Công nghiệp trong xu hướng phục hồi tăng trưởng
Theo số liệu của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh về tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại trên địa bàn Thành phố Quý I và nhiệm vụ trọng tâm quý II/2023, ba tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp TP vẫn đối mặt với các khó khăn, thách thức do giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao; chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia. Tuy vậy, các doanh nghiệp trong nước vẫn đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm hoạt động sản xuất - kinh doanh ổn định.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, Chương trình phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ba ngành chủ lực (cơ khí - tự động hóa, chế biến lương thực - thực phẩm, cao su - nhựa), Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu,…
Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) TP. Hồ Chí Minh 3 tháng ước giảm 0,9% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 1,0%). Doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi thiếu đơn hàng sản xuất, áp lực chi phí đầu vào. Tuy sản lượng công nghiệp còn giảm nhưng đang trong xu hướng phục hồi tăng trưởng dương, khi IIP tháng 1 giảm 15%, 2 tháng giảm 2,5%, 3 tháng giảm 0,9%.
Bốn nhóm ngành công nghiệp trọng điểm tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp, sản lượng công nghiệp quý I/2023 ước tăng 8,2% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,4%). Trong đó: Ngành hóa dược - cao su - nhựa: ước tăng 22,9% (cùng kỳ tăng 18,9%); ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic đang dần khôi phục; ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống: ước tăng 18,5% (cùng kỳ tăng 3,2%); nhu cầu tiêu dùng nội địa tiếp tục tăng thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ của ngành sản xuất đồ uống (tăng 53,7%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ TP. Hồ Chí Minh 3 tháng đầu năm ước đạt 263.981 tỷ đồng, tăng 4,7% so với năm 2022 (cùng kỳ giảm 4,8%); trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa 3 tháng ước đạt 163.606 tỷ đồng, tăng 9,1% (cùng kỳ tăng 4,8%), chiếm 61,97% trong Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ.
Sở Công Thương Thành phố tiếp tục triển khai công tác bình ổn thị trường hàng hóa, nhằm hạn chế việc tăng giá hàng hóa tiêu dùng, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu lương thực, thực phẩm,… Đến nay, hệ thống phân phối trên địa bàn Thành phố có 3/3 chợ đầu mối, 223/232 chợ truyền thống đang hoạt động, 239 siêu thị (107 siêu thị tổng hợp có kinh doanh thực phẩm và 132 siêu thị chuyên doanh), 47 trung tâm thương mại và hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi; các hệ thống phân phối vẫn duy trì, đảm bảo khả năng cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn.
Trong Quý I/2023, các doanh nghiệp, hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị và các cơ sở kinh doanh chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ tổ chức nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn, giá cả hợp lý với nhiều loại mặt hàng giảm giá nhằm kích cầu tiêu dùng. Các mặt hàng thiết yếu, cung cầu giá cả không có biến động bất thường, sức mua trên thị trường vẫn tiếp đà tăng trưởng.
Tuy nhiên, ngành thương mại, dịch vụ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về chi phí vận chuyển, kho bãi, nhân công...; thu nhập của người dân chưa được cải thiện nhiều nên xu hướng tiêu dùng vẫn tập trung vào mua sắm các nhóm hàng thiết yếu là chính và hạn chế các nhóm hàng hóa, dịch vụ chưa thật sự cần thiết,…
Ngành điện vẫn đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp điện ổn định, an toàn, đáp ứng đủ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân Thành phố. Cụ thể, sản lượng điện thương phẩm 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 6.203 triệu kWh, tăng 1,42% so với cùng kỳ năm 2022. Tổn thất điện năng 3 tháng đầu năm ước đạt 2,97%. Chất lượng, độ tin cậy cung cấp điện tiếp tục được nâng cao, thể hiện qua các chỉ số về số lần mất điện của một khách hàng (SAIFI), thời gian mất điện của một khách hàng (SAIDI) lần lượt là 0,04 lần/khách hàng, tốt hơn 72,12% so với cùng kỳ năm 2022 và 3,13 phút, tốt hơn 65,55% so cùng kỳ năm 2022.
10 nhiệm vụ trọng tâm Quý II/2023
Quý II/2023, ngành Công Thương TP. Hồ Chí Minh sẽ triển khai 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm:
Một là, xây dựng mục tiêu, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực: công nghiệp, thương mại, logistics và năng lượng trong dự án Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; đồng thời nghiên cứu đề xuất phương án bố trí không gian phát triển ngành trong dự án Quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Hai là, tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thuộc 3 Chương trình hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm của Thành phố, trong đó sớm hoàn thành 03 Chiến lược phát triển ngành công nghiệp cơ khí - tự động hóa; hóa chất - cao su nhựa; và chế biến thực phẩm.
Ba là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh với 3 trụ cột: (1) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn; (2) Triển khai thực hiện thí điểm Đề án Chuyển đổi số trong các lĩnh vực: Logistics, Năng lượng, Thương mại điện tử và công tác Xúc tiến thương mại; và (3) Nghiên cứu, xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa) chuyển đồi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh theo phương châm số hóa, chuẩn hóa và thương mại hóa.
Bốn là, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư phát triển hệ thống phân phối, hệ thống đại lý thu mua theo hướng tăng cường hơn nữa mối quan hệ liên kết giữa các địa phương, liên kết vùng và hợp tác quốc tế. Trong đó chú trọng thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với hệ thống phân phối của Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương trong vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung bộ và một số tỉnh phía Bắc.
Năm là, tham mưu trình Ủy ban nhân dân Thành phố các Kế hoạch phát triển ngành logistics trên địa bàn Thành phố năm 2023; Kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn Thành phố năm 2023; Kế hoạch thực hiện Chương trình khuyến mại tập trung năm 2023; Kế hoạch thực hiện Chương trình xúc tiến công thương năm 2023.
Sáu là, thực hiện chủ đề năm 2023 “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội”
Bảy là, tham mưu tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ; trong đó chú trọng triển khai các hoạt động kết nối giao thương giữa các hệ thống phân phối lớn và doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố và các tỉnh, thành vùng Duyên hải Nam Trung bộ.
Tám là, tổ chức Hội thảo quốc tế “Định hướng phát triển công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Chín là, tổ chức Hội chợ hàng Việt Nam Xuất khẩu năm 2023.
Mười là, tổ chức Hội nghị gặp gỡ giữa Văn phòng đại diện của Thương nhân nước ngoài với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành logistics tại TP. Hồ Chí Minh năm 2023.