Những dấu ấn đổi mới
Để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của công cuộc đổi mới, Đảng ủy Sở GD&ĐT Sóc Trăng đã bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao và các mục tiêu nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp để lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên tham mưu thực hiện hiệu quả nhiệm vụ. Toàn ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng nhiều đề án, chính sách và được HĐND tỉnh thông qua, thực hiện có hiệu quả, như: Chế độ, chính sách cho học sinh theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh; chính sách xã hội hóa giáo dục mầm non; Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thông quốc dân giai đoạn 2008 – 2020; Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 – 2020.
Cùng với công tác tham mưu, nhiệm kỳ 2015 – 2020 ngành GD&ĐT Sóc Trăng đã đạt được nhiều thành tích nổi bật, theo đó mạng lưới trường lớp không ngừng phát triển và ngày càng hoàn thiện; qui mô giáo dục ở bậc nầm non tiếp tục tăng, giáo dục vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa luôn được quan tâm đầu tư phát triển toàn diện và chuyển biến tích cực. Công tác tổ chức cán bộ đã có nhiều cố gắng trong việc đào tạo; việc quản lý, bồi dưỡng trên chuẩn, bồi dưỡng năng lực tin học, ngoại ngữ được chú ý nhiều hơn. Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất luôn được cấp ủy, UBND các cấp quan tâm, tạo điều kiện cho sự nghiệp giáo dục của địa phương phát triển.
Các chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ chính trị trong nhiệm kỳ vừa qua cơ bản đạt và vượt kế hoạch được giao: Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến lớp mầm non đạt 90%, trong đó trẻ em 5 tuổi đạt 99% (đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết); Tỷ lệ huy động học sinh đi học trong độ tuổi cấp tiểu học đạt 99,5% (đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết); Tỷ lệ huy động học sinh đi học trong độ tuổi cấp trung học cơ sở đạt 97,5% (chỉ tiêu Nghị quyết là 97%); Xây dựng trường chuẩn quốc gia ước đạt 70,08% (chỉ tiêu Nghị quyết là 70%).... Những thành tích này đã thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong các nhà trường, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thực hiện mục tiêu giáo dục nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước.
Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên
Cùng với đó, chất lượng đội ngũ của ngành giáo dục không ngừng phát triển, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn tăng cao đáp ứng trình độ đào tạo chuyên môn và năng lực cơ bản; đảm bảo khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.
Đội ngũ nhà giáo đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quản lý, giảng dạy và thực hiện nhiệm vụ, nâng cao ý thức tự rèn, tự học, tự nghiên cứu, từng bước nâng dần trình độ chuyên môn, chủ động, sáng tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trong tình hình mới.
Đối với giáo dục mầm non, Sở luôn chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý các trường mầm non về quản lý trường học; bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên về đổi mới phương pháp, kỹ năng nghề nghiệp nhằm đảm bảo giáo viên có đủ năng lực, chủ động lựa chọn nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với đối tượng trẻ theo chương trình giáo dục mầm non mới.
Ở cấp tiểu học, tập trung chỉ đạo việc quản lý, tổ chức dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng, điều chỉnh nội dung dạy học và đánh giá xếp loại phù hợp đặc điểm tâm sinh lý học sinh tiểu học; tăng cường giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống, đổi mới phương pháp dạy học; tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn, tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, triển khai dạy ngoại ngữ ở những nơi có đủ điều kiện; duy trì củng cố nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi.
Giáo dục trung học, tiếp tục chỉ đạo thực hiện đổi mới phương pháp dạy học sâu rộng hơn, triệt để hơn ở tất cả các cơ sở giáo dục trung học; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng cán bộ, quản lý, giáo viên về chuyên môn, nghiệp vụ theo chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên theo các thông tư và công văn hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tổ chức bồi dưỡng theo các chuẩn quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đáp ứng việc triển khai Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thông quốc dân giai đoạn 2008-2020”.
Đến nay, toàn ngành có 18.532 cán bộ, giáo viên và nhân viên, (có 08 Tiến sĩ, 312 Thạc sĩ, 70 CBGV đang học Thạc sĩ, 08 CBGV đang học nghiên cứu sinh), trong đó tỷ lệ giáo viên là người dân tộc chiếm hơn 27 %. Tất cả giáo viên đều có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn).