Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân - Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp Phạm Trọng Thực - Phó trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Công Thương chủ trì.
Tham dự Hội nghị có đại diện của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia; Lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; Lãnh đạo các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Xăng dầu Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Than - Khoáng sản Việt Nam, Hóa chất Việt Nam... cùng hơn 200 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ phụ trách công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các doanh nghiệp trong ngành Công Thương.
Hội nghị đã được nghe Báo cáo Tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021, triển khai nhiệm vụ 2022 và Báo cáo dự báo khí tượng và nguồn nước năm 2022 của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, báo cáo tham luận của một số Sở Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và một số chủ hồ chứa thủy điện.
Các báo cáo đều tập trung đánh giá các việc đã thực hiện, những tồn tại hạn chế trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, đặc biệt là công tác vận hành an toàn các công trình thủy điện, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm triển khai tốt hơn công tác phòng chống thiên tai trong thời gian tới.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia và các chuyên gia, trong năm 2022 sẽ có khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông và có khoảng từ 4-6 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Ngoài ra, trong các tháng chuyển mùa đã có mưa bão bất thường, từ tháng 4-5 có thể xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc.
Nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong ngành công thương là rất lớn, đặc biệt là công tác đảm bảo an toàn vận hành hồ chứa thủy điện, an toàn điện, an toàn công trình khai thác khoáng sản, dầu khí, cung ứng xăng dầu, công tác đảm bảo dự trữ hàng hóa thiết yếu, ổn định thị trường… Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ Công Thương mới đây đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 14/4/2022 chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường công tác phòng chống thiên tai năm 2022.
Nhằm thực hiện hiệu quả công tác phòng chống thiên tai và tìm kiến cứu nạn trong năm 2022, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã chỉ đạo và kết luận Hội nghị trong đó giao các nhiệm vụ rất cụ thể cho các đơn vị trong ngành Công Thương:
Thứ nhất, khẩn trương hoàn thành việc kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tại từng đơn vị trong đó phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên đối với lĩnh vực, phụ trách quản lý. Xây dựng kế hoạch nhiệm vụ năm 2022 trong đó chú ý đến việc xây dựng kịch bản, phương án ứng phó với các tình huống thiên tai, nhất là thiên tai lớn, đặc biệt là công tác chỉ đạo, điều hành và phương án sơ tán người và tài sản đảm bảo mục tiêu kép an toàn phòng chống thiên tai và phòng chống dịch.
Thứ hai, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, hậu cần theo phương châm 4 tại chỗ (Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ, phương tiện tại chỗ) để sẵn sàng ứng phó thiên tai với hiệu quả cao nhất; tổ chức diễn tập các phương án ứng phó đối với các tình huống thiên tai cơ bản để nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai.
Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các công trình, các điểm xung yếu dễ bị tác động bởi thiên tai trước mùa mưa bão để có biện pháp gia cố, ứng phó thiên tai phù hợp.
Thứ tư, tập trung theo dõi, giám sát diễn biến thiên tai, đặc biệt trong mùa mưa bão để chủ động, kịp thời chỉ đạo ứng phó khi có các tình huống thiên tai xảy ra.
Thứ năm, thường xuyên tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác phòng chống thiên tai, nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập ứng phó các tình huống thiên tai.
Thứ sáu, duy trì nghiêm chế độ trực ban và thực hiện chế độ báo cáo nghiêm túc theo đúng quy định; bảo đảm thông tin, liên lạc thông suốt.
Thứ bảy, tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị, giữa các đơn vị với địa phương để thống nhất chỉ huy, điều hành và phát huy hiệu quả cao nhất về nguồn lực của các đơn vị trong quá trình ứng phó với các tình huống thiên tai, sự cố.
Thứ tám, nâng cao nhận thức của cán bộ, công nhân viên trong đơn vị và cộng đồng dân cư xung quanh về kiến thức, kỹ năng phòng chống thiên tai.
Cụ thể, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân yêu cầu Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, kiểm tra, triển khai công tác đảm bảo an toàn đối với công trình thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương, nhất là các hồ thủy điện và hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản.
Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại; ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng thiên tai để đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, thu lợi bất chính.
Vụ Thị trường trong nước hướng dẫn, kiểm tra, chỉ đạo các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và triển khai tốt kế hoạch dự trữ hàng hóa, vật tư, nhu yếu phẩm thiết yếu; có phương án trực tiếp điều tiết các mặt hàng thiết yếu giữa các địa phương, khu vực bị ảnh hưởng thiên tai, đảm bảo phục vụ nhu cầu cơ bản của người dân, ổn định thị trường trong và sau thiên tai.
Thứ trưởng cũng yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố:
(i) Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai trước mùa mưa bão tại các cơ sở, công trình trong ngành Công Thương trên địa bàn quản lý, đặc biệt là các đơn vị quản lý vận hành lưới điện, chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện;
(ii) Chỉ đạo giám sát vận hành an toàn hồ đập thủy điện, tham mưu UBND tỉnh, thành phố tuyệt đối không cho tích nước đối với các hồ chứa nước không đảm bảo an toàn; tăng cường lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát, cung cấp số liệu cho các đơn vị chức năng theo quy định, thông tin cảnh báo đảm bảo an toàn hạ du khi xả lũ.
(iii) Hỗ trợ các đơn vị điện lực, đơn vị truyền tải điện trên địa bàn nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão như việc vận động người dân chặt tỉa cây xanh, phát quang hành lang tuyến đường dây; phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn cảnh báo người dân sử dụng điện an toàn trong mùa mưa bão;
(iv) Tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thực hiện thiết lập, quản lý hành lang thoát lũ của các hồ chứa và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn đập theo quy định của pháp luật;
(v) Triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa, vật tư, nhu yếu phẩm thiết yếu, chú trọng khu vực thường xuyên bị thiên tai, vùng sâu, vùng xa, vùng dễ bị chia cắt; phối hơp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt kế hoạch dự trữ tại chỗ, phương án bình ổn thị trường khi thiên tai xảy ra.
(vi) Yêu cầu các công trình đang xây dựng dừng mọi hoạt động thi công, di dời người và thiết bị về vị trí an toàn trước khi bão lũ xảy ra, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản, không để xảy ra các sự cố sạt lở nghiêm trọng như năm 2020;
(vii) Đối với địa phương có công trình điện gió và trang trại điện mặt trời cần chỉ đạo các chủ công trình thực hiện gia cố nền móng chống sạt trượt và có các biện pháp đảm an toàn cho con người và thiết bị trong mùa mưa bão.
Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu:
(i) Chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành công trình thủy điện trực thuộc triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung của Chỉ thị 04/CT-BCT vừa được Bộ trưởng ký ban hành;
(ii) Chỉ đạo các đơn vị phát điện, truyền tải, phân phối điện trực thuộc rà soát, kiểm tra các công trình, gia cố các vị trí xung yếu đảm bảo an toàn cho công trình khi thiên tai xảy ra, phát quang hành lang tuyến, chặt tỉa cây ngoài hành lang có nguy cơ đổ vào công trình điện theo quy định; chuẩn bị sẵn sàng và tập trung mọi nguồn lực để khắc phục kịp thời mọi sự cố xảy ra, cung cấp điện kịp thời, an toàn sau thiên tai;
(iii) Chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý xây dựng phương án, kế hoạch PCTT và TKCN của đơn vị; tổ chức diễn tập cho các cán bộ, công nhân viên trong đơn vị theo phương án đã phê duyệt;
(iv) Yêu cầu các chủ hồ thuộc phạm vi quản lý có biện pháp ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết nhất là mưa lũ trái vụ như thời gian vừa qua để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho công trình và vùng hạ du.
Đối với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc và các đơn vị khai thác khoáng sản, Thứ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu:
(i) Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình PCTT; phương án di dời người dân ra khỏi vùng nguy cơ cao về sạt lở, ngập lụt;
(ii) Kiểm tra, rà soát các bãi thải, các khu mỏ khai thác than, khoáng sản, kho chứa, nhà xưởng, bến cảng, hệ thống đê chân bãi thải, hệ thống bơm thoát nước, mương thoát nước, mặt bằng sản xuất... chủ động xử lý và có phương án đảm bảo an toàn công trình và khu dân cư lân cận, nhất là trong tình huống xảy ra mưa lũ lớn.
(iii) Tổ chức diễn tập phương án ứng phó chống ngập lụt mỏ, sạt lở bãi thải ảnh hưởng đến các khu dân cư trong vùng; huấn luyện nghiệp vụ cấp cứu mỏ tại các đơn vị.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc và các đơn vị khai thác khoáng sản rà soát cập nhật hoàn chỉnh và tổ chức thực hiện các phương án, kế hoạch ứng cứu khẩn cấp, ứng phó sự cố tràn dầu, sự cố cháy nổ giàn khoan, đường ống dẫn dầu, khí, các phương tiện xuất, nhập các sản phẩm dầu khí neo đậu tại nơi tiếp nhận bị chìm, đắm và mắc cạn do bão, lũ, thiên tai gây ra.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch dự trữ nhiên liệu, sẵn sàng phục vụ các vùng bị thiên tai; rà soát, cập nhật phương án đảm bảo an toàn, phòng chống ngập cho công trình, cửa hàng xăng dầu, chống trôi nổi các bồn chứa xăng dầu khi bị ngập nước.
Các Tập đoàn, Tổng công ty khác trong ngành Công Thương chỉ đạo các đơn vị thành viên rà soát, cập nhật sẵn sàng các phương án phòng chống, ứng phó, ngăn ngừa sự cố rò rỉ hóa chất ra môi trường, sạt lở bãi thải.
Đặc biệt, đối với các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân yêu cầu:
(i) Tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng của các hạng mục công trình như đập dâng, công trình xả lũ, cửa nhận nước… các thiết bị cơ khí và thiết bị điện; khắc phục kịp thời các hư hỏng, khiếm khuyết (nếu có) để đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ.
(ii) Rà soát, bổ sung phương án ứng phó thiên tai cho công trình, hạ du đập và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp; tổ chức diễn tập theo phương án được duyệt, bảo đảm an toàn cho vùng hạ du trong mọi tình huống.
(iii) Theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn và phối hợp với các cơ quan có liên quan để vận hành hồ chứa theo đúng quy trình, bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du; chủ động áp dụng cách thức cảnh báo, thông báo đến nhân dân vùng hạ du khi vận hành phát điện và xả lũ.
(iv) Có biện pháp ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết nhất là mưa lũ trái vụ như thời gian vừa qua để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho công trình và vùng hạ du.
(v) Cung cấp đầy đủ, kịp thời số liệu, thông báo về hồ chứa, vận hành hồ chứa cho các cơ quan chức năng theo đúng quy định.
(vi) Báo cáo các cơ quan có thẩm quyền về hiện trạng đập và hồ chứa theo đúng quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập và hồ chứa nước.