các kênh phân phối, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cũng như nhu cầu của đời sống nhân dân và xã hội.

5. Củng cố một bước trong phát triển hệ thống phân phối bán lẻ trong nước; hình thành đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại thông suốt trên khắp các địa bàn, khu vực thị trường từ thành thị tới các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; cùng với triển khai đi vào chiều sâu Cuộc Vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" để tạo điều kiện cho hàng Việt Nam phát triển rộng khắp, khai thác tốt tiềm năng của thị trường trong nước rộng lớn cũng như trong khung khổ hội nhập.

6. Tiếp tục đẩy mạnh công tác đổi mới sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu ứng dụng công nghệ để tận dụng tốt cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, một trong những yếu tố vô cùng trọng tâm và then chốt trong những thập kỷ mới của đất nước. Những thách thức và thuận lợi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ đặt ra rất sát và cụ thể ngay trong năm 2017 và những năm tới cho ngành Công Thương và cho nền kinh tế. Rõ ràng cần phải có những đối sách cho những thách thức và khai thác thuận lợi của những rô bốt hóa, của tự động hóa, của tin học hóa cũng như hàng loạt những thay đổi lớn của quốc gia, quốc tế, chắc chắn cũng sẽ thay đổi những xu hướng của hội nhập thế giới.