NGHỊ ĐỊNH 08/NĐ-CP: Hoàn thiện một bước công cụ chống hàng giả

Ngày 10/1/2013, Chính phủ ban hành nghị định 08/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Đây là một bước tiến mới về chính sách trong lĩnh vực chống

Thống nhất các quy định

Nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp, làm lành mạnh thị trường và tăng sức mạnh cho nền kinh tế, việc hoàn thiện các quy phạm pháp luật về chống hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, tăng cường chế tài và nâng cao sự phối hợp giữa các tổ chức thực thi và các hiệp hội doanh nghiệp đã được cụ thể hoá trong Nghị định số 08/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả - có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2013.

Điểm khái quát ở Nghị định 08 là thống nhất chính sách và các quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả; tạo sự liên thông với các quy định của Bộ luật Hình sự để bảo đảm hiệu quả công tác đấu tranh. Thẩm quyền và hoạt động đấu tranh, xử lý vi phạm hành chính về hàng giả của Quản lý thị trường đã được mở rộng sang lĩnh vực sản xuất. Các khái niệm hành vi cũng được liệt kê rõ ràng; đồng thời quy định cụ thể về “tang vật” và “phương tiện vi phạm” tạo điều kiện cơ sở pháp lý cho cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.

Theo Nghị định này, hàng giả từ nay đã được xác định với các tiêu chuẩn định tính, định lượng rõ ràng, chia theo 4 loại: Hàng không có giá trị sử dụng; Hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa; Hàng giả mạo về sở hữu trí tuệ và tem, nhãn, bao bì giả. Về nguyên tắc xử phạt, Nghị định 08 quy định: việc xử phạt vi phạm hành chính sẽ được áp dụng theo từng hành vi vi phạm trên cơ sở từng dấu hiệu của hàng giả (một vụ việc có thể bị phạt bởi nhiều hành vi). Mức phạt và hình thức xử phạt cũng được tăng lên, phù hợp với tình hình mới. Đối với hành vi buôn bán hàng giả phạt tiền từ 100.000 đồng đến 70.000.000 đồng; đối với sản xuất hàng giả phạt tiền từ 200.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật phương tiện cũng được áp dụng cho từng loại tang vật và tình huống được quy định chi tiết cụ thể.

Sức răn đe lớn

Nghị định 08/2013/NĐ-CP ra đời đã kịp thời khắc phục những bất cập của các quy định pháp luật hiện hành về xác định hàng giả và chế tài xử phạt hành chính đối với hành vi sản xuất hàng giả.

Đồng thời tính nghiêm minh của pháp luật được thể hiện rõ ràng hơn, cho phép áp dụng những hình phạt có sức răn đe lớn hơn đối với những hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả ở mức độ nghiêm trọng.

Trong đó đáng chú ý là việc bổ sung thẩm quyền áp dụng cho Chi cục trưởng Chi cục QLTT và Cục trưởng Cục QLTT hình thức xử phạt “đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm”.

Cũng theo Nghị định 08 thì các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả có dấu hiệu của tội phạm theo quy định của pháp luật hình sự thì hồ sơ vi phạm sẽ được chuyển cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Khống chế vấn nạn sản xuất và buôn bán hàng giả là công việc đòi hỏi ý thức tham gia tích cực của toàn xã hội, trong đó rất cần sự hỗ trợ của các quy định cơ sở pháp lý, cùng sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan thực thi pháp luật, nâng cao ý thức của các tổ chức và người dân. Với bước tiến mới của Nghị định 08, người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp chân chính có quyền hi vọng một thực tế tốt đẹp mới.

Thúy Hà - TCCT