Huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa được thành lập ngày 11/4/2007 theo Nghị định 65/2007/NĐCP của Chính phủ trên cơ sở tách ra từ hai huyện Diên Khánh và Cam Ranh. Huyện trải dài theo quốc lộ 1A, diện tích tự nhiên 547,12 km2, dân số xấp xỉ 110 ngàn người, có 14 đơn vị hành chính trực thuộc (13 xã và thị trấn Cam Đức).
Điện lực Cam Lâm hiện quản lý vận hành kinh doanh điện năng trên địa bàn huyện Cam Lâm với 260,6 km đường dây trung áp (trong đó có 3,1 km cáp ngầm); 260,9 km đường dây hạ áp; 315 TBA phụ tải với tổng dung lượng 81.333 kVA; 27.652 khách hàng sử dụng điện; sản lượng điện thương phẩm năm 2012 đạt 111,63 triệu kWh, tăng 15,68% so với năm 2011; năm 2013 đạt 125,1 triệu kWh, tăng 12,06% so với năm 2012, trong đó tỉ trọng cho công nghiệp, xây dựng là 61,93% - một con số rất ấn tượng đối với một Điện lực quản lý kinh doanh điện ở cả địa bàn nông thôn và miền núi (huyện Cam Lâm có 02 xã miền núi là Sơn Tân và Suối Cát). Trên địa bàn huyện Cam Lâm có khu công nghiệp Suối Dầu, có những khách hàng tiêu thụ điện lớn như Công ty Hải Long, Công ty Hải Vương, Công ty Thông Thuận với ngành nghề chủ yếu là chế biến thủy hải sản. Tỉ lệ điện dùng để truyền tải và phân phối của Điện lực Cam Lâm năm 2012 là 4,79% giảm 0,93% so với năm 2011; năm 2013 là 4,71% giảm 0,08% so với năm 2012. Điều thuận lợi là lưới điện hạ áp nông thôn trên địa bàn huyện Cam Lâm đã hoàn thành tiếp nhận từ năm 2005 để trực tiếp bán điện tới khách hàng theo giá bán điện quy định của Chính phủ. Tuy vậy, do lưới điện hạ áp nông thôn tiếp nhận từ lâu, cũ kỹ, độ an toàn không cao, tổn thất điện năng lớn. Hiện tại, PC Khánh Hòa đã lập báo cáo đầu tư nhằm tiến hành đầu tư, cải tạo toàn bộ lưới điện hạ áp nông thôn tại đây và đang thực hiện thủ tục vay vốn để nhanh chóng triển khai. Là Công ty cổ phần, mục tiêu trọng tâm là lợi nhuận, tuy vậy PC Khánh Hòa vẫn luôn quan tâm đến các tiêu chí khác như an sinh xã hội. Đầu năm 2014 sau một tháng khẩn trương triển khai, PC Khánh Hòa đã hoàn thành đóng điện hệ thống lưới điện hạ áp cấp điện cho 41 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các thôn buôn xã Sơn Tân, huyện Cam Lâm. Việc đưa điện đến với đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa xã Sơn Tân không chỉ khó khăn bởi địa hình đồi núi đốc, giao thông khó khăn mà điều đáng nói là nơi đây dân cư thưa thớt, khoảng cách giữa các hộ xa nhau, suất đầu tư đối với mỗi hộ cao trong khi sản lượng điện tiêu thụ hàng tháng thấp, tỉ suất lợi nhuận âm, khả năng thu hồi vốn đầu tư rất khó, nhất là đối với một Công ty cổ phần.
Phòng giao tiếp khách hàng Điện lực Cam Lâm.Ông Phạm Ngọc Quang, Giám đốc Điện lực Cam Lâm chia sẻ: Địa bàn hoạt động của đơn vị rất rộng (cả miền núi và đồng bằng), giao thông đi lại trở ngại, việc quản lý lưới điện khó khăn, nhất là việc xử lý sự cố vào mùa mưa bão. CBCNV Điện lực Cam Lâm luôn hoàn thành tốt các chỉ tiêu chính được giao như sản lượng điện, doanh thu, tổn thất điện năng, nâng cao hiệu quả kinh doanh và chất lượng dịch vụ khách hàng.
Sau nhiều năm thuê văn phòng làm việc, đến cuối năm 2013 nhà làm việc của Điện lực Cam Lâm đã được đầu tư xây dựng mới khang trang. Phòng giao tiếp khách hàng được bố trí tại địa điểm đẹp và thuận tiện, đầy đủ tiện nghi, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng. Đội ngũ nhân viên giao tiếp khách hàng được lựa chọn, bồi huấn nghiệp vụ chuyên môn đảm bảo đáp ứng tốt yêu cầu công tác.
Cam Lâm là địa bàn có nhiều tiềm năng về đánh bắt hải sản, về du lịch biển (có bãi biển dài, đẹp, giao thông thủy, bộ và hàng không thuận tiện). Thủ tướng Chính phủ đã định hướng phát triển bắc bán đảo Cam Ranh (thuộc huyện Cam Lâm) thành khu du lịch quốc gia. UBND tỉnh Khánh Hòa đang quyết tâm xây dựng tại vùng đất này khu đô thị hiện đại. Tiềm năng bắc bản đáo Cam Ranh đang được đánh thức, đáp ứng kỳ vọng của nhiều người, trong đó có sự đóng góp quan trọng của ngành Điện. Ngày mới với Điện lực Cam Lâm trước thời cơ mới và vận hội mới.