TCCT: Ông đánh giá thế nào về hoạt động của ngành Công Thương trong công tác bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu thời gian qua, ở các tỉnh phía Nam?
Ông Vũ Hồng Thanh: Theo tôi, có 2 điểm lớn nhất mà ngành Công Thương đã làm được là: không để nguồn cung hàng hóa thiết yếu gián đoạn và kiểm soát được giá cả trên thị trường. Nhưng, cái được lớn hơn, qua hoạt động hỗ trợ đảm bảo hàng hoá thiết yếu cho TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam, ngành Công Thương đã nhận diện được những nguy cơ, thách thức đối với các chuỗi cung ứng, từ đó xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh. Điều này chứng tỏ ngành Công Thương đã rất bản lĩnh trong công tác điều hành, đảm bảo yêu cầu "thích ứng an toàn, linh hoạt"như chỉ đạo của Tổng Bí thư.
TCCT: Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ thương mại một trong những ngành bị tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19. Hoạt động Thương mại cần cơ cấu lại để thích ứng với trạng thái bình thường mới, tạo nền tảng cho giai đoạn phục hồi từ năm 2022 .Theo ông những bài học kinh nghiệm nào từ công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu thời gian qua, mà ngành Công Thương cần tiếp tục giải quyết để thích ứng với trạng thái bình thường mới?
Ông Vũ Hồng Thanh: Có 4 nguy cơ thách thức đối với các chuỗi cung ứng mà ngành Công Thương đã nhận diện và xử lý, đó là:
Một là, kịch bản dự trữ nguồn hàng hóa thường được xây dựng trên kịch bản “phân công” tự nhiên, như các tỉnh xung quanh TP. Hồ Chí Minh trước nay vẫn giữ vai trò cung cấp thực phẩm, nông sản cho TP. Hồ Chí Minh, nhưng với biến thể Delta gây lây nhiễm nhiều hơn và lây lan nhanh hơn khiến chúng ta không lường được tình huống các chợ đầu mối phải đóng cửa, hay thiếu lái xe chở hàng (do phải đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch), hệ quả là trong mấy ngày đầu áp dụng Chỉ thị 16, nguồn hàng về TP. Hồ Chí Minh bị gián đoạn.
Hai là, TP. Hồ Chí Minh dựa 70% nguồn hàng ở chợ, do đó kịch bản cao nhất là tăng gấp ba lần hàng hóa ở chợ, nhưng không ngờ chợ bị đóng cửa gây thiếu hàng cục bộ trong những ngày đầu chống dịch. Thực tế này cho thấy, trách nhiệm dự trữ hàng hóa, tùy vào tình hình thực tế địa phương cần được chính quyền lên kế hoạch, phân “vai” phù hợp cho từng cơ sở phân phối (trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, chợ đầu mối).
Ba là, khi xuất hiện tình huống khủng hoảng về thiên tai hay dịch bệnh, nguồn nhân lực của hệ thống phân phối gồm trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, kho hàng, vận tải, logistics… dễ bị tổn thương nhất, nên bảo vệ nguồn nhân lực này cần được coi là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, để chính quyền, người dân an tâm tập trung vào giải quyết sự khan hiếm hàng hóa, lương thực, thực phẩm.
Bốn là, cần có kịch bản thay thế giữa các hệ thống phân phối. Ví dụ như khi các chợ đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh có hàng trăm F0, buộc phải đóng cửa, thì các hệ thống còn lại gồm siêu thị, trung tâm thương mại, thậm chí cả kho hàng nữa, sẽ thay thế lỗ hổng này thế nào? Hoặc là khi các chợ bị đóng cửa, tiểu thương không được kinh doanh nữa, nhưng họ vẫn nắm những đầu mối về nguồn hàng, vậy tận dụng những người nắm đầu mối nguồn hàng này như thế nào?
Nhận diện được 4 thách thức đối với các chuỗi cung ứng này, ngành Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành khác xử lý kịp thời những vướng mắc nảy sinh. Tôi nghĩ, đây cũng là 4 bài học kinh nghiệm mà Ngành cần tiếp tục giải quyết một cách căn cơ trong thời gian tới.
TCCT: Như vậy, dịch Covid-19 đã tạo ra nhận thức mới, phương thức xử lý khủng hoảng mới?
Ông Vũ Hồng Thanh: Đúng vậy! Nhưng cần nói thêm, việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu và kiểm soát được giá trên thị trường tại các tỉnh áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 cũng là do chúng ta được thừa hưởng một nền tảng khá vững chắc trong hệ thống phân phối nhiều năm gần đây.
Nền tảng này không chỉ là kết cấu hạ tầng thương mại; mà còn là các chương trình phát triển thương mại nội địa như Chương trình bình ổn thị trường, Chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn, Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam… Những chương trình này đã xây dựng nên những chuỗi cung ứng hàng hóa mà ở đó, sự kết nối giữa các bộ, ngành trung ương với chính quyền địa phương; doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã, hộ nông dân với doanh nghiệp phân phối đã tạo thành dòng chảy thương mại vững chắc, có khả năng điều tiết thị trường. Ví dụ như Chương trình bình ổn thị trường đã triển khai trên 50 tỉnh, thành phố với hàng chục ngàn điểm bán ở các khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất. Điểm kế thừa này vô cùng quý giá để trong các tình huống lũ lụt, hay dịch bệnh thời gian qua, chúng ta đã có sẵn nguồn lực và “chân hàng” để đáp ứng nhu cầu.
Cũng từ những chương trình này, chúng ta có một cộng đồng thương mại gắn kết, hỗ trợ nhau xử lý một cách linh hoạt trong những kịch bản mới. Như cơ quan quản lý nhà nước phối hợp với các hệ thống phân phối lớn thu mua nông sản cho nông dân bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh; phối hợp với các sàn thương mại điện tử triển khai các chương trình đặt hàng nông sản, hàng thiết yếu, thực phẩm tươi sống tạo điều kiện mua sắm cho người dân trên các kênh trực tuyến.
Việc kế thừa, phát huy sức mạnh của kết cấu hạ tầng thương mại, các chương trình phát triển thương mại nội địa trong bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu và kiểm soát được giá trên thị trường đã được chứng minh, thể hiện mạnh mẽ trong những thời khắc nước sôi lửa bỏng, ở những địa bàn “nóng” nhất về dịch Covid-19, trước đây là Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, sau đó là TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam. Đây cũng có thể coi là bài học kinh nghiệm thứ 5 giúp ngành Công Thương cơ cấu lại hoạt động thương mại gắn với một chương trình tổng thể về thích ứng, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tăng tính tự chủ của nền kinh tế, tăng cường khả năng chống chịu, thích ứng trước những cú “sốc” do bất ổn kinh tế vĩ mô bên ngoài, hoặc dịch bệnh, biến đổi khí hậu...
TCCT: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Chỉ đạo, hoạt động của Bộ Công Thương trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư
- Chiều ngày 17/7/2021, khi người dân TP. HCM đổ xô mua sắm tích trữ hàng hoá, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tổ chức cuộc họp khẩn và quyết định thành lập Ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TP. HCM và các tỉnh phía Nam.
- Đồng thời, Tổ công tác tiền phương (nay là Tổ Công tác Đặc biệt phía Nam của Bộ Công Thương) ra đời.
- Tổ Công tác có 5 nhiệm vụ cấp bách:
+ Nắm bắt sát diễn biến thị trường và nhu cầu hàng hóa thiết yếu của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phía Nam;
+ Thực hiện công tác điều tiết, cung ứng hàng hóa thiết yếu thông suốt tại các tỉnh, thành phố có dịch, giữa các tỉnh, thành phố có dịch với các địa phương khác;
+ Phối hợp cùng lực lượng chức năng tại các địa phương đảm bảo lưu thông hàng hóa, chống hiện tượng găm hàng, tăng giá, ép giá, bán hàng kém chất lượng;
+ Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong cung ứng hàng hóa thiết yếu tại các tỉnh;
+ Tham mưu, đề xuất hướng xử lý để báo cáo Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phía Nam.
- Những ngày “cắm chốt”, Tổ Công tác đã khảo sát tình hình cung ứng hàng hóa, kịp thời đề xuất phương án kích hoạt hệ thống siêu thị, điểm bán hàng lưu động, đảm bảo không gián đoạn nguồn cung khi gần 200 chợ truyền thống cùng lúc phải ngưng hoạt động.
- Qua sâu sát với địa phương, phát hiện tính phức tạp của việc xếp loại hàng hóa thiết yếu, nên ngày 27/7, Bộ Công Thương có văn bản 4482 gửi Thủ tướng, kiến nghị không xây dựng danh mục hàng hóa thiết yếu mà cho phép lưu thông hàng hóa bình thường, ngoại trừ hàng hóa cấm kinh doanh hoặc hạn chế kinh doanh.
- Cũng từ khảo sát thực tế, Bộ Công Thương có văn bản số 4580 ngày 30/7 đề nghị UBND cấp tỉnh “bổ sung đối tượng lao động trong các ngành vận tải và logistics” là đối tượng tiêm vắc xin như lực lượng tuyến đầu chống dịch.
- Ngày 14/8. Bộ Công Thương có văn bản 4922, kiến nghị Thủ tướng giao cho các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu mở luồng xanh cho vận tải thủy- một phương thức vận chuyển thóc gạo chủ yếu bị ách tắc, do trước đấy mới quan tâm đến mở luồng xanh cho vận tải bộ.
- Qua các buổi làm việc tại các khu công nghiệp, hiệp hội, ngành hàng, Tổ Công tác đề xuất hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”; đề nghị Bộ Y tế bổ sung các hình thức tổ chức sản xuất trong điều kiện vừa cách ly vừa sản xuất. Đề xuất của Tổ công tác đã được Bộ Y tế cụ thể hóa bằng văn bản số 6565/BYT-MT ngày 12/8/2021 gửi UBND cấp tỉnh hướng dẫn việc phòng, chống Covid-19 tại cơ sở lao động sản xuất kinh doanh.