Ngành khuyến công Bắc Kạn hướng đến xuất khẩu sản phẩm Miến dong

Không ai biết chính xác nghề làm Miến dong ở Bắc Kạn có từ bao giờ, từ đầu và từ lúc nào nhưng nó là nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Trước đây do tập quán làm ăn nhỏ lẻ, sản xuất mang tính tự cung tự cấp là chính nên nghề làm miến chỉ chủ yếu phục vụ nhu cầu của hộ gia đình. Nhận thấy tiềm năng của của sản phẩm miến dong trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành không ngừng tuyên truyền, vận động, hỗ trợ bà con nhân dân nâng cao thu nhập với việc trồng cây dong riềng phục vụ nguyên liệu cho sản xuất tinh bột và miến dong, qua đó diện tích trồng cây dong riềng không ngừng được nhân rộng từ năm 2010 là 270 ha lên 568 ha năm 2016 sản lượng đạt 40.000 tấn phấn đấu đến năm 2020 đạt 1.500 ha diện tích đất trồng dong riềng.

Công nhân kiểm tra chất lượng miến trước khi cho vào máy tạo sợi

Song song với phát triển diện tích trồng cây dong riềng, bên cạnh các cơ sở chế biến tinh bột dong riềng và sản xuất miến dong hiện có, các cấp các ngành đã tạo mọi điều kiện để các cơ sở này mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời hỗ trợ cho các cơ sở đầu tư mới xưởng sản xuất tinh bột dong riềng và miến dong. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 106 cơ sở sản xuất tinh bột dong riềng, miến dong, với tổng công suất chế biến tinh bột khoảng 1.354 tấn củ/ngày (trong đó có 30 cơ sở chế biến miến dong với tổng công suất khoảng 20,4 tấn miến/ngày).

Các cơ sở sản xuất đã mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị vào sản xuất

Tháng 10/2012, sản phẩm miến dong Bắc Kạn chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể. Theo đó, Hội Nông dân tỉnh được giao quản lý nhãn hiệu tập thể “Miến dong Bắc Kạn”. Đây là thành quả của dự án “Xây dựng và bảo hộ Nhãn hiệu tập thể Miến dong Bắc Kạn” do Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện, đây là sự khẳng định về mặt pháp lý của sản phẩm miến dong Bắc Kạn, là thành quả của đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Kạn, từ người trồng củ dong riềng cho đến các cơ sở chế biến. Thực tế cho thấy, từ sau khi xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể “Miến dong Bắc Kạn”, các hộ kinh doanh, sản xuất miến đã được hưởng nhiều các chính sách như: Hỗ trợ kinh phí đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến; cho vay vốn phát triển sản xuất, chuyển giao kỹ thuật xử lý bã thải… Nhờ vậy, các hộ đã có điều kiện để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, qua đó nâng cao nguồn thu nhập của bà con nhân dân, góp phần ổn định đời sống và đảm bảo an sinh, xã hội của tỉnh.

Trang thiết bị máy móc đã giúp các cơ sở nâng cao năng xuất lao động và chất lượng sản phẩm

Để giữ vững và phát triển thương hiệu miến dong Bắc Kạn, góp phần tiêu thụ tốt trong nước và phục vụ cho mục đích lâu dài là tiến tới xuất khẩu ngành khuyến công Bắc Kạn định hướng và thường xuyên kiểm tra giám sát các cơ sở chế biến tinh bột dong riềng và sản phẩm miến dong song song với cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm thì cần phải đảm bảo vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, cần kiểm soát chất lượng từ khâu chế biến dong riềng thành tinh bột, thành sản phẩm miến dong, đạt các yêu cầu theo các tiêu chuẩn chất lượng được quy định trong nước và quốc tế. Lãnh đạo ngành khuyến công Bắc Kạn hy vọng rằng, miến dong Bắc Kạn có thể trở thành mặt hàng không chỉ tiêu biểu của tỉnh, mà trong tương lai không xa có thể là sản phẩm tiểu biểu của cả nước.


Thanh Bùi