Thực trạng ô nhiễm môi trường của ngành Thép
Ngành thép là một trong những ngành công nghiệp có “tiềm năng” gây ô nhiễm, suy thoái môi trường do có lượng chất thải gồm nước thải, khí thải và chất thải rắn lớn và có nồng độ các chất ô nhiễm cao.
Theo tính toán, sản xuất 1 tấn thép sẽ thải ra từ 0,5-1 tấn xỉ, 10.000m3 khí thải, 100kg bụi. Rất nhiều các chất ô nhiễm như: axit, kiềm, các nguyên tố hợp kim... thải ra môi trường. Trong các vùng luyện kim, khí quyển bị nhiễm bẩn chiếm tỷ lệ gần 60%. Ngoài nguyên liệu chính là thép phế, sắt xốp, gang thỏi hoặc gang lỏng, vôi, việc sản xuất thép còn sử dụng năng lượng như than, gas, điện, dầu, oxy, nước và các chất phụ trợ như hợp kim, điện cực, khí trơ, vật liệu đầm lò. Quá trình sản xuất thép sinh ra các chất thải khí, rắn và tiếng ồn. Trong một số trường hợp, nước làm mát không được tuần hoàn tuyệt đối cũng phát thải ra môi trường.
Đặc biệt, trong quá trình sản xuất gang và thép đã tạo ra một lượng lớn các chất thải gây ô nhiễm môi trường với một lượng bụi lên tới hàng ngàn tấn/năm, thành phần chủ yếu là các oxit kim loại và những loại oxit khác (FeO, MnO, Al2O3, SiO2, CaO, MgO) và các loại khí thải chứa CO, CO2, SO2, NO2 cùng với một số khí độc khác. Bụi sinh ra chứa các oxit và những tác nhân khác có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà trực tiếp là những công nhân làm việc trong nhà máy.
Do đặc trưng công nghệ sản xuất nên ô nhiễm nước thải của các cơ sở luyện kim đen chỉ ở mức độ thấp hoặc trung bình. Mức độ ô nhiễm này phần lớn là do các chất thải có nguồn gốc hữu cơ hiện diện trong nước thải sinh hoạt và một ít dầu mỡ có trong nước thải làm nguội thép và máy móc cùng nước vệ sinh mặt bằng tại các xưởng sản xuất. Tuy nhiên nếu không xử lý sẽ gây ô nhiễm các nguồn nước mặt. Ví như nước sông Cầu bị ô nhiễm mà nguyên nhân chính là do nước thải sản xuất của Cty Gang thép Thái Nguyên và một số cơ sở khác đã thải ra.
Ngoài ra, các vấn đề về ô nhiễm nhiệt, rung động, tiếng ồn cũng là những vấn đề ngành thép đang phải quan tâm.
Nguyên nhân chủ yếu phát sinh ra ô nhiễm môi trường là do thiết bị công nghệ cũ và lạc hậu; thiếu kinh phí đầu tư cho các giải pháp công nghệ xử lý chất thải.
Đó là những bài toán khó đang đặt ra trong bước đường tồn tại và phát triển của ngành thép Vi ệt Nam.
Để giảm thiểu việc ô nhiễm môi trường của ngành Thép, ngày 25/1/2014, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 03/2014/TT-BCT “Quy định về công nghệ, thiết bị sản xuất gang, thép”.
Theo Thông tư này, từ 1/6/2014, việc thiết kế, xây dựng các cơ sở sản xuất gang, thép, bao gồm: luyện than cốc, thiêu kết, luyện gang, luyện thép lò chuyển, luyện thép lò điện hồ quang, luyện thép lò điện cảm ứng và cán thép (sau đây gọi tắt là Cơ sở sản xuất gang, thép), phải đảm bảo các yêu cầu chung sau: Tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và quản lý chất lượng công trình; Công nghệ, thiết bị sử dụng tại cơ sở sản xuất gang, thép phải đồng bộ, đáp ứng quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Đảm bảo an toàn về phòng chống cháy nổ; Tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các quy định về bảo vệ môi trường.
Cụ thể, Điều 7 (Quy định đối với cơ sở luyện gang lò cao) cần phải đáp ứng yêu cầu sau:
1. Dung tích lò cao tại các khu vực ven biển: ≥ 1.000 m³, tại các khu vực còn lại: ≥700 m³.
2. Suất tiêu hao năng lượng ≤ 14.000 MJ/tấn gang, trong đó suất tiêu hao than cốc ≤ 450 kg than cốc/tấn gang (suất tiêu hao năng lượng được tính theo Phụ lục I và Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này).
3. Nhiệt độ gió nóng đưa vào lò cao ≥ 1.100ºC.
Còn Quy định đối với cơ sở luyện thép lò chuyển (Điều 8) phải đáp ứng tiêu chuẩn như:
1. Dung lượng lò chuyển tại các khu vực ven biển: ≥ 70 tấn/mẻ, tại các khu vực còn lại: ≥ 50 tấn/mẻ.
2. Có dây chuyền đúc liên tục.
3. Có hệ thống thu hồi nhiệt (nhiệt vật lý, nhiệt hóa học) của khí thải để làm nhiên liệu sản xuất hơi nước, sử dụng cho phát điện hoặc mục đích khác.
Về môi trường, Thông tư số 03 đã đã quy định cụ thể về xử lý khí thải (Điều 12); Quy định về xử lý chất thải rắn (Điều 13) và Quy định về xử lý nước thải (tại Điều 14).
Ví dụ, về xử lý chất thải rắn, Điều 13 quy định: (1) Cơ sở sản xuất gang, thép phải thu hồi, xử lý chất thải rắn theo quy định tại QCVN 07:2009/BTNMT về ngưỡng chất thải nguy hại ban hành kèm theo Thông tư số 25/2009/TT- BTNMT ngày 16/11/2009 và QCVN 50:2013/BTNMT về ngưỡng nguy hại đối với bùn thải từ quá trình xử lý nước ban hành kèm theo Thông tư số 32/2013/TT-BTNMT ngày 25/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy chuẩn quốc gia về môi trường; (2). Xỉ thải, bụi lò thu được từ các khâu công nghệ luyện gang, thép phải được chế biến, tái sử dụng đảm bảo các quy định về môi trường.
Nếu các cơ sở
sản xuất gang, thép căn cứ vào quy hoạch của ngành thép để tự cải tiến và nâng
cấp thiết bị hoặc đầu tư công nghệ mới thì các DN này mới sản xuất được những
sản phẩm có đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường và giảm thiểu ô nhiễm môi
trường.